Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại

Đáp ứng với xu hướng chung của quốc tế, pháp luật Việt Nam đã ban hành và từng bước cải thiện các quy định pháp luật để điều chỉnh phương pháp giải quyết tranh chấp thương mại (TCTM) bằng trọng tài thương mại (TTTM). Theo đó các quy định mới nhất về phương pháp giải quyết TCTM bằng TTTM đã được ban hành trong Luật TTTM được Quốc hội thông qua ngày 17-6-2010 (Luật TTTM 2010).

Đáp ứng với xu hướng chung của quốc tế, pháp luật Việt Nam đã ban hành và từng bước cải thiện các quy định pháp luật để điều chỉnh phương pháp giải quyết tranh chấp thương mại (TCTM) bằng trọng tài thương mại (TTTM). Theo đó các quy định mới nhất về phương pháp giải quyết TCTM bằng TTTM đã được ban hành trong Luật TTTM được Quốc hội thông qua ngày 17-6-2010 (Luật TTTM 2010).

Điều kiện để giải quyết bằng TTTM

Luật TTTM 2010 quy định rất rõ mối quan hệ giữa tòa án và trọng tài. Theo Điều 6 của Luật TTTM 2010, một khi các bên đã thỏa thuận việc giải quyết TCTM bằng TTTM thông qua một thỏa thuận trọng tài có hiệu lực, thì khi đó tòa án phải từ chối thụ lý đơn khởi kiện khi một trong các bên khởi kiện tại tòa án để giải quyết tranh chấp. Lúc này, dù không trực tiếp giải quyết, nhưng tòa án có vai trò hỗ trợ và giám sát hoạt động giải quyết tranh chấp bằng TTTM khi một trong các bên hoặc Hội đồng trọng tài có yêu cầu. Luật TTTM 2010 cũng quy định rất rõ điều kiện để một TCTM có được giải quyết bằng TTTM, cũng như các thủ tục để một tranh chấp được giải quyết bằng TTTM.

Theo đó, để một TCTM được giải quyết bằng TTTM, giữa các bên phải có một thỏa thuận trọng tài, nghĩa là các bên phải có thỏa thuận về việc giải quyết bằng trọng tài đối với các tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh (theo khoản 2 Điều 3 Luật TTTM 2010) và thỏa thuận này phải có hiệu lực.

Theo Điều 18 Luật TTTM 2010, những trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu bao gồm: tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của trọng tài; người xác lập thỏa thuận trọng tài không có thẩm quyền; người xác lập thỏa thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự; hình thức thỏa thuận không phù hợp; một trong các bên bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép trong quá trình xác lập thỏa thuận trọng tài và có yêu cầu tuyên bố thỏa thuận trọng tài vô hiệu; thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật. Các tranh chấp trên phải phát sinh từ hoạt động thương mại hoặc là các tranh chấp phát sinh mà một bên trong tranh chấp có hoạt động thương mại mới được giải quyết bằng TTTM.

Thủ tục giải quyết

Thủ tục giải quyết bằng TTTM rất linh hoạt và nhanh chóng. Việc giải quyết tranh chấp sẽ được thực hiện bởi một Hội đồng trọng tài tại một Trung tâm trọng tài hoặc Hội đồng Trọng tài vụ việc do các bên thỏa thuận. Thành phần và số lượng trọng tài viên của hội đồng trọng tài cũng được tuân theo sự thỏa thuận giữa các bên tranh chấp. Các tranh chấp sẽ được giải quyết bởi phán quyết trọng tài do Hội đồng trọng tài ban hành. Phán quyết này được ban hành bằng cách biểu quyết theo nguyên tắc đa số.

Điểm đặc biệt của phán quyết trọng tài đó là tính chung thẩm, theo đó, sau khi trọng tài đưa ra phán quyết thì phán quyết đó bắt buộc có hiệu lực thi hành với các bên, các bên không có quyền kháng cáo hay kháng nghị. Ngoài ra, phán quyết trọng tài còn được đảm bảo thi hành bởi cơ quan thi hành án dân sự.

Theo Điều 66 Luật TTTM 2010, trong trường hợp hết thời hạn thi hành phán quyết của TTTM mà các bên phải thi hành không tự nguyện thi hành thì bên còn lại có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trên. Riêng với phán quyết của TTTM, trước khi yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết, thì phải đăng ký phán quyết tại Tòa án nơi Hội đồng trọng tài ra phán quyết.

Việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài với các ưu điểm về tính linh hoạt và nhanh chóng của thủ tục giải quyết tranh chấp, cùng với độ chính xác và tính tin cậy và chuyên môn cao do tranh chấp được xử lý bởi trọng tài viên do chính các bên chọn lựa, kèm theo tính đảm bảo việc thi hành phán quyết trọng tài. Do vậy hiện nay việc giải quyết TCTM bằng TTTM ngày càng được nhiều doanh nghiệp Việt Nam biết đến và sử dụng.

Luật sư NGUYỄN ĐỨC HOÀNG
(Văn phòng luật sư PHANS)

Tin cùng chuyên mục