Đột phá

Mấy ngày qua, dư luận xôn xao về việc ĐH Quốc gia TPHCM công bố thí điểm xét tuyển thẳng vào đại học đối với học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu trong kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011. Nhiều chuyên gia cho rằng cách làm trên mang tính đột phá.

Để có được quyết định này, hội đồng tuyển sinh của ĐH Quốc gia TPHCM đã kiên trì “xin” trong nhiều năm qua, nhưng cuối cùng cũng không đợi “cho” mới làm. Nhiều người cho rằng, có lẽ vì bộ đang có chủ trương đổi mới tuyển sinh nên được dịp ĐH Quốc gia TPHCM tranh thủ làm luôn.

Thực tế cho thấy, căn cứ trên các cơ sở pháp lý hiện hành, ĐH Quốc gia TPHCM có đủ thẩm quyền trong việc quyết định hình thức tuyển sinh. Tuy nhiên, nếu nhìn lại thì cả nước không chỉ có một mình ĐH Quốc gia TPHCM mà còn có ĐH Quốc gia Hà Nội cũng có được thẩm quyền trên. Tuy nhiên, vấn đề là chỉ có ĐH Quốc gia TPHCM dám đột phá thí điểm xét tuyển thẳng khi chưa có sự chấp thuận của Bộ GD-ĐT.

Theo hội đồng tuyển sinh của ĐH Quốc gia TPHCM, trước khi đưa ra quyết định thí điểm xét tuyển thẳng, hội đồng tuyển sinh và lãnh đạo ĐH Quốc gia TPHCM đã có những khảo sát khoa học dựa trên kết quả học tập, các kỳ thi học sinh giỏi trong nước - quốc tế, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT của học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu trong nhiều năm liền...

Bỏ qua một vài hạn chế, quyết định này được nhiều người nhìn nhận và phân tích ở những khía cạnh tích cực hơn nhiều.

Khi hay tin học sinh trường mình sẽ được xét tuyển thẳng, vị hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu khấp khởi mừng: “Quyết định trên không chỉ tạo động lực và sức hấp dẫn lớn đối với học sinh mà còn giảm áp lực thi cử cho học sinh xuất sắc”. Trong khi đó, đối với nhiều ngành (đặc biệt là những ngành khoa học cơ bản) ở các trường đại học thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM, chắc chắn vấn đề thu hút thí sinh giỏi theo học phần nào cũng có được lời giải.

Thực tế cho thấy, vì ngại áp lực thi cử mà rất nhiều học sinh giỏi của Trường Phổ thông Năng khiếu đã chuyển hướng du học trước những lời mời gọi hấp dẫn của các trường đại học nước ngoài.

Theo phân tích của các chuyên gia tuyển sinh, thử nhìn và phân tích tỷ lệ đậu đại học và tỷ lệ thí sinh đạt điểm cao qua các kỳ thi tuyển sinh sẽ thấy rằng, gần như 100% thí sinh học trường năng khiếu đậu đại học. Tiếp đến là thí sinh ở các trường chuyên. Và với kết quả như thế, việc tuyển thẳng đối với học sinh năng khiếu là hợp lý.

Một cách làm mới và mang tính đột phá ắt hẳn sẽ còn điểm vướng so với quy định chung nhưng cách làm đó xuất phát từ cái lợi chung thì xã hội và dư luận đồng tình. Tuy nhiên, để có sự công bằng hơn đối với thí sinh trên cả nước, cách làm trên của ĐH Quốc gia TPHCM cần được nghiên cứu và thí điểm thêm ở những trường đại học lớn, có uy tín.

Thanh Minh

Tin cùng chuyên mục