Ngày đầu năm học tại TPHCM - Kẹt xe khắp nơi

Ngày đầu năm học tại TPHCM - Kẹt xe khắp nơi

Sáng 7-9, cơn mưa dù nhỏ nhưng kéo dài từ đêm đã gây ngập một số nơi. Đây cũng là ngày đầu tiên của năm học mới. Vì thế, dù trước cổng các trường học đều căng khẩu hiệu “Cổng trường em sạch đẹp an toàn” và tại các ngã ba, ngã tư, lực lượng CSGT phối hợp với Thành đoàn, Lực lượng TNXP, thanh niên tình nguyện ra quân, nhưng tại nhiều cổng trường học, tình hình trật tự ATGT vẫn diễn biến phức tạp. Tình trạng ùn tắc, kẹt xe trước các cổng trường đã lan ra nhiều tuyến đường khác...

Nơi nào cũng kẹt

Sáng sớm 7-9, số lượng tân sinh viên từ các tỉnh thành trên cả nước đổ về hai bến xe miền Đông và miền Tây quá đông nên dù xe buýt đã được tăng cường cũng không đáp ứng kịp.

Ghi nhận của PV tại Bến xe miền Đông vào khoảng 4 giờ 30 phút sáng 7-9, quang cảnh khá lộn xộn. Sự sốt ruột hiện rõ trên khuôn mặt của hàng trăm sinh viên và người thân tay xách va li, lưng đeo túi sách, chen nhau lên xe buýt. Nhiều người nóng lòng vì chờ quá lâu nên tràn ra kín hai bên đường Đinh Bộ Lĩnh để đi xe ôm.

Đến khoảng 6 giờ, trên trục đường này lại xảy ra kẹt xe nghiêm trọng, khiến hàng ngàn người trễ việc, nhiều học sinh trễ giờ ngày đầu tiên vào năm học mới. Vụ kẹt đã khiến từng đoàn xe nối đuôi nhau dài khoảng 3km. Tình hình này kéo dài đến 9 giờ vẫn chưa được vãn hồi.

Buổi chiều tình hình cũng tương tự. Tại khu vực cầu Bông về hướng Bình Thạnh, mọi người đều ngán ngẩm trước cảnh rất đông phụ huynh chờ chực ở các cổng trường. Đúng 17 giờ, dòng xe trên đường Đinh Tiên Hoàng bị ùn lại ở ngã ba Phan Đăng Lưu.

Đây là đoạn đường bị kẹt xe gần như kinh niên do học sinh các trường Võ Thị Sáu, Lê Văn Tám cùng lúc tan trường. Giao lộ Phan Đăng Lưu - Nơ Trang Long gần đó cũng kẹt vì cả ngàn học sinh của các trường tiểu học và THCS Hà Huy Tập, Bế Văn Đàn, Hoàng Hoa Thám cùng lúc ùa ra đường.

Cách đó khoảng 200m là điểm nóng kẹt xe ở giao lộ Phan Đăng Lưu - Hoàng Hoa Thám khi khoảng 1.300 - 1.500 học sinh Trường THPT Hoàng Hoa Thám tan trường. Trên đường Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận), khu vực có 2 trường tiểu học, 1 trường cao đẳng và 2 trường THCS, do lô cốt án ngữ từ ngã ba Huỳnh Văn Bánh – Phan Đăng Lưu tới ngã ba Nguyễn Trọng Tuyển - Phan Đình Phùng nên đã gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng gần 3 giờ đồng hồ.

Còn các trường học gần kề đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), do lượng phụ huynh đưa đón con em tới trường quá lớn cộng thêm với mật độ phương tiện gia tăng, lô cốt án ngữ trên đường đã gây ùn tắc từ ngã ba tượng Đài liệt sĩ tới ngã ba Xô Viết Nghệ Tĩnh và Bạch Đằng.

Tại cổng Trường Kết Đoàn, đường Lương Hữu Khánh (quận 1) dù chưa đến giờ tan học nhưng trước cổng trường đã kẹt cứng xe do phụ huynh đến đón con, khiến cả trục đường tắc nghẽn. Đường Nguyễn Thái Học, chỉ một đoạn đường nhỏ khoảng 500m, nhưng tập trung tới 4 trường học là THCS Minh Đức, THCS Đăng Khoa, THCS Đồng Khởi và Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học. Cứ vào giờ vào và tan học là học sinh cả 4 trường cùng ùa ra một lúc, chật cứng cả con đường này.

Phụ huynh đậu xe đón con chiếm lòng đường trước Trường THCS Đồng Khởi (quận 1) chiều 7-9-2009. Ảnh: Đức Trí

Phụ huynh đậu xe đón con chiếm lòng đường trước Trường THCS Đồng Khởi (quận 1) chiều 7-9-2009. Ảnh: Đức Trí

Ở quận 3, trên đường Trần Quốc Toản có 2 trường học nằm gần nhau là Nguyễn Thái Sơn và Nguyễn Thị Diệu. Điểm bất lợi là 2 ngôi trường này nằm gần một “điểm nóng” kẹt xe của TP là khu vực chợ Tân Định. Vào khoảng 17 giờ hàng ngày, ai đi qua con đường này cũng ngán ngẩm vì kẹt xe. Trên đường Trường Chinh (quận Tân Bình TPHCM), đoạn cách ngã tư Bảy Hiền chạy về hướng Bà Quẹo khoảng chừng 300m, hầu như ngày nào cũng bị kẹt xe. Nguyên nhân vì có đến 3 ngôi trường liền kề nhau, đó là Trường THCS Ngô Quyền, Trường Tiểu học Cách Mạng Tháng Tám và Trường Mầm non 12.
 
Cần quyết liệt hơn

Hai năm qua, năm nào đến ngày khai giảng, Sở GD-ĐT TPHCM cũng phát động “Tháng an toàn giao thông” và yêu cầu tất cả các trường tiếp tục thực hiện giáo dục, tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông và tích cực tham gia các hoạt động giữ gìn trật tự ATGT trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên, học sinh, sinh viên, học viên và phụ huynh. Không để tình trạng kẹt xe kéo dài trước cổng trường và tình trạng vi phạm luật giao thông trong học sinh, sinh viên, học viên. Vận động sinh viên, học sinh đi lại bằng xe buýt và phối hợp tổ chức xe đưa đón học sinh từ nhà đến trường và ngược lại. Nghiêm cấm trường hợp học sinh khi chưa đến tuổi hoặc chưa có giấy phép lái xe sử dụng mô tô, xe gắn máy đi học…

Thực tế, một số trường thực hiện rất tốt những điều trên. Cụ thể, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, góc ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình), Trường THPT Mạc Đĩnh Chi vòng xoay Phú Lâm (quận 6), Trường Hermann Gmeiner trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp).

Mỗi khi tan trường, nhà trường phối hợp chặt chẽ với công an, chính quyền địa phương lập rào chắn để hướng học sinh di chuyển sát lề đường, tỏa về hai hướng, tránh ùn tắc giao thông trước cổng trường. Đồng thời, mở cổng trường cho phụ huynh vào đón con em và hướng dẫn phụ huynh đậu xe trên lề đường và giãn ra hai bên cổng trường, không đậu xe hoặc dừng xe ngay trước cổng trường.

Bà Đặng Thị Kim Lan, Hiệu trưởng Trường Hermann Gmeiner, cho biết, để thực hiện tốt những yêu cầu của Sở GD-ĐT, ngoài việc yêu cầu 100% giáo viên, công nhân viên cam kết chấp hành nghiêm luật giao thông, trường còn tích cực tuyên truyền, nhắc nhở phụ huynh và học sinh cùng chấp hành nhằm không để ùn tắc giao thông tại cổng trường trước và sau giờ học.

Trường còn áp dụng không xếp loại lao động tiên tiến cuối năm nếu vi phạm luật giao thông có biên bản xử phạt của cảnh sát giao thông. 100% phụ huynh học sinh cam kết chỉ cho con em sử dụng xe gắn máy khi đúng 18 tuổi…

Tuy nhiên, cũng còn rất nhiều trường, mặc dù trong ngày khai giảng đã phát động thực hiện tốt Tháng an toàn giao thông nhưng trong ngày nhập học vẫn chưa triển khai được các biện pháp cụ thể mà chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở chung chung. Vì thế, kẹt xe ở trước cổng trường vẫn cứ tiếp diễn.

QUỐC HÙNG




 

Tin cùng chuyên mục