Hai năm triển khai đề án dạy bơi cho học sinh tiểu học: Các trường tự “bơi”

Tai nạn đuối nước là tai nạn có tỷ lệ tử vong ở trẻ cao nhất tại Việt Nam. Vì vậy trang bị kỹ năng bơi và chống đuối nước cho trẻ là nhiệm vụ cấp thiết của toàn xã hội. Hai năm trước (2010) Bộ GD-ĐT đã triển khai thí điểm đề án dạy bơi cho học sinh tại các trường tiểu học. Tuy nhiên, hiệu quả đến đâu chắc mọi người đều rõ, trẻ tử vong vì đuối nước vẫn cứ tăng, còn các trường thì gần như bỏ ngỏ việc dạy bơi vì khó khăn tứ bề.
Hai năm triển khai đề án dạy bơi cho học sinh tiểu học: Các trường tự “bơi”

Tai nạn đuối nước là tai nạn có tỷ lệ tử vong ở trẻ cao nhất tại Việt Nam. Vì vậy trang bị kỹ năng bơi và chống đuối nước cho trẻ là nhiệm vụ cấp thiết của toàn xã hội. Hai năm trước (2010) Bộ GD-ĐT đã triển khai thí điểm đề án dạy bơi cho học sinh tại các trường tiểu học. Tuy nhiên, hiệu quả đến đâu chắc mọi người đều rõ, trẻ tử vong vì đuối nước vẫn cứ tăng, còn các trường thì gần như bỏ ngỏ việc dạy bơi vì khó khăn tứ bề.

  • Chưa làm... đã nản

Để hạn chế tình trạng trẻ tử vong vì đuối nước, tháng 2-2010, Bộ GD-ĐT đã ra văn bản chính thức yêu cầu và khuyến khích đưa dạy bơi vào chương trình tiểu học với trọng tâm là khối lớp 4, mở rộng ra khối lớp 3 và lớp 5. Ngay sau khi nhận được văn bản hướng dẫn triển khai công tác phòng chống đuối nước, thực hiện thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học giai đoạn 2010-2015 của Bộ GD-ĐT, đại diện nhiều Sở GD-ĐT cũng như các trường tiểu học tỏ ra rất vui. Bởi lẽ, đây chính là giải pháp hữu hiệu để hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do đuối nước gây ra đối với học sinh.

Hai năm triển khai đề án dạy bơi cho học sinh tiểu học: Các trường tự “bơi” ảnh 1

Chủ trương dạy bơi cho học sinh tiểu học gặp nhiều khó khăn khi đi vào thực tế.

Với quyết tâm phải làm bằng được cùng các hình thức triển khai khác nhau cho phù hợp với điều kiện từng nơi, thời gian đầu công tác dạy bơi cho học sinh tiểu học ít nhiều đã có chuyển biến đáng mừng. Ghi nhận tại một số địa phương vào cuối năm 2011, chúng tôi nhận thấy, tỷ lệ các trường triển khai dạy bơi cho học sinh tiểu học tương đối cao 30% (10 trường có 3 trường triển khai). Tuy nhiên, suốt thời gian dài sau này (đến tháng 9 - 2012) dự án dạy bơi cho học sinh tiểu học đã lộ rõ nhiều bất cập. Trong khi số trẻ tử vong do đuối nước tại các địa phương không ngừng gia tăng thì công tác phổ cập bơi cho học sinh tiểu học gần như “giậm chân tại chỗ”.

Theo số liệu của Cục bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTB-XH), đuối nước chiếm đến trên 50% tỷ lệ tử vong của trẻ từ các tai nạn thương tích nói chung, với hơn 6.000 trường hợp tử vong/năm. Trong đó, chỉ riêng từ đầu năm 2012 đến nay đã có 200 trẻ tử vong. Đặc biệt, không thể không giật mình trước thống kê về tỷ lệ trẻ biết bơi tại vùng ĐBSCL chỉ chưa đến 35% hay như tỉnh Hà Nam, tỷ lệ trẻ vị thành niên biết bơi cũng không quá 10%. Nguyên nhân thì có nhiều, từ việc các trường học hiện nay chưa có cơ sở vật chất đáp ứng được cho môn học bơi, đến việc gặp khó khi triển khai vì không có kinh phí, không có đội ngũ giáo viên, lịch học ngoại khóa của các trường trong năm vẫn chưa có môn bơi, mà thay vào đó là các môn khác như chào cờ, thể dục giữa giờ, múa hát tập thể, dạy kỹ năng an toàn giao thông, đọc sách trong trong thư viện…

Với những trường may mắn có chỗ bơi thì lại thiếu giáo viên bơi lội, hướng dẫn khiến việc đứng chéo tiết, trái chuyên môn, lên lớp ngoài giờ gặp không ít khó khăn. Bởi trung bình một lớp 30 học sinh nếu học thể dục chỉ cần một giáo viên hướng dẫn. Nhưng với một lớp bơi, phải cần thêm ít nhất một giáo viên mới có thể quản lý được các em. Vì vậy, vấn đề nhân lực ở các trường cũng khó có thể đáp ứng được đặc biệt là đối với trường công lập.

  • Vẫn “đánh trống - bỏ dùi”

Khó khăn là điều có thể nhìn thấy đối với các trường khi đến nay, ngoài văn bản yêu cầu và hướng dẫn của Vụ công tác HS-SV mang nặng tính khuyến khích, phía Bộ GD-ĐT gần như chưa có một động thái hỗ trợ, phối hợp với các bộ ngành liên quan (ngành TDTT chẳng hạn). Dù mới chỉ là mang tính chất thí điểm, nhưng vì không nhận được sự hỗ trợ nào từ phía các ban ngành nên chỉ sau một thời gian ngắn triển khai theo phong trào, các trường lại bỏ ngỏ vì không biết lấy đâu ra kinh phí để thực hiện khi thu tiền từ phía phụ huynh là điều không dễ dàng (không có văn bản). Với những trường có sẵn hồ bơi thì gặp khó trong việc thuê, hợp đồng với giáo viên dạy bơi, kinh phí bảo trì hồ bơi và thay nước…

Ngay như TPHCM được xem là trung tâm bơi lội của cả nước, đến nay vẫn còn không ít quận, huyện chưa có hồ bơi. Cô Nguyễn Thị Kim Ân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Bình Trọng (Q5) cho rằng: Cái khó nhất mà các trường phải đối mặt chính là kinh phí đưa đón học sinh đi học bơi, việc thuê hồ bơi, hợp đồng với giáo viên dạy bơi. Trường tôi chưa triển khai việc dạy bơi vì suốt năm qua, đặt lịch thuê với hồ bơi của quận chưa được. Mặc khác, công tác thỏa thuận và tìm sự đồng thuận nơi phụ huynh đóng tiền cho các cháu học bơi vẫn bế tắc (cơ sở pháp lý) vì không phải phụ huynh nào cũng đồng ý đóng tiền. Nếu các trường không có được sự hỗ trợ nhất định (giống như giờ học ngoại khóa) thì rất khó để thực hiện khi ngành cứ để các trường “tự bơi” như hiện nay.

Hiệu trưởng một số trường tiểu học thắc mắc, không biết căn cứ vào cơ sở nào để yêu cầu các trung tâm TDTT hỗ trợ các trường. Tuy nhiên, trong thực tế nếu xét rộng ra khỏi ngành giáo dục, việc phổ cập môn bơi cho trẻ em và học sinh đã có một căn cứ pháp lý quan trọng, khi nó được đưa hẳn thành một nội dung quan trọng trong Chiến lược phát triển TDTT đến 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm 2010. Theo đó, đến năm 2020 sẽ phổ cập bơi cho học sinh phổ thông và mầm non, đảm bảo 100% số trường phổ thông đưa môn bơi vào chương trình ngoại khóa. Trong đó, chú trọng hỗ trợ các tỉnh ĐBSCL và duyên hải miền trung. Chiến lược và lộ trình thực hiện phổ cập bơi đã có, nhưng hai năm qua gần như ngành giáo dục đã bỏ lơ khi chưa có một văn bản, thông tư phối kết hợp nào với ngành TDTT để thực hiện.

Chia sẻ về vấn đề này, cô Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q4) tỏ ra nuối tiếc: “Nếu các trường mà nhận được sự hỗ trợ từ các ban ngành liên quan, tôi nghĩ việc dạy bơi cho học sinh tiểu học không có gì phức tạp. Do trường có hồ bơi nên việc triển khai ít nhiều cũng đỡ khó khăn hơn các trường khác. Tỷ lệ dạy bơi cho học sinh toàn trường là khá cao. Tuy nhiên, để thực hiện hoạt động này (thay nước hồ bơi, thuê giáo viên) trường rất vất vả tìm nguồn kinh phí. Tôi thiết nghĩ ngành giáo dục, trung tâm TDTT quận cần hỗ trợ các trường trong vấn đề này. Chứ cứ đưa ra chủ trương rồi để mặc các trường xoay xở, thực hiện tôi thấy không ổn lắm, tính bền vững của dự án cũng sẽ không cao”.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng: Để việc triển khai dạy bơi hiệu quả trong các trường, không cách nào khác các trung tâm TDTT tuyến quận huyện, các bể bơi trên địa bàn các quận cần ưu tiên, hỗ trợ cho các trường. Việc xây dựng hồ bơi trong trường học, cũng như tìm kiếm giáo viên huấn luyện rất cần có sự hỗ trợ của địa phương như UBND, Phòng Giáo dục quận huyện, các trung tâm thể dục thể thao. Bởi nếu không, các trường sẽ rất khó triển khai và dễ nản.

ĐỖ LY

Tin cùng chuyên mục