Tuyển sinh ĐH-CĐ 2010 :Hồ sơ giảm, thí sinh “thật” tăng

Tuyển sinh ĐH-CĐ 2010 :Hồ sơ giảm, thí sinh “thật” tăng

Trước thông tin hồ sơ đăng ký dự thi và tỷ lệ “chọi” giảm, nhiều thí sinh khấp khởi mừng thầm: cửa trường ĐH đã rộng mở hơn bao giờ hết. Thế nhưng, mọi chuyện chưa chắc đã hẳn thế. Và phải chăng mùa thi năm nay sẽ dễ thở hơn?

  • Chọn trường thi tập trung hơn
Tuyển sinh ĐH-CĐ 2010 :Hồ sơ giảm, thí sinh “thật” tăng ảnh 1
Sở GD - ĐT tỉnh Bình Phước đang bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi cho các trường ĐH - CĐ phía Nam. Ảnh: T.Hùng

Thông tin từ 63 sở GD-ĐT trên cả nước cho biết lượng hồ sơ đăng ký dự thi năm nay giảm mạnh so với năm 2009. Đại diện sở có lượng hồ sơ lớn nhất cả nước, bà Tạ Song Hà, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay: Hồ sơ đăng ký của học sinh Hà Nội năm 2010 giảm 17,2% (160.000) so với năm 2009. Tuy nhiên, về tỷ lệ hồ sơ trên một thí sinh thì lại là một tín hiệu vui cho các trường ĐH. Năm 2009, trung bình một thí sinh nộp trên 2 hồ sơ, nhưng năm 2010 giảm còn 1,9 hồ sơ/thí sinh (nếu tính riêng học sinh lớp 12 thì ở mức 1,7 hồ sơ/thí sinh). Tiếp sau Hà Nội là TPHCM cũng giảm đến 10.000 hồ sơ nhưng tình trạng một thí sinh nộp trên 2 hồ sơ không phổ biến như các năm trước.

Sau khi tính toán, trường có lượng hồ sơ luôn dẫn đầu cả nước trong những năm gần đây là Trường ĐH Cần Thơ thở phào nhẹ nhõm với việc trường sụt giảm đến 9.000 hồ sơ. Th.S Nguyễn Vĩnh An, Trưởng phòng đào tạo ĐH Cần Thơ lý giải: Năm nay số thí sinh đăng ký dự thi vào trường thi 2 khối chỉ có 4,9%. Trong khi đó, năm 2009 tỷ lệ này là 8,2%. Điều này cho thấy lượng thí sinh ảo giảm nhiều so với mọi năm. “Và như thế, hội đồng tuyển sinh của trường cũng vui hơn khi bài toán bù lỗ không quá khó giải như mọi năm khi tỷ lệ sinh viên dự thi chỉ từ 60%-70%” – ông An lạc quan. Trong khi đó, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM giảm gần 11.000 hồ sơ nhưng cũng không lo lắng vì năm nay trung bình một thí sinh thi vào trường chỉ nộp 1,9 hồ sơ, năm 2009 là 2,5 hồ sơ/thí sinh.

Như vậy, có thể nhận định năm 2010 tỷ lệ thí sinh “thật” so với số hồ sơ đăng ký tại các trường ĐH sẽ cao hơn so với mọi năm.

  • Đầu vào sẽ thấp?

Lượng hồ sơ đăng ký dự thi giảm kéo theo tỷ lệ chọi nhiều trường giảm. Tuy nhiên, tỷ lệ chọi thấp có thật sự dễ thở cho thí sinh hay có làm cho chất lượng đầu vào của nhiều trường sẽ sụt giảm theo?

Liên tục trong những ngày gần đây, nhiều trường ĐH thông báo tỷ lệ chọi cho từng ngành nhằm giúp thí sinh biết thông tin ngành mình đăng ký dự thi sẽ đối đầu với bao nhiêu đối thủ. Thực tế cho thấy, những mùa tuyển sinh gần đây, nhiều trường ở tốp đầu như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Bách khoa TPHCM, ĐH Y Dược, Ngoại thương… tỷ lệ chọi chỉ dao động từ 1/2,2 đến 1/2,9 và ngày càng ít thí sinh đăng ký dự thi, nhưng thực tế điểm đầu vào vẫn khá cao, từ 21-25 điểm trở lên.

ng Nguyễn Thanh Nam, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Bách khoa TPHCM chia sẻ: Trường không bận tâm lắm đến hồ sơ giảm mà chỉ quan tâm đến kết quả điểm thi của thí sinh. Không nên suy diễn hồ sơ giảm, tỷ lệ chọi giảm tất yếu kéo điểm đầu vào xuống thấp. Ông Nguyễn Kim Quang, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học Tự nhiên cho biết: Việc hồ sơ giảm năm nay ở một số trường là tình hình chung và phần nào đó cũng có ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào của một số ngành. Tuy nhiên, đối với những trường lớn thì họ giữ uy tín không lấy điểm thấp mà sẵn sàng lấy điểm cao nên thí sinh hãy thận trọng.

Căn cứ hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường đại học thuộc ĐH Quốc gia TPHCM, ông Huỳnh Minh Trí lưu ý: Mùa tuyển sinh năm 2010 thí sinh tại TP đăng ký vào các trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM không nhiều như mọi năm. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là đầu vào những trường này sẽ thấp. Thực tế nhiều thí sinh học các trường THPT có tiếng như Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa, THPT Năng Khiếu, Nguyễn Thị Minh Khai... mới dám đăng ký thi vào những trường này. Nhìn lại mùa tuyển sinh năm 2009, nhiều trường ĐH có lượng hồ sơ tăng bất ngờ kéo theo tỷ lệ chọi tăng như ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Tôn Đức Thắng… nhưng điểm đầu vào cũng chỉ bằng điểm sàn hoặc nhích khoảng 1, 2 điểm.

Trong khi đó, nhiều tỉnh như Thái Nguyên, Đắc Lắc, Lâm Đồng… chỉ có thí sinh giỏi hoặc học trường chuyên mới đăng ký thi những trường lớn, còn đa số các em không dám phiêu lưu nên nộp hồ sơ vào các trường đại học tại địa phương cho chắc ăn

THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục