Hollywood

Từ cánh đồng đến kinh đô điện ảnh

Từ cánh đồng đến kinh đô điện ảnh

Thuộc thành phố Los Angeles (bang California), Hollywood không có biên giới và do không có hội đồng quản trị hành chính nên ghế thị trưởng chỉ mang tính tượng trưng (hiện là nhà sản xuất truyền hình Johnny Grant). Thế kỷ 19, nơi này vẫn còn là đồng ruộng. Vậy từ bao giờ và bằng cách nào Hollywood trở thành kinh đô điện ảnh Mỹ?

  • Xuất xứ tên gọi “Hollywood”
Từ cánh đồng đến kinh đô điện ảnh ảnh 1

Nestor Studios - hãng phim đầu tiên tại Hollywood (1913).

Năm 1853, khu vực đồng hoang Hollywood chỉ có một căn chòi làm bằng gạch sống. Năm 1870, nơi đây bắt đầu hình thành làng nông nghiệp.

Đến thập niên 80 của thế kỷ 19, Harvey Henderson Wilcox thuộc Kansas - từng kiếm bộn bạc nhờ kinh doanh bất động sản - cùng vợ đến Los Angeles, mua 64,7ha đất tại khu vực Tây Los Angeles và kích thích sự phát triển nhịp sống hiện đại công nghiệp hóa cho khu vực.

Về cái tên “Hollywood”, có người nói rằng nó xuất phát từ loài cây nhựa ruồi (holly) từng mọc thành rừng (wood) trên các ngọn đồi quanh khu vực.

Có người lại cho rằng nhân vật sinh ra địa danh “Hollywood” là H. J. Whitley. Cùng vợ Gigi, Whitley đặt tên Hollywood cho khu vực này vào năm 1886 trong dịp tuần trăng mật (Whitley được vài tài liệu xem là cha đẻ vùng Hollywood với công trình xây hơn 140 thị trấn).

Lại có người nói rằng, vợ ông Harvey Henderson Wilcox lần nọ trên chuyến tàu hỏa quen được một phụ nữ giàu có, người luôn mồm khoe thị trấn quê nhà mình (tên Hollywood, đặt theo khu định cư người Hà Lan), nên sau đó đã lấy luôn tên đó dùng cho khu vực đang phát triển tại ngoại vi Los Angeles...
 
Bất chấp gốc gác từ nguyên Hollywood như thế nào, nơi này vẫn trở thành trung tâm công nghiệp điện ảnh Mỹ. Chuyện bắt đầu từ năm 1910, khi đạo diễn D. W. Griffith được công ty điện ảnh Biograph Company phái đến cùng đoàn làm phim (gồm các diễn viên Blanche Sweet, Lillian Gish, Mary Pickford...) để quay cảnh gần đường Georgia thuộc trung tâm Los Angeles cho bộ phim nói về California thời xưa (mang tựa In Old California).

Để tiết kiệm, sau phim trên, Biograph Company làm thêm vài phim nữa trước khi trở về New York. Từ đó, nhiều hãng phim khác bắt đầu đến Hollywood. Đến năm 1947, Hãng Truyền hình KTLA hoạt động tại Hollywood và sang thập niên 50 của thế kỷ trước, Hollywood lần lượt xuất hiện các hãng đĩa rồi các phim trường khổng lồ.

  • Ý tưởng “Đại lộ vinh danh”
Từ cánh đồng đến kinh đô điện ảnh ảnh 2

Rạp Grauman’s.

Năm 1955, khi tìm khách hàng mới trong cùng thời gian ra đời Chương trình quảng bá hình ảnh Hollywood (HIP), hai ông chủ Garrie Thompson và Gordon McWilliams thuộc Công ty Xây dựng Anesco nảy ra ý tưởng: tại sao không tỏ lòng ngưỡng mộ công nghiệp điện ảnh và mang lại diện mạo mới cho Đại lộ Hollywood với những ngôi sao khắc tên diễn viên thượng thặng? (Với vai trò nhà xây dựng, Anesco tất nhiên cũng phụ trách làm Walk of Fame - Đại lộ vinh danh).

Vậy là Anesco mang đến HIP mẫu thiết kế: một ngôi sao đá mài màu nâu có tên John Wayne làm bằng đồng sáng bóng. Nhóm quản lý HIP ưng ý và tổ chức họp tại nhà hàng Brown Derby nhằm bàn thêm về ý tưởng với nhiều nhân vật trọng yếu trong công nghiệp giải trí Hollywood.

Cuối cùng, Phòng Thương mại Hollywood chuẩn y 1.558 nghệ sĩ tên tuổi từ lĩnh vực truyền thông, ghi âm, truyền hình và điện ảnh, trong đó có Marilyn Monroe và William Fox (người sáng lập Fox Studios).

Mỗi hình ngôi sao đều có biểu tượng cho biết lĩnh vực của nhân vật được tôn vinh (máy quay cho lĩnh vực điện ảnh; tivi cho ngôi sao truyền hình; máy hát đĩa cho lĩnh vực ghi âm...). Công trình Walk of Fame được tiến hành năm 1958 (chính thức ra mắt công chúng ngày 8-2-1960 với bảng tên đầu tiên của diễn viên Joanne Woodward).

Ban đầu, Walk of Fame gồm 2.500 ngôi sao trống và trong 16 tháng đầu tiên, người ta bắt đầu khắc tên cho 1.558 người (tính đến ngày 17-10-2006, khi ca sĩ country lừng danh Tim McGraw được vinh danh, có tổng cộng 2.322 nhân vật được lưu tên tại Walk of Fame).

Gene Autry là gương mặt duy nhất được vinh danh với tất cả 5 ngôi sao ở 5 hạng mục giải trí. Cho đến cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, Walk of Fame vẫn chưa có hình ảnh hào nhoáng như hiện giờ mà chỉ là nơi tụ tập của dân du thử du thực và gái giang hồ...

  • Rap Grauman’s – “Bộ sưu tập” thượng thặng

Ngoài Walk of Fame, biểu tượng được xem gắn liền với lịch sử công nghiệp điện ảnh Hollywood là rạp chiếu bóng Grauman’s (Grauman’s Chinese Theater), nằm tại số 6925 Đại lộ Hollywood, nơi từng tổ chức trao giải Oscar.

Được xây năm 1927 bởi trùm công nghiệp giải trí Sid Grauman (cùng phần hùn của một số diễn viên trong đó có Douglas Fairbanks...), rạp Grauman’s có dấu ấn lịch sử thậm chí đậm nét hơn cả Walk of Fame, với “bộ sưu tập” dấu tay, dấu chân và chữ ký... của gần 200 ngôi sao thượng thặng in vào sân xi măng trước rạp (dấu cặp kính của Harold Lloyd; điếu xì gà của Groucho Marx; cặp đùi Betty Grable; nắm tay John Wayne; đầu gối Al Jolson; mũi Bob Hope...).

Rạp Grauman’s khai trương ngày 18-5-1927 khi trình làng buổi chiếu ra mắt phim The King of Kings của Cecil B. DeMille...  Cách không xa rạp chiếu bóng lịch sử Grauman’s bây giờ là rạp Kodak (Kodak Theatre). Khai trương ngày 9-11-2001, rạp Kodak được thiết kế đặc biệt cho các chương trình trao giải Oscar hàng năm, với 3.400 ghế và có một trong những sân khấu to nhất Mỹ (ngang 34,4m và sâu 18,2m).

Rạp Kodak thuộc sở hữu của CIM Group (với tài trợ từ Hãng Kodak, nơi chi 75 triệu USD để tên hãng được dùng cho rạp). Sảnh rạp Kodak có hàng cột cho thấy tất cả những người giành Oscar giải phim hay nhất từ 1927 đến nay...

Hollywood hiện có chừng 167.000 dân với sắc màu chủng tộc thuộc loại phong phú nhất nước Mỹ (bởi yếu tố công nghiệp điện ảnh, dân tứ xứ đều có mặt tại Hollywood)...

Anh Vũ

Tin cùng chuyên mục