Du ngoạn trên kinh đào dài nhất Việt Nam

Du ngoạn trên kinh đào dài nhất Việt Nam

Trong Thế Miếu (đại nội - Huế), trên cao đỉnh (đỉnh đồng thứ 5 trong cửu đỉnh) có khắc hình một danh thắng ở An Giang: Kinh Vĩnh Tế. Vì sao ở miền biên viễn phương nam lại có một con kinh được khắc vào quốc bảo?

  • Hành trình trên kinh
Du ngoạn trên kinh đào dài nhất Việt Nam ảnh 1

Đó là con kinh dài hơn 97km, chạy từ Châu Đốc đến Hà Tiên. Biết khó có thể đi hết chiều dài này nên chúng tôi quyết định vạch ra một lộ trình đường thủy dài khoảng 8km trên dòng Vĩnh Tế, từ sông Châu Đốc đến núi Sam.

Sở dĩ chúng tôi chọn lộ trình này vì qua nghiên cứu trên bản đồ và tìm hiểu tư liệu lịch sử, chúng tôi đánh giá đoạn kinh này có những đặc điểm hấp dẫn như đây là đoạn xuất phát; song song với đường bộ - con lộ nối Châu Đốc với núi Sam, cũng do chính Thoại Ngọc Hầu cho quân và dân làm trước khi đào kinh Vĩnh Tế; có nhiều nơi để ngắm cảnh, tham quan và điểm dừng “đinh” là quần thể danh thắng núi Sam.

Tôi và anh Lương Thế Vy (Phó Giám đốc hãng lữ hành V-Travel) thuê một chiếc ghe máy gần chợ Châu Đốc để bắt đầu chuyến đi. Khi nghe chúng tôi đặt yêu cầu, dì Tám Nưng - chủ đò, bảo: “Chắc có lẽ các cậu là những người đầu tiên đi du lịch kiểu này chứ tôi chở khách du lịch cả chục năm nay chưa thấy ai yêu cầu như vậy”.

Từ sông Châu Đốc (một nhánh của sông Hậu), ghe rẽ vào ngã ba kinh Vĩnh Tế. Đình thần Vĩnh Ngươn nằm trên bờ (bên tay phải, tính từ hướng sông Châu Đốc vào) được xem như điểm xuất phát của con kinh Vĩnh Tế.

Cuộc sống của người dân hai bên kinh thật sầm uất. Người ta thả cơ man vó cá xuống kinh, chừng 10 phút lại cất lên; những chiếc ghe giao thương chở hàng hóa từ Việt Nam qua Campuchia và ngược lại chạy tì tạch trên kinh.

Ghe từ miệt Tịnh Biên, Tri Tôn, Hà Tiên... chở hàng về Châu Đốc, Long Xuyên và nhiều nơi khác thuộc hạ lưu sông Cửu Long cũng mượn dòng kinh này làm thủy trình. Có đoạn hai bên bờ kinh vắng nhà dân, chỉ toàn cây cổ thụ làm cho cảnh kinh thêm thanh bình. Gió trên kinh mát rượi.

Du ngoạn trên kinh đào dài nhất Việt Nam ảnh 2

Những vó cá trên kinh.
Ảnh: TẤN VIỆT.

Núi Sam hiện ra. Chắc có lẽ không ở vị trí nào nhìn núi Sam trọn vẹn và đẹp bằng từ kinh Vĩnh Tế. Chúng tôi đi đúng vào mùa nước nổi nên nhìn núi Sam giống như một con sam nổi lên giữa biển - dân gian đã lấy hình tượng này để đặt tên núi.

Trên triền núi Sam có nhiều am, miếu, chùa ẩn khuất trong rừng cây u tịch, linh thiêng. Ghe tấp vào Khu du lịch Bến Đá, chúng tôi quá bộ đến viếng miếu Bà Chúa Xứ - công trình kiến trúc đẹp và tôn nghiêm đã được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia. Mỗi năm miếu Bà đón không dưới 3 triệu lượt khách đến hành hương, thăm viếng. 

Thoại Ngọc Hầu tên thật là Nguyễn Văn Thoại, sinh năm 1761 tại Diên Phước, tỉnh Quảng Nam; mất ngày 6 tháng 6 năm 1829. Ông không chỉ chỉ huy đào kinh Vĩnh Tế, kinh Thoại Hà mà còn mở đường từ Châu Đốc đi Núi Sam, Châu Đốc đi Lò Gò và Sóc Trăng. Ông có công lớn trong việc mở mang, khai phá nhiều vùng đất, lập làng, bảo vệ vùng Tây Nam Tổ quốc. ông được phong tước hầu nên thường được gọi một cách kính trọng là Thoại Ngọc Hầu.

Một nơi mà chúng tôi không thể không viếng thăm là lăng Thoại Ngọc Hầu - người chủ trì đào kinh Vĩnh Tế. Tổng thể lăng có lối kiến trúc mang phong cách lăng tẩm các vị vua triều Nguyễn ở Huế nhưng quy mô nhỏ.

Mộ Thoại Ngọc Hầu nằm chính giữa, bên phải là mộ của bà chính thất Châu Thị Tế, bên trái hơi lùi một chút là mộ bà thứ Trương Thị Kiệt.

Trong khuôn viên lăng còn có nhiều ngôi mộ vô danh của những người trước kia theo ông đi khai hoang lập ấp, đào kinh Vĩnh Tế với nhiều hình dạng bầu dục, voi phục, trái đào.

Ngoài ra, trong lăng còn có bia “Vĩnh Tế Sơn” bằng sa thạch, vẫn bảo lưu đến nay.

Viếng lăng Thoại Ngọc Hầu xong, chúng tôi chinh phục núi Sam. Nếu lúc đi thuyền trên dòng kinh Vĩnh Tế đã thấy được tầm vóc của núi Sam thì bây giờ đứng trên đỉnh núi Sam nhìn xuống dòng kinh dài bất tận và đặc biệt thẳng tắp này mới thật sự khâm phục công sức và trí tuệ của người xưa.

Núi Sam có diện tích chưa tới 300ha, cao chỉ 241m nhưng là ngọn núi gắn liền với vùng Châu Đốc - An Giang, cùng với lăng Thoại Ngọc Hầu, miếu Bà Chúa Xứ, chùa cổ Tây An, vườn Tao Ngộ, đồi Bạch Vân... tạo nên quần thể di tích phong phú.

Núi Sam mùa nào cũng có hoa rừng, đặc biệt, hoa tigôn mọc hoang dại rất nhiều, nở quanh năm, thắp lên màu hồng xen lẫn trong nền xanh cây lá, điểm tô cho núi rừng thêm đẹp.

  • Vĩnh Tế Hà trong Cửu đỉnh
Du ngoạn trên kinh đào dài nhất Việt Nam ảnh 3

Đình thần Vĩnh Ngươn - nơi bắt đầu dòng kinh Vĩnh Tế.
Ảnh: TẤN VIỆT.

Sau khi thành Châu Đốc xây xong (năm 1816), vua Gia Long khi xem địa đồ miền Châu Đốc đã nghĩ tới việc đào kinh Châu Đốc - Hà Tiên.

Sau đó, vua có truyền chỉ: “Xứ này, nếu mở đường thủy thông với Hà Tiên thì hai đàng nông-thương đều lợi. Trong tương lai, dân đến ở càng đông, đất mở càng rộng, sẽ thành một trấn to vậy”.

Năm 1818, vua chính thức hạ chỉ cho Nguyễn Văn Thoại đào kinh Đông Xuyên (tức kinh Thoại Hà sau này) nối Long Xuyên với Rạch Giá.

Công tác đào kinh được khởi đầu trong mùa xuân năm 1818. Con kinh đào trong vòng một tháng với hơn 1.500 người tham gia, dài hơn 30km. Khi kinh đào xong, trấn thủ Thoại cho vẽ họa đồ và làm sớ tâu lên, vua Gia Long khen, ra lệnh cho đặt tên Thoại Hà (sông Thoại), lại thấy trên bờ phía Đông của Thoại Hà có một trái núi, tục gọi núi Sập, liền cho cải tên là Thoại Sơn (núi Thoại) để biểu dương công lao của trấn thủ Nguyễn Văn Thoại.

Một năm sau, 1819, nhà vua quyết định đào kinh Châu Đốc – Hà Tiên (tức kinh Vĩnh Tế sau này), truyền thủ cho Gia Định Thành (Tổng trấn Gia Định Thành lúc bấy giờ là Tả quân Lê Văn Duyệt, trấn Vĩnh Thanh thuộc Gia Định Thành do Thoại Ngọc Hầu trấn nhậm) lo việc đào kinh và quan trấn thủ Nguyễn Văn Thoại chỉ huy binh dân khởi công vào ngày rằm tháng Chạp (Kỷ Mão - 1819).

Để động viên dân chúng trong công trình đầy cực nhọc này, nhà vua truyền dụ: “Công trình đào sông này rất khó khăn nhưng kế giữ nước và cách biên phòng quan hệ chẳng nhỏ, chúng ngươi tuy rằng ngày nay chịu khó, nhưng mà lợi ích cho muôn đời về sau. Vậy dân chúng cần bảo cho nhau biết, đừng nên sợ nhọc”.

Du ngoạn trên kinh đào dài nhất Việt Nam ảnh 4

Ghe chở hàng hóa giao thương trên kinh.
Ảnh: TẤN VIỆT.

Con kinh khởi nguồn gần thành Châu Đốc (tức thị xã Châu Đốc hiện nay) và thẳng tiến về Hà Tiên, nối với sông Giang Thành đổ vào Đông Hồ.

Trước khi ra biển Đông (vịnh Thái Lan). Bề rộng của kinh 15 tầm (một tầm = 2,56m), sâu 6m, dài 44.412 tầm (97.706m), thời gian đào trong vòng 5 năm (hoàn thành vào tháng 5-1824), nhân công lên đến 80.000 người.

Người ta đợi lúc ban đêm, rẽ sậy rạch hoang, đốt đuốc trên đầu những cây sào cao rồi nhắm theo đường thẳng mà đào.

Kinh vừa là sông, tiện cho giao thông vận tải, vừa làm sạch phèn, đưa nước ngọt vào tưới cho vùng Hà Tiên. Khi kinh đào xong và được tâu lên, vua Minh Mạng mừng, giáng chỉ khen ngợi công lao của trấn thủ Thoại. (Sau khi kinh Vĩnh Tế đào được 1 năm, thì năm 1820 vua Gia Long băng hà, vua Minh Mạng - con vua Gia Long - lên nối ngôi. Sở dĩ vua Minh Mạng giáng chỉ khen ngợi là vì lấy làm mãn nguyện đã nối được ý muốn cha và thực hiện được quốc sách).

Do trước kia đã lấy tên Thoại Ngọc Hầu đặt cho tên kinh và núi (Thoại Hà và Thoại Sơn) sau khi ông đào kinh Đông Xuyên nên vua xét thấy phu nhân của Thoại Ngọc Hầu (dòng họ Châu Vĩnh, nhũ danh Thị Tế) vốn là người đàn bà đức độ, tận lực giúp chồng trên đường công bộc nên cho đặt tên kinh là Vĩnh Tế Hà (sông Vĩnh Tế) và ngọn núi bên bờ kinh gọi là Vĩnh Tế Sơn (tức núi Sam ngày nay).

Năm 1828, bia Vĩnh Tế Sơn được dựng lên. Bia khắc 730 chữ chép về ơn vua, công lao đào kinh, trong đó có đoạn tả cảnh đẹp của kinh: “Đến nay, ánh sáng sớm sương tan, bóng chiều tà rán rọi, cây rậm rạp khoe xanh, cỏ là đà phô thắm. Bụi sạch trên đường lên cao ngắm nghía dòng sông trải lụa, khách đi qua buông chèo nhàn ngoạn, tay trỏ non xanh cùng với nhau: Đây là núi Vĩnh Tế, do vua ban tên đó”.

Bia được dựng trong khu lăng mộ (bên triền núi Sam), lúc đó phu nhân Thoại Ngọc Hầu  - Châu Thị Tế đã mất trước đó 2 năm và được chôn ở đây. Nơi đây cũng được chọn làm chốn yên nghỉ cuối cùng của Thoại Ngọc Hầu sau này. Vì có khu lăng mộ nên núi Sam còn có tên gọi khác là Sơn Lăng.

Sự tiện lợi của kinh Vĩnh Tế càng về lâu dài càng thấy rõ. Do đó, sau khi Thoại Ngọc Hầu mất 7 năm, đến năm Minh Mạng thứ 17 (1836) khi triều đình cho đúc Cửu đỉnh – công trình nghệ thuật bằng đồng dùng làm biểu tượng cho sự giàu đẹp, thống nhất đất nước và ước mơ miên viễn của triều Nguyễn, để làm quốc bảo, vua cho chạm hình kinh Vĩnh Tế vào Cao đỉnh với hình ảnh dòng kinh Vĩnh Tế lăn tăn gợn sóng bên dãy Thất Sơn lô nhô trùng điệp, có điểm lác đác những gò đất, lùm cây. Trên bờ kinh có 3 chữ “Vĩnh Tế Hà” khắc bằng chữ Hán khá sắc sảo, rõ ràng.

Nếu Thoại Hà là con kinh đào tay đầu tiên ở miền Tây Nam bộ thì Vĩnh Tế là con kinh đào tay dài nhất Việt Nam. Vậy mà đến nay nó vẫn “ngủ” yên! Bao giờ dòng kinh này được nghiên cứu, đầu tư bài bản để trở thành điểm du lịch sông nước - văn hóa - lịch sử khẩn hoang phương Nam hấp dẫn? Câu hỏi này đặt ra không chỉ dành riêng cho chính quyền và ngành du lịch tỉnh An Giang.

NGUYỄN TẤN VIỆT

---------
* Trong bài, phần lịch sử của dòng kinh, tác giả có tham khảo tư liệu từ cuốn “Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang” (Nguyễn Văn Hầu, NXB Trẻ – 2006).

Tin cùng chuyên mục