8 giải pháp phòng chống tham nhũng trong giáo dục

Ngày 28-5, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Bộ GD-ĐT, Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức đối thoại với các nhà tài trợ quốc tế về chủ đề phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục.

(SGGP).- Ngày 28-5, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Bộ GD-ĐT, Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức đối thoại với các nhà tài trợ quốc tế về chủ đề phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, từ năm 2006 đến nay có 8 hành vi tham nhũng tại các cơ sở giáo dục thuộc quản lý của bộ GD-ĐT; 2 hành vi tham nhũng tại các cơ sở thuộc quản lý của bộ, ngành khác; 13 sở GD-ĐT có phát hiện hành vi tham nhũng tại một số cơ sở do mình quản lý. Những hành vi này đã được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm. Tuy nhiên, một số hành vi tham nhũng xảy ra trong lĩnh vực giáo dục tuy không phổ biến, nhưng lại tạo ra lực cản trong quá trình phát triển giáo dục như: mua bằng, bán điểm…

Một cuộc khảo sát vừa được thực hiện tại ba TP lớn Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng tập trung vào ba vấn đề: Tuyển sinh đầu cấp, dạy thêm học thêm và các khoản phí ngoài quy định cho thấy, dù phải chi rất nhiều tiền cho các khoản ngoài quy định như chạy trường, học thêm, các loại quỹ trường, quỹ lớp… nhưng đa số phụ huynh lại cho đây là điều… bình thường. Cụ thể, để con được học trái tuyến, có tới 58,5% phụ huynh phải nhờ người giúp đỡ, trong đó rất nhiều người phải chịu tốn kém chi phí. Tuy nhiên, có tới 67% bậc cha mẹ cho rằng việc phải bỏ tiền để xin cho con vào trường tốt là bình thường.

Mặc dù phải “cõng” nhiều khoản phí ngoài luồng nhưng có tới 44% phụ huynh cho rằng việc nhà trường thu thêm các khoản ngoài quy định là bình thường. Ngoài ra, khi được hỏi có lời khuyên gì với một người bạn của mình có con đi học, có gần 54% phụ huynh cho rằng nên tích cực đóng góp thêm các quỹ cho nhà trường…

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, chia sẻ: “Việc phụ huynh vẫn sẵn sàng trả nhiều khoản tiền ngoài quy định đã làm trầm trọng hơn tình trạng tham nhũng trong giáo dục”. Để khắc phục những tồn tại trên, Bộ GD-ĐT đã đưa ra 8 giải pháp cùng lộ trình thực hiện cụ thể. Theo đó, trong năm 2010 và năm 2011, sẽ triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, tập trung thực hiện công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình ở tất cả các khâu trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; rà soát những việc, những khâu dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng để có biện pháp ngăn chặn kịp thời…

M.PHẠM

Tin cùng chuyên mục