G7 kêu gọi phi quân sự hóa biển Đông

Tình hình biển Đông là một vấn đề quan trọng được Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) ra thông cáo chung đề cập đến.
Trung Quốc tăng cường bồi đắp các đá ở biển Đông. Ảnh: CSIS
Trung Quốc tăng cường bồi đắp các đá ở biển Đông. Ảnh: CSIS
Ngày 28-5, hãng Reuters đưa tin sau 2 ngày họp tại TP Taormina, Italia, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã ra thông cáo chung đề cập đến một loạt vấn đề quan trọng, trong đó có tình hình bán đảo Triều Tiên, thương mại, biến đổi khí hậu và tình hình biển Đông.

Khúc mắc biến đổi khí hậu

Theo tuyên bố trên, G7 sẵn sàng tăng cường các biện pháp để đối phó với vấn đề Triều Tiên nếu như Bình Nhưỡng không từ bỏ các chương trình hạt nhân của mình. G7 cho rằng Triều Tiên đã gây ra mối đe dọa ngày càng tăng đối với hòa bình và ổn định thế giới. Liên quan đến vấn đề thương mại, G7 tái cam kết mở cửa thị trường và chống chủ nghĩa bảo hộ cũng như các hoạt động thương mại không công bằng. Bên cạnh đó, G7 cũng khẳng định giảm mất cân bằng toàn cầu nhằm hỗ trợ tăng trưởng, nhắc lại các cam kết về tỷ giá hối đoái đã được các bộ trưởng tài chính G7 nhất trí tại TP Bari, Italia trước đó. 

Biến đổi khí hậu là vấn đề còn khúc mắc. Thông cáo cho biết tất cả các nước G7, trừ Mỹ, đều cam kết mạnh mẽ nhanh chóng thực hiện Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết hội nghị cho thấy sự bất đồng giữa Mỹ và 6 nước còn lại trong nhóm về vấn đề biến đổi khí hậu. Do đó, ông đã nhấn mạnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump về tầm quan trọng của Mỹ trong việc thực thi đầy đủ Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, đồng thời cho rằng hiệp định này có ý nghĩa to lớn đối với các lợi ích cũng như uy tín của Mỹ. Trong một phát biểu đăng trên trang mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc có rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu hay không vào tuần tới. 

Phản đối gia tăng căng thẳng

Một điểm đáng lưu ý nữa trong hội nghị lần này là các nhà lãnh đạo G7 bày tỏ quan ngại về tình hình ở biển Đông và biển Hoa Đông, phản đối mạnh mẽ mọi hoạt động đơn phương gia tăng căng thẳng trên biển Đông và kêu gọi phi quân sự hóa trên các thực thể tranh chấp. Các nước cũng tái khẳng định cam kết duy trì trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và giải quyết tranh chấp hàng hải thông qua ngoại giao cũng như phương tiện pháp lý.

Tuyên bố chung của G7 đã động chạm tới Trung Quốc, nước đang có nhiều hoạt động làm gia tăng căng thẳng trên biển Đông khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng, ngang nhiên kêu gọi G7 và các nước bên ngoài “dừng các phát biểu vô trách nhiệm”. 

Trong một diễn biến liên quan đến biển Đông, Mỹ tiếp tục bày tỏ quan ngại khi một máy bay tuần thám hàng hải P-3 Orion của Mỹ đã bị hai chiến đấu cơ Trung Quốc áp sát trên không phận biển Đông. Một tuyên bố của Lầu Năm Góc cho biết sự kiện này xảy ra hôm 24-5, hai máy bay tiêm kích J-10 của Trung Quốc đã áp sát máy bay của Mỹ “một cách thiếu chuyên nghiệp và an toàn”. Ông Gary Ross, một phát ngôn viên Lầu Năm Góc tuyên bố Mỹ tiếp tục đánh giá sự kiện và sẽ bày tỏ quan ngại với chính quyền Trung Quốc thông qua các kênh thích hợp. Sự cố trên là vụ áp sát thứ hai giữa các máy bay hai bên trên biển Đông, chỉ trong vòng hai tuần lễ. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng máy bay quân sự nước này chỉ điều tra và xác định máy bay quân sự Mỹ vào không phận Hồng Công. 

Trung Quốc đòi hỏi phi lý chủ quyền trên hầu như toàn bộ biển Đông, xây dựng trái phép các đảo nhân tạo và quân sự hóa các thực thể mà Trung Quốc tự cho là của mình, bất chấp phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực The Hague khẳng định yêu sách này là vô căn cứ.

Tin cùng chuyên mục