GS Trần Văn Giàu - cây đại thụ của nền sử học Việt Nam

GS Trần Văn Giàu - cây đại thụ của nền sử học Việt Nam

Từ ngày học trung học phổ thông Phan Đình Phùng ở Hà Tĩnh, bọn học trò chúng tôi đã từng nghe nói về “người hùng Trần Văn Giàu” với biết bao huyền thoại. Nhưng tôi được thụ giáo GS Trần Văn Giàu từ năm 1952 khi ra Thanh Hóa học trường dự bị đại học do GS làm giám đốc. Trước đó, năm 1951 GS từ Việt Bắc được cử vào khu IV để xây dựng một trung tâm đào tạo đại học về khoa học xã hội và nhân văn, lúc đó gọi là Văn khoa, gồm Trường Dự bị đại học và Sư phạm cao cấp. GS giảng môn triết học Mác gồm ba giáo trình: Biện chứng pháp, Vũ trụ quan và Duy vật lịch sử.

Những bài giảng triết học của GS Trần Văn Giàu là môn học mới lạ và hấp dẫn nhất đối với những sinh viên chúng tôi mới từ học sinh phổ thông bước vào bậc đại học. Chúng tôi không bao giờ quên hình ảnh của Thầy với dáng vóc cao to, lối giảng rất hùng biện, lại pha tính dí dỏm và nội dung luôn luôn liên hệ mật thiết với những ví dụ sống động của cuộc sống xã hội.

GS Trần Văn Giàu - cây đại thụ của nền sử học Việt Nam ảnh 1

Các đồng chí lãnh đạo TPHCM mừng GS Trần Văn Giàu nhân dịp nhận huy hiệu 80 năm tuổi Đảng. Ảnh: VIỆT DŨNG

Là một nhà hoạt động chính trị, đã từng du học ở Pháp (1928-1930), gia nhập Đảng cộng sản Pháp rồi sang học và tốt nghiệp Trường Đại học Phương Đông ở Liên Xô (1931-1933), GS được trang bị một vốn kiến thức sâu sắc về chủ nghĩa Mác-Lênin. Trong thời kỳ bị giam ở nhà tù Côn Đảo, Tà Lài, nhà cách mạng Trần Văn Giàu đã từng giảng về chủ nghĩa Mác-Lênin cho các đồng chí của mình và đã được coi là “Giáo sư đỏ”. Chúng tôi rất khâm phục và say mê nghe thầy giảng. Hình ảnh GS Trần Văn Giàu bắt đầu khắc họa vào tâm trí tôi từ đó.

Năm 1954, sau khi tiếp quản Hà Nội, GS Trần Văn Giàu được cử về tiếp quản nền đại học và các lớp dự bị đại học chúng tôi cũng về thủ đô tiếp tục học năm thứ hai Trường Đại học Sư phạm - văn khoa - khoa học. Tuy mang tên ba trường nhưng hoàn toàn học chung, cùng lớp, cùng thầy, cùng môn học. Tôi và anh Trần Quốc Vượng học Ban sử-địa, sau anh Đinh Xuân Lâm là giáo viên phổ thông cũng được vào thẳng năm thứ hai.

Lúc này, GS Trần Văn Giàu mới bắt đầu chuyển sang dạy môn lịch sử cận-hiện đại Việt Nam. GS Giàu đã viết trong Lời nói đầu của sách “Chống xâm lăng”: “tôi vốn không phải là một nhà sử học mà lúc đầu do yêu cầu làm công tác tuyên truyền, rồi sau là do trách nhiệm giáo dục đại học, mà đi vào nghiên cứu lịch sử”. GS tâm sự với chúng tôi: “Năm 1955-1956, tôi nghiên cứu đến đâu, viết đến đâu thì đem ra giảng ngay cho các chú đến đó và chính các chú đã thôi thúc tôi hoàn thành bộ sử đầu tay “Chống ngoại xâm” (1956)”. Cũng vì thế, trong Lời nói đầu của bộ sách, GS đã “cảm ơn anh chị em học sinh năm thứ ba (1955-1956) Ban sử địa của Trường Đại học Sư phạm-Văn khoa”.

Năm 1960, GS Trần Văn Giàu chuyển sang công tác ở Ủy ban Khoa học xã hội rồi về Viện sử học VN. Trong gần 20 năm công tác ở đại học, GS Trần Văn Giàu đã góp phần trực tiếp đào tạo những thế hệ cán bộ sử học đầu tiên của nền đại học VN độc lập, trong số đó nhiều người đã trở thành những nhà sử học đầu ngành trên các lĩnh vực của khoa học lịch sử. Đặc biệt, GS còn là nhà giáo dục có công đặt nền móng xây dựng nền đại học VN về khoa học xã hội và nhân văn. Tôi và các thế hệ học trò của GS đời đời biết ơn công lao đào tạo của thầy. Chúng tôi học được ở thầy Giàu không chỉ những kiến thức về lịch sử mà điều căn bản hơn là những quan điểm cơ bản về phương pháp luận sử học, là sứ mạng, trách nhiệm của nhà sử học trước nhân dân, trước dân tộc, là yêu cầu khách quan, trung thực, luôn luôn tôn trọng sự thật lịch sử, là dũng khí bảo vệ chân lý lịch sử. 

Trong đào tạo, GS Trần Văn Giàu để lại dấu ấn sâu sắc với quan niệm và phong cách riêng. GS quan niệm dạy đại học là đào tạo các nhà khoa học nên phải đặc biệt coi trọng nghiên cứu khoa học, chỉ có nghiên cứu tốt mới có thể đào tạo tốt, giảng dạy tốt. GS tin cậy lớp trẻ nhưng cũng đòi hỏi rất cao, mạnh dạn giao phó những nhiệm vụ vượt quá khả năng bình thường. Lớp chúng tôi vừa mới tốt nghiệp, đã phải lên lớp ngay và chỉ hai năm sau, đã phải tập trung tất cả sự nỗ lức cao nhất để biên soạn bộ giáo trình lịch sử VN gồm: “Lịch sử chế độ công xã nguyên thủy”, “Lịch sử chế độ phong kiến” (3 tập), “Lịch sử cận đại” (4 tập do GS Trần Văn Giàu chủ biên). Trong thảo luận khoa học, GS rất dân chủ, cởi mở, lắng nghe ý kiến mọi người, nhưng khi cần thì rất quyết đoán.

Về mặt này, tôi giữ một kỷ niệm không bao giờ quên là chính GS Trần Văn Giàu đã quyết định bắt tôi vào học Ban văn-sử. Từ Hà Tĩnh đi bộ ra Thanh Hóa nên tôi và mấy bạn nhập học chậm ba ngày khi Ban toán-lý mà tôi nộp đơn xin học đã đủ sinh viên. GS Trần Văn Giàu quyết định bắt tôi và mấy bạn đến chậm phải học Ban văn-sử và từ đó, quyết định ngành nghề chuyên môn cả đời tôi. Tôi nhớ như in, một lần xin gặp Giám đốc để năn nỉ trình bày nguyện vọng chuyển sang Ban toán-lý, GS đã nghiêm khắc cảnh báo: “Tôi hiểu nguyện vọng của chú, nhưng trước hết phải tuân thủ sự phân công của tổ chức. Chú không muốn học thì về nhà cày ruộng”. Lúc đó, tôi vừa sợ vừa buồn, nhưng chẳng có sự lựa chọn nào khác. Sau này mấy lần tôi nhắc lại kỷ niệm này, Thầy cười vui vẻ và nói: “Không bắt buộc chú thì làm sao nay có sử gia Phan Huy Lê”. Rất nghiêm túc trong tổ chức, trong khoa học, nhưng cũng rất nhân ái trong cuộc sống, tình nghĩa trong đối xử.  

Từ khi chuyển sang ngành giáo dục đại học, GS Trần Văn Giàu gần như dành cả cuộc đời cho sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học. GS để lại cho đất nước một di sản đồ sộ với rất nhiều công trình nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực từ triết học, tư tưởng đến lịch sử, văn học, văn hóa. Trong di sản này nổi bật lên các tác phẩm tiêu biểu: “Chống xâm lăng” (1956-1957), “Giai cấp công nhân VN” (1957-1961), “Sự khủng hoảng của chế độ phong kiến nhà Nguyễn trước năm 1958” (1958), “Miền Nam giữ vững thành đồng” (1964-1978), “Sự phát triển của tư tưởng ở VN từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám” (1973-1975), “Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc VN” (1973- 1980).

GS Trần Văn Giàu là một học giả uyên bác, một cây đại thụ của nền sử học VN. GS là một nhà sử học Mácxít kiên định trên những quan điểm cơ bản của duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, đồng thời là một trí thức yêu nước suốt đời chiến đấu vì lợi ích của nhân dân, của dân tộc. Chính sự kết hợp này đã làm cho các công trình nghiên cứu sử học của GS không rơi vào khuynh hướng giáo điều, công thức, mà lại mang hơi thở của dân tộc, gắn bó chặt chẽ với cuộc đấu tranh giành độc lập tự do của nhân dân.

Trong đào tạo cán bộ cũng như nghiên cứu sử học, GS rất coi trọng sử liệu và yêu cầu khách quan, trung thực của người viết sử. Dĩ nhiên các công trình sử học của GS mang dấu ấn của sử học VN trong từng bối cảnh cụ thể của đất nước, nhưng vượt lên trên tất cả là những kết quả nghiên cứu sâu sắc trên một nền tảng kiến thức uyên bác, một động cơ trung thực, một phong cách lập luận, diễn đạt khúc chiết, mạch lạc pha tính hùng biện và dí dỏm. Đó là “sử bút Trần Văn Giàu” không lẫn lộn với bất cứ nhà sử học nào và chỉ cần đọc qua mấy trang viết là có thể đoán được ngay tác giả.

GS Trần Văn Giàu có một sức làm việc, sức viết phi thường. GS không bao giờ dùng trợ lý hay thư ký chuẩn bị bản thảo cho mình, luôn luôn tự tìm tư liệu, tự viết từ đầu đến cuối sách. Có chăng GS chỉ nhờ một vài sinh viên hay cán bộ gần gụi tìm kiếm hay tra cứu giúp một số nguồn tư liệu mới, và bao giờ cũng tự mình kiểm tra lại. Chúng tôi nghe GS tâm sự về cách viết bộ “Miền Nam giữ vững thành đồng”, một tác phẩm sử học mang tính cập nhật của thời sự. Hàng ngày GS đến VN thông tấn xã để nhận bản tin thời sự trong ngày, về nhà đọc thêm sách báo, một số sách tham khảo liên quan, rồi nhiều đêm thức trắng để viết từng trang, từng chương mục của cuốn sách. Gần nhà GS là phố Lò Đúc có hai hàng cây cao, thời đó nhiều đàn cò trắng làm tổ. GS thức viết sách cho đến khi nghe tiếng đàn cò vỗ cánh bay đi kiếm ăn tức cho đến tảng sáng hôm sau. GS giữ sức làm việc dẻo dai đó gần như trong cả cuộc đời cho đến lúc tuổi cao.

Từ năm 1990, Hội Khoa học lịch sử VN đã tôn vinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và GS Trần Văn Giàu làm Chủ tịch danh dự của Hội. Mỗi lần vào thành phố Hồ Chí Minh, tôi đều đến thăm thầy và báo cáo các hoạt động của Hội với Chủ tịch danh dự. GS luôn luôn dành cho Hội sự quan tâm đặc biệt, góp nhiều ý kiến cố vấn cho các hướng và hình thức hoạt động của Hội, nhất là các đề tài nghiên cứu, các hội thảo khoa học, công tác phổ cập kiến thức sử học, giáo dục truyền thống dân tộc, việc nâng cao chất lượng giảng dạy môn sử bậc phổ thông. 

GS Trần Văn Giàu ra đi nhưng sự nghiệp và di sản của GS để lại vẫn tồn tại mãi trong lịch sử và nền văn hóa, khoa học VN. Những thế hệ học trò của GS giữ mãi trong tâm trí hình ảnh và phẩm giá của người Thầy mẫu mực cây đại thụ của nền sử học VN, noi gương thầy để tiếp bước phát triển nền sử học VN

GS PHAN HUY LÊ

Tin cùng chuyên mục