Giáo dục âm nhạc học đường - Chưa được quan tâm đúng mức

Trong nhiều thập kỷ qua, vấn đề giáo dục âm nhạc ở các trường phổ thông thường bị xem nhẹ, giáo trình giảng dạy ít thu hút học sinh, giáo viên dạy nhạc ít tâm huyết với nghề… Tất cả cho ra hệ lụy: một thế hệ công chúng trẻ dễ dãi đến hời hợt trong việc thưởng thức và tiếp nhận âm nhạc.
Giáo dục âm nhạc học đường - Chưa được quan tâm đúng mức

Trong nhiều thập kỷ qua, vấn đề giáo dục âm nhạc ở các trường phổ thông thường bị xem nhẹ, giáo trình giảng dạy ít thu hút học sinh, giáo viên dạy nhạc ít tâm huyết với nghề… Tất cả cho ra hệ lụy: một thế hệ công chúng trẻ dễ dãi đến hời hợt trong việc thưởng thức và tiếp nhận âm nhạc.

Không thực hành, khó thu hút

Âm nhạc - một lĩnh vực nghệ thuật quan trọng có ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống tinh thần của công chúng, nhất là giới trẻ. Tuy nhiên, trong giáo trình giảng dạy âm nhạc phổ thông hiện nay đã và đang tồn tại nhiều vấn đề được bàn cãi mãi trong nhiều năm qua.

Trên hết, chương trình giáo dục đào tạo âm nhạc học đường của Bộ GD-ĐT tuy có chỉn chu, nội dung giảng dạy gồm mấy chục ca khúc, nhạc dân ca, trải dài từ cấp 1 đến cấp 2, số lượng dao động từ 20 - 35 tiết dạy (cả năm học, gồm: học hát, tập đọc nhạc, âm nhạc thường thức…) nhưng vì chủ yếu học lý thuyết, ít giờ thực hành và sinh hoạt ngoại khóa nên không thu hút được các em và không giúp các em có được nền căn bản để biết cách cảm thụ vẻ đẹp âm nhạc, xây dựng thẩm mỹ về đời sống văn hóa tinh thần.

Một cô giáo dạy nhạc cấp 2 ở quận 3, bộc bạch: “Bên cạnh vấn đề cơ sở vật chất cho môn học này ít được các trường công lập đầu tư thì lương giáo viên dạy nhạc rất thấp nên nhiều người phải chạy show biểu diễn ngoài giờ, dạy thêm. Giáo viên tâm huyết với nghề ít lắm, nhiều người chỉ ráng dạy cho đủ tiết để hoàn thành trách nhiệm. Giáo trình khô khan, xa rời đời sống thực tế, không hấp dẫn học sinh và hiểu theo cách nào đó, dạy nhạc phổ thông là kiểu cưỡi ngựa xem hoa thôi!”.

Tiếp nhận thiếu chọn lọc

Những nghiên cứu trên thế giới cho thấy rằng: để giáo dục giới trẻ được tốt thì giáo dục âm nhạc đóng vai trò rất quan trọng. Ở các nước phát triển người ta vẫn giáo dục âm nhạc trong trường đại học với những dàn nhạc riêng. Có một thực trạng, các em học sinh chỉ thích hát những bài hát được phát ra rả trên đài phát thanh, đài truyền hình, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng internet, băng đĩa… đã minh chứng việc đào tạo âm nhạc trong nhà trường không đủ sức thẩm thấu đến các em, như cách truyền tải âm nhạc từ phía truyền thông đại chúng.

Đáng lo hơn là học sinh ngày nay tiếp nhận âm nhạc dễ dãi, hời hợt, thiếu sự chọn lọc, chuộng nghe và thuộc những bài hát nhảm nhí, phi nghệ thuật, nội dung phản cảm. Từ đó, một bộ phận đội ngũ sáng tác và biểu diễn trẻ lao vào làm nghề dễ dãi, sáng tác và biểu diễn kém chất, thiếu tính định hướng, lệch lạc, vô bổ...
 
TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm - UV BCH Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Chi hội trưởng Chi hội Lý luận phê bình âm nhạc Hội Âm nhạc thành phố, cho biết: “Thực tế, âm nhạc không phải là điều gì đó mông lung, nó rất gắn bó với đời sống, nghĩa là, các em hát cái gì, các em nói điều gì tức các em nghĩ cái đó, nó gắn với hành động của các em ngay bây giờ và cả về sau. Khi nghe loại nhạc không dạy cho người ta nên người, không có nội dung tốt đẹp thì tự nhiên điều không hay, không tốt ấy sẽ dần trở thành nếp nghĩ cho người nghe. Ví dụ: ngày xưa, âm nhạc đã đóng góp một phần rất lớn giúp bao lớp thanh niên có được tinh thần sảng khoái, hăng hái ra trận, sẵn sàng hy sinh vì đất nước…”.

Giám đốc Nhạc viện TPHCM - TS Văn Thị Minh Hương từng chia sẻ rằng âm nhạc học đường cần phải bổ sung nhiều. Tâm tư với vấn đề này, chị đã làm một bộ đĩa CD dành cho các thầy cô dạy nhạc trong các trường phổ thông. Theo chị, bên cạnh việc dạy ca khúc, giáo viên nên cung cấp thêm kiến thức âm nhạc để các em có khái niệm đúng về âm nhạc, biết cách nghe nhạc, chọn lọc cái nào hay, không hay và tiếp cận nhiều hơn những giai điệu đẹp.

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn - Chủ tịch Hội Âm nhạc TPHCM từng bức xúc: “Việc dạy âm nhạc từ các trường mẫu giáo đến trung học cơ sở đều quá sơ sài nếu không nói là không được quan tâm đúng mức”.
 
TS-NGƯT Đào Trọng Minh nhận xét: “Hiện nay, trên mặt bằng các hoạt động văn hóa xã hội thì âm nhạc là loại hình sôi động nhất. Trong số những biểu hiện vọng ngoại, lai căng, mất gốc, xa rời bản sắc dân tộc thì biểu hiện nóng nhất và nhạy cảm nhất cũng là âm nhạc và những hoạt động liên quan đến âm nhạc như: nhà hàng, vũ trường, tụ điểm karaoke hoặc những biến tướng của một số lễ hội ở địa phương… Không lý gì khi mà những ảnh hưởng, những tác động lớn như thế của âm nhạc đối với đời sống xã hội lại chỉ được giảng dạy một cách sơ lược và miễn cưỡng như hiện nay ở các trường phổ thông”.

Về vĩ mô, vai trò trách nhiệm giáo dục âm nhạc cho các em là rất lớn và là của toàn xã hội, phải được nhiều cấp ngành quan tâm, nhất là phải có chiến lược lâu dài, để thế hệ mai sau có điều kiện phát triển vững chắc hơn về quan điểm thẩm mỹ, tư duy văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần, góp sức phát triển nền nghệ thuật nước nhà đúng định hướng, chất lượng, hiệu quà.

Thúy Bình

Tin cùng chuyên mục