Trần Lê Thu Thảo

Ước mơ “lên đời” nấm Việt

Ước mơ “lên đời” nấm Việt

Quyết đoán, nhanh nhạy, ngày ngày thức dậy từ 4 giờ để chạy vào các trại nấm ngó xem nấm nảy nở thế nào…, người phụ nữ tiểu thương này đang ấp ủ một ước mơ  lớn: đưa cây nấm ra “biển lớn”.

  • Đi du lịch để học nghề trồng nấm
Ước mơ “lên đời” nấm Việt ảnh 1

Chị Thảo với những bịch nấm linh chi gần ngày thu hoạch trong trang trại DONA.

Khi đang học lớp 11 Trường trung học Ernst Thalmann (TPHCM), vào mùa mưa, bất chợt cô bé Trần Lê Thu Thảo nhìn thấy những cánh nấm mèo bám đầy gốc cây mít trong vườn nhà.

Tò mò, cô bám lấy mẹ bày tỏ thắc mắc, nhờ mẹ giải đáp. Từ ấy Thảo mới biết nấm mọc được ở những chỗ giàu chất mùn, độ ẩm cao... và cũng từ đó Thảo đâm ra mê mẩn cây nấm, cứ đi học về là lại xoắn xuýt quanh đám nấm, săm soi, chăm chút, không cho ai chạm vào.

Với sự nâng niu của Thảo, trong khu vườn nhà ở khu Tân Định-quận 1, nấm được thỏa sức sinh sôi tự nhiên. Tuy vậy, vì chiều ý của ba má, cô thi vào Trường Đại học Sư phạm TPHCM.

Lúc tốt nghiệp đại học, do gia đình lâm cảnh khó khăn, lại là chị hai của 6 người em nên cô lao vào buôn bán. Vay mượn được hai cây vàng, Thảo sang lại một sạp mỹ phẩm ở chợ Tân Định.

Rồi khi lập gia đình riêng, hai vợ chồng chị hợp lực lại chuyển ra Trung tâm Thương mại ITC và dần gầy dựng được 5 shop hàng quần áo thể thao. Qua vụ cháy ITC năm 2002, tuy thiệt hại hàng trăm triệu đồng nhưng chị vẫn đứng vững và tiếp tục “bám trụ” với ngành buôn bán.

Sau nhiều năm kinh doanh ở ITC, nhờ kinh tế khá giả, chị Thu Thảo thường xuyên đi du lịch nhiều nước, từ một số nước châu Âu tới Úc đến Trung Quốc nhưng nơi để lại ấn tượng và gây sự chú ý cao nhất với chị là Nhật Bản.

Qua tìm hiểu, chị phát hiện người Nhật rất thích ăn cá, nấm và rất ít ăn thịt. Rồi những lúc đi vào siêu thị ở Nhật, chị lại thấy các sản phẩm từ nấm được bày “áp đảo” các loại thịt. Ngạc nhiên tiếp nối bất ngờ, chị quyết tìm cho ra lẽ.

Nhờ người em rể là người Nhật dẫn đường, chị đón tàu điện ngầm đi tham quan nhiều trang trại nấm của người Nhật. Đi trên chục nông trại, có trại cách Tokyo gần 500 cây số, nhưng chỉ vào được có bốn trại, chị mới biết ở Nhật có hàng trăm loại nấm, khác xa Việt Nam.

Chị thổ lộ: “Thấy nấm họ trồng tui mê quá nhưng họ cực kỳ khắt khe, tui phải giới thiệu mình là du khách đến tham quan họ mới mở cổng cho vào. Mà mình cũng chỉ được đi và ngắm nhìn chứ họ không bao giờ cho mình sờ vào bất cứ vật gì. Hỏi gì họ cũng chẳng nói, chỉ cười thôi. Họ chỉ cho tham quan khu vực trồng, còn khu vực chế biến thì tuyệt đối cấm cửa, ngay cả đối với người Nhật. Mỗi trại chỉ cho khách viếng 1 lần, chừng nửa tiếng trở lại”.

  • Tâm huyết nấm Việt “lên đời”

Sau những lần “khám phá” các trại nấm ở Nhật, đam mê thời trẻ của chị Thảo sống lại mãnh liệt. Mặc dù người Nhật kiểm soát rất gắt gao nhưng chị vẫn chuyển được các giống nấm mình cần về Việt Nam.

Với nấm bào ngư xám thì chị mua nấm tươi, đóng thùng đông lạnh xách đi. Với những loại nấm “ngặt nghèo” như nấm bào ngư Nhật, vân chi, hồng chi..., chị nhờ người quen là người bản địa lấy các bào tử hoặc ống nghiệm chứa meo nấm.

Đồng thời, nhiều băng đĩa về nấm của Nhật được bạn bè của chị dịch và lồng tiếng lại, cũng “bay” sang Việt Nam.

Về đến TPHCM, chị lại đi tìm các chuyên gia về nấm, vốn rất hiếm hoi, năn nỉ xin học hỏi và nhờ họ cấy mô giùm. Nhờ chân thành bày tỏ đam mê và mong muốn đưa nghề nấm phát triển nên chị đã thọ giáo được nhiều bậc thầy về nấm như tiến sĩ Lê Xuân Thám, Lê Duy Thắng, Cổ Đức Trọng..

Song song đó, chị cũng đầu tư một trại nấm ở Gò Vấp rồi mua giống của một trại nấm lớn ở TP về nuôi. Thế nhưng do chưa rành kỹ thuật nên cả trại nấm bị mốc xanh hết, thiệt hại hơn 200 triệu.

Dù vậy, chị vẫn không nản lòng. Sau nhiều lần thử nghiệm, cuối cùng chị nhận thấy chỉ có giống nấm bào ngư Nhật, linh chi và hầu thủ là thích nghi và phát triển được với điều kiện thổ nhưỡng và thời tiết ở Củ Chi. Lúc này, với kinh nghiệm và tầm nhìn có được sau hơn 20 năm giao dịch thương mại, chị mới quyết chí đầu tư mạnh hơn.

Ước mơ “lên đời” nấm Việt ảnh 2

Công nhân chế biến nấm trong xưởng của trang trại DONA.

Dọn dẹp lại một mẫu đất mua từ năm 1996 ở xã Tân Phú Trung (Củ Chi), chị bỏ ra thêm mấy tỷ đồng nữa xây dựng trại, thuê các kỹ sư sinh học về phụ trách phòng kỹ thuật.

Đầu năm 2006, Công ty và Trại nấm DONA ra đời với 17 trại gồm 10 trại nấm bào ngư xám và một số trại nấm linh chi (vân chi, hồng chi), nấm hầu thủ... (mỗi trại khoảng 100m2 với 10.000 bịch nuôi nấm).


Chị Thảo sôi nổi: “Ở nước họ, nấm là thực phẩm và dược phẩm hàng đầu. Không đơn thuần là nấm tươi mà từ nấm “đẻ” ra nước tương, bột  nấm, chao, súp nấm... Một chai nửa lít nước tương làm từ nấm giá 65 USD, trong khi một kg nấm vân chi khô (trị ung thư) giá tới 1.600 USD... Người Nhật đã làm được thì tại sao người mình không làm được?”.

Thế là chị lại mày mò nấu thử nước tương, chao... Sau nhiều mẻ nấu hư lên hư xuống, chị rút nhiều kinh nghiệm để những lần nấu sau thành công hơn. Cùng với cơ sở tại Trại DONA, chị đầu tư xây dựng thêm nhà xưởng ở Hóc Môn, Bình Chánh để chuẩn bị cho cuộc “lên đời” nấm Việt.

Trong thời gian chờ hoàn tất việc xây dựng cũng như các thủ tục đăng ký và kiểm nghiệm sản phẩm, chị áp dụng chiến thuật “lấy ngắn nuôi dài”. Hàng ngày, với nguồn nấm từ chính trại DONA và gần 50 vệ tinh ở TPHCM và các tỉnh lân cận, DONA cung cấp trên nửa tấn nấm tươi cho các siêu thị và đơn vị chế biến thức ăn.

Mời chúng tôi dùng thử một sản phẩm mẫu là món nấm bào ngư sấy khô, người phụ nữ chủ trại DONA và đã là mẹ của 4 đứa con tâm sự: “Cái này mà chế biến bên Nhật thì giá bán là 1.000 USD/kg đó! 67 kg nấm tươi mới ra được 5 kg khô, chưa kể quy trình chế biến sao cho nấm vẫn giữ được hương vị tự nhiên. Người nông dân Nhật sống rất sung túc với cây nấm.

Nấm không khó trồng, lại ít vốn đầu tư vì trại chủ yếu làm từ vật liệu rẻ tiền như cây tầm vông, lá dừa nước; thời gian thu hoạch chỉ từ 20-25 ngày. Vì vậy, nông dân mình không nên cứ mãi bán nấm thô. Công nghệ chế biến dễ dàng “học lỏm” được, thiết bị mình cũng làm được mà rẻ hơn nhập khẩu. Vấn đề còn lại là phải tạo ra được sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, xây dựng thương hiệu rồi đưa ra “biển lớn”. Phải xuất khẩu nấm dưới dạng tinh chế thì người trồng nấm mới giàu lên được”.

HOÀNG LIÊM

Tin cùng chuyên mục