Ngành chế biến lâm sản đang thiếu nhân lực

Trường ĐH Luật TPHCM: Lần đầu tiên tuyển sinh song ngành quản trị - luật

Vừa qua, chương trình Tư vấn Hướng nghiệp – Tuyển sinh 2009 của Báo SGGP liên tục nhận được nhiều câu hỏi của học sinh về ngành chế biến lâm sản (CBLS). Trả lời những thắc mắc này, TS Hoàng Thị Thanh Hương – Phó Trưởng khoa Lâm nghiệp Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cho biết: Sinh viên theo học ngành CBLS sẽ được đào tạo thành kỹ sư công nghệ CBLS. Kỹ sư công nghệ CBLS có thể thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về gỗ, sản phẩm gỗ và vật liệu gỗ, công nghệ chế tạo các sản phẩm từ gỗ và các lâm sản khác.

Đặc biệt, kỹ sư CBLS còn làm công tác thiết kế, tạo mẫu các sản phẩm đồ gỗ nội - ngoại thất đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, có khả năng thiết kế, quản lý các dây chuyền công nghệ sản xuất CBLS và tham gia tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ chuyên ngành gỗ và vật liệu gỗ.

Tuy nhiên, theo TS Hoàng Thị Thanh Hương, do thiếu thông tin nên có rất nhiều thí sinh lo ngại học ngành CBLS ra trường sẽ bị “ế”. Nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại, ngành này đang rất thiếu nhân lực. Các sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đang được xuất khẩu đến 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong năm 2008, ngành CBLS đạt kim ngạch xuất khẩu đến 2,8 tỷ USD. Và các sản phẩm đồ gỗ chủ yếu làm từ gỗ rừng trồng mọc nhanh, gỗ nhân tạo, lâm sản ngoài gỗ, các vật liệu tổng hợp, phế liệu nông lâm nghiệp.

Ngoài ra, nguồn nguyên liệu gỗ còn được nhập khẩu từ các nước trong khu vực Đông Nam Á như Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Trung Quốc… Tại TPHCM, có rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất với nhu cầu tuyển dụng rất nhiều. Không dừng lại đó, nhiều doanh nghiệp còn đặt hàng trước với trường thông qua việc cấp học bổng, hỗ trợ thực tập và đưa ra mức lương hấp dẫn. Một thông tin nữa xin gửi đến thí sinh là mục từ nay đến 2020 xuất khẩu sản phẩm gỗ nước ta dự kiến đạt 7 tỷ USD.

Như vậy, như cầu về lao động trong ngành CBLS là rất lớn. Thế nhưng hiện nay cả nước chỉ có 3 trường đào tạo kỹ sư công nghệ CBLS: phía Nam có Trường ĐH Nông TPHCM, miền Trung có Trường ĐH Nông Lâm Huế và Hà Nội có ĐH Lâm nghiệp Việt Nam.

Qua khảo sát tại một số doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu lâm sản, mức lương các kỹ sư được trả từ 200 USD - 1.000 USD/tháng (công ty nước ngoài), các doanh nghiệp trong nước trả lương từ 2,5 triệu đồng – 10 triệu đồng/tháng.

Cũng theo TS Hoàng Thị Thanh Hương, trong những năm gần đây nhu cầu tuyển dụng ngành này rất cao mà tuyển sinh thì lại rất khó khăn, điểm trúng tuyển chỉ bằng điểm sàn mà năm 2008 tuyển đến nguyện vọng 3 mà cũng chỉ có 35 sinh viên trúng tuyển. ĐH Nông Lâm Huế (13 điểm), Trường ĐH Nông Lâm TPHCM: ngành CBLS và công nghệ bột giấy cùng (14 điểm), Trường ĐH Lâm Nghiệp Việt Nam (13 điểm). 

THANH HÙNG

 Trường ĐH Luật TPHCM: Lần đầu tiên tuyển sinh song ngành quản trị - luật

(SGGP).- Năm 2009, Trường ĐH Luật TPHCM được Bộ GD-ĐT cho phép tuyển sinh (hệ chính quy) ngành mới: song ngành quản trị – luật và cũng là ngành đầu tiên của cả nước được đưa vào chương trình đào tạo bậc ĐH. Sinh viên học ngành này được trang bị những kiến thức, kỹ năng hiện đại về hai lĩnh vực quản trị và luật… làm nền tảng nghề nghiệp cho nhà quản trị và tư vấn. Sau khi tốt nghiệp, cử nhân ngành quản trị – luật có khả năng hoạch định chiến lược phát triển doanh nghiệp, hiểu biết các vấn đề quản trị, đồng thời hiểu rõ những vấn đề liên quan đến các yếu tố pháp lý.

Được biết, thời gian đào tạo là 5 năm, tuyển sinh 3 khối A, D1, D3. Chỉ tiêu dự kiến trong năm 2009 là 250.  

T.Minh

Tin cùng chuyên mục