Bộ Giáo dục – Đào tạo điều chỉnh nội dung dạy học phổ thông theo hướng giảm tải

Bộ Giáo dục – Đào tạo điều chỉnh nội dung dạy học phổ thông theo hướng giảm tải

(SGGPO). – Theo thông báo mới nhất của Bộ Giáo dục - Đào tạo, bắt đầu từ năm học này sẽ điều chỉnh nội dung dạy học ở trường phổ thông theo hướng tinh giảm để việc dạy và học phù hợp với chuẩn kiến thức kĩ năng và mục tiêu giáo dục, phù hợp với thời lượng dạy học và điều kiện thực tế các nhà trường; tạo điều kiện để học sinh tiếp thu kiến thức, kỹ năng trong chương trình thuận lợi hơn và giáo viên có điều kiện đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá hoặc tổ chức các hoạt động giáo dục toàn diện cho học sinh theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông. 

Bộ Giáo dục – Đào tạo điều chỉnh nội dung dạy học phổ thông theo hướng giảm tải ảnh 1

Ngày 5-9 là ngày khai giảng năm học mới 2011-2012 trên toàn quốc, nhưng hôm nay, 24-8, hầu hết các trường học trên địa bàn TPHCM đã tập trung học sinh tựu trường sớm. Ảnh chụp lúc 11h10 sáng nay, 24-8, tại cổng trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, quận 1, TPHCM. Ảnh: Trần Thanh

Bộ Giáo dục-Đào tạo cam kết, việc điều chỉnh này vẫn đảm bảo mục tiêu giáo dục của chương trình, sách giáo khoa; đảm bảo không phá vỡ cấu trúc của chương trình, sách giáo khoa; đảm bảo tính lôgic của mạch kiến thức và tính thống nhất giữa các bộ môn. Không thay đổi thời lượng dạy học đối với mỗi môn học trong một lớp và trong mỗi cấp học và đặc biệt là thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện tại các cơ sở giáo dục, cho việc giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh.

Theo Bộ GD-ĐT, năm học mới 2011-2012, nhiều địa phương vẫn đứng trước tình trạng thiếu trầm trọng giáo viên. Như tỉnh Nam Định thiếu gần 1.200 cán bộ giáo viên; tỉnh Hậu Giang thiếu khoảng 650 giáo viên giảng dạy, chủ yếu là giáo viên ngành học mầm non và tiểu học; Bình Phước còn thiếu 1.189 giáo viên và cán bộ quản lý; TPHCM cũng thiếu giáo viên trầm trọng...

Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở GD-ĐT báo cáo ngay về thực trạng đội ngũ giáo viên, trong báo cáo cần nêu rõ tình trạng thừa/thiếu giáo viên, nguyên nhân và giải pháp khắc phục, kiến nghị, đề xuất.

Để xây dựng một danh mục các nội dung cần điều chỉnh, Bộ GD-ĐT cho biết đã triển khai thực hiện một qui trình chặt chẽ, trong đó có việc tổ chức các nhóm gồm chuyên viên phụ trách môn học của Bộ, đại diện tác giả chương trình, sách giáo khoa, cán bộ nghiên cứu giáo dục, đại diện giáo viên trực tiếp giảng dạy ở một số cơ sở giáo dục; tập hợp các kiến nghị về những nội dung cần giảm tải do giáo viên và các cơ sở giáo dục trong cả nước gửi về; tiếp thu ý kiến từ các đợt đánh giá định kỳ chương trình, sách giáo khoa những năm trước và tham khảo ý kiến các chuyên gia để dự thảo, đề xuất những nội dung cần điều chỉnh của môn học.

“Việc rà soát chương trình, sách giáo khoa và xây dựng tài liệu Hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng giảm tải được thực hiện theo một qui trình đảm bảo tính khoa học và thực tiễn”, Bộ GD-ĐT nêu rõ.

Việc giảm tải năm học 2011-2012 sẽ tập trung vào 5 nhóm nội dung chính:

- Thứ nhất, giảm tải những kiến thức trùng lắp, được viết trong chương trình - sách giáo khoa để dạy học ở nhiều môn khác nhau.

- Thứ hai, giảm tải những nội dung trùng lặp dạy cả ở lớp dưới và lớp trên do chưa lường hết hạn chế của cách xây dưng chương trình, sách giáo khoa theo quan điểm đồng tâm.

- Thứ ba, giảm tải những bài tập, câu hỏi yêu cầu vận dụng kiến thức quá sâu, không phù hợp trình độ nhận thức và tâm sinh lý lứa tuổi học sinh.

- Thứ tư, rà soát, điều chỉnh những kiến thức mang đặc điểm địa phương.

- Thứ năm, những bài học trước đây sắp xếp chưa hợp lý nay sẽ được sắp xếp lại.  

Trước băn khoăn của dư luận về việc giảm tải có thể làm phá vỡ tính chỉnh thể của chương trình, sách giáo khoa hiện hành, Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ không “cắt” nội dung, chương trình dạy học một cách cơ học mà tiến hành điều chỉnh nội dung dạy học, chỉ “cắt” những phần không hợp lý trên cơ cở vẫn đảm bảo giữ được mạch của chương trình, tính lôgic của kiến thức và tính thống nhất của các bộ môn.

Cuối tuần này Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc các trường sư phạm nhằm đánh giá lại toàn bộ công tác đào tạo giáo viên hiện nay. Theo công bố của Bộ GD-ĐT, tính đến năm học 2011-2012 này, các trường ĐH sư phạm có gần 4.400 giảng viên, trong đó, số lượng Giáo sư là 18, Phó Giáo sư là 192, chiếm tỉ lệ 5%. Tỷ lệ giảng viên có học vị tiến sĩ là 12,84% với 565 người, còn lại chủ yếu là trình độ thạc sĩ (2.039 giảng viên). Bộ sẽ có những giải pháp nhằm cải thiện chất lượng ở những trường đào tạo giáo viên như: ổn định và củng cố hệ thống và mô hình cơ sở đào tạo giáo viên, phát triển quy mô các trường, khoa sư phạm...

Trong tài liệu Hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học, đối với mỗi môn học đã được hướng dẫn rất cụ thể việc thực hiện điều chỉnh. Giáo viên chỉ cần nghiên cứu kỹ và thực hiện đúng các hướng dẫn này trong khi dạy học và hướng dẫn học sinh đánh dấu những bài, những phần không yêu cầu phải học, phải làm, những phần cần điều chỉnh trong sách giáo khoa là có thể áp dụng dễ dàng. Vì vậy, giáo viên và học sinh không phải mua sách giáo khoa khác để giảng dạy và học tập trong năm học này. Các bài, các phần không dạy thì không ra bài tập và không kiểm tra, thi và đánh giá kết quả học tập của học sinh vào những nội dung được hướng dẫn là ”không dạy” hoặc ”đọc thêm.

Bộ GD-ĐT cam kết, thực hiện điều chỉnh chương trình theo hướng tinh giảm chính là để nâng cao chất lượng giáo dục. Việc điều chỉnh nội dung dạy học này sẽ giúp giảm thời gian học kiến thức hàn lâm, lý thuyết thuần tuý, tăng thời gian thực hành, học tại hiện trường; điều đó sẽ giúp cho học sinh có điều kiện được vận dụng lý thuyết vào thực tiễn, hình thành năng lực nhận thức, năng lực hành động và kỹ năng sống.

Cũng theo Bộ GD-ĐT, có thể trong năm đầu, do giáo viên và học sinh mới làm quen với tài liệu hướng dẫn nên việc triển khai tổ chức thực hiện ở một số địa phương, cơ sở giáo dục sẽ có những khó khăn ban đầu. Tuy nhiên, khó khăn này có thể được khắc phục sau một thời gian thực hiện.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục