Nghiên cứu khoa học sau đại học: Được chăng hay chớ

Học viên cao học không viết nổi một bài báo nghiên cứu. Người có bằng tốt nghiệp thạc sĩ chưa từng kinh qua công trình nghiên cứu khoa học (NCKH) nào. Đó là thực tế đáng buồn hiện nay ở các bậc đào tạo sau đại học (ĐH). Khi mà quy định học viên NCKH còn hết sức lỏng lẻo, mỗi trường công khai tiêu chí xét tốt nghiệp khác nhau thì đam mê nghiên cứu bị đẩy xuống hàng thứ yếu, khả năng tìm tòi, ứng dụng kiến thức của người học gần như bằng 0.
Nghiên cứu khoa học sau đại học: Được chăng hay chớ

Học viên cao học không viết nổi một bài báo nghiên cứu. Người có bằng tốt nghiệp thạc sĩ chưa từng kinh qua công trình nghiên cứu khoa học (NCKH) nào. Đó là thực tế đáng buồn hiện nay ở các bậc đào tạo sau đại học (ĐH). Khi mà quy định học viên NCKH còn hết sức lỏng lẻo, mỗi trường công khai tiêu chí xét tốt nghiệp khác nhau thì đam mê nghiên cứu bị đẩy xuống hàng thứ yếu, khả năng tìm tòi, ứng dụng kiến thức của người học gần như bằng 0.

Học viên cao học Khoa Môi trường ĐH Bách khoa TPHCM làm đề tài tốt nghiệp. Ảnh: Mai Hải

Học viên cao học Khoa Môi trường ĐH Bách khoa TPHCM làm đề tài tốt nghiệp. Ảnh: Mai Hải

Quy định mỗi nơi một kiểu

Sự kiện 2 nghiên cứu sinh của Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG Hà Nội phải nhận quyết định đình chỉ học tập do không tham gia hoạt động NCKH tại cơ sở vào năm 2012 đã gióng lên hồi chuông báo động về tinh thần NCKH của một bộ phận học viên sau ĐH. Tuy nhiên, nếu như ở bậc đào tạo tiến sĩ còn có quy định chung về số công trình nghiên cứu, tỷ lệ giữa hai phần học lý thuyết và thực hành thì ở bậc thạc sĩ gần như bỏ ngỏ.

Nếu như ở một số trường như ĐH KHXH-NV (ĐHQG TPHCM), ĐH Sư phạm TPHCM, học viên cao học được khuyến khích NCKH bằng hình thức cộng thêm điểm vào luận án tốt nghiệp thì ở các trường ĐH Kinh tế, ĐH Mở TPHCM, hai chữ nghiên cứu vô cùng lạ lẫm với học viên. Quỳnh Như, học viên cao học chuyên ngành tài chính-ngân hàng, ĐH Mở TPHCM, cho biết: “Chương trình cao học chẳng khác gì ĐH, học viên hoàn thành hết số tín chỉ cần tích lũy rồi bảo vệ luận án tốt nghiệp là xong. Đối với riêng từng môn học, chủ yếu chỉ trả bài theo hình thức đọc-hiểu giáo trình, kết hợp giải bài tập là dễ dàng đạt điểm cao”.

Trái lại, đối với các trường xem NCKH là một trong những tiêu chí đánh giá tốt nghiệp, học viên phải “vắt giò lên cổ” tìm điểm cộng thêm. B.P, học viên cao học chuyên ngành ngôn ngữ, ĐH KHXH-NV TPHCM chia sẻ: “Trường tôi quy định học viên nào có bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí chuyên ngành - đã được công nhận giá trị học thuật hoặc kỷ yếu hội nghị khoa học của trường sẽ được cộng thêm 1 điểm vào luận án tốt nghiệp. Ai không có bài NCKH chỉ được tối đa thang điểm 9. Do đó, mọi người đổ xô đi viết bài nghiên cứu, không đăng được trên kỷ yếu khoa học trường này thì sang trường khác gửi đăng. Nhiều khi viết đi viết lại cả chục lần mới được hội đồng biên tập tạp chí chấp nhận”.

Thiếu động lực nghiên cứu

Một trong những nguyên nhân khiến người học hiện nay nói “không” với nghiên cứu là do quy định bất hợp lý về việc chi trả nhuận bút cho tác giả bài viết đăng trên các tạp chí. Theo đó, bài viết đăng trong kỷ yếu hội thảo khoa học của các trường chỉ được trả tối đa 200.000 đồng đối với người học trình độ thạc sĩ, 400.000 đồng đối với tác giả là nghiên cứu sinh. Số tiền này theo một giảng viên Trường ĐH KHXH-NV TPHCM là không đủ cho học viên mua sách, nói chi đến chi phí nghiên cứu.

Riêng đối với khối ngành cơ khí, kỹ thuật, tình hình càng bi đát hơn. Số liệu tổng hợp cuối năm 2012 của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM cho thấy, trong tổng số 512 giảng viên cơ hữu của trường chỉ có 173 người đạt định mức NCKH, 33 người chưa đủ định mức và 306 người chưa từng tham gia hoạt động nghiên cứu nào trong suốt thời gian công tác. Đại diện các trường đều thừa nhận không đủ kinh phí đầu tư cho nghiên cứu, ngay cả các trường trọng điểm kinh phí NCKH cũng chỉ khoảng 1 đến 2 tỷ đồng/năm, chưa đủ để duy tu, bảo trì máy móc nói chi đến nghiên cứu. Do đó, NCKH luôn trong cảnh giật gấu vá vai.

Thêm vào đó, quy định hiện nay chưa cho phép các trường có biên chế cán bộ NCKH, do đó nghiên cứu chỉ được xem là hoạt động làm thêm ngoài giờ hành chính đối với giảng viên, chưa đầu tư đúng mức cũng là điều khó tránh khỏi. Ngoài ra, phần nhiều các công trình nghiên cứu sau khi nghiệm thu chưa có đơn vị nào đứng ra quản lý sử dụng, gây nên lãng phí lớn về mặt vật chất, bào mòn tinh thần nghiên cứu của tác giả. Do đó hiện nay, đi cùng trào lưu “người người học cao học, nhà nhà có bằng thạc sĩ”, số lượng thạc sĩ ra trường hàng năm không ngừng tăng lên nhưng ở góc độ nghiên cứu, chất lượng đang có chiều hướng suy giảm.

Sắp tới đây, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ khai sinh thêm chương trình đào tạo thạc sĩ ứng dụng, một trong những tín hiệu vui thúc đẩy tinh thần NCKH ở bậc học này hay thể hiện sự bế tắc của những người làm công tác quản lý giáo dục?

Quy định về NCKH đối với hệ cao học ở các trường thành viên thuộc ĐHQG TPHCM còn khá rối rắm. Căn cứ khoản 3, điều 15. Quy định số 01/QĐ-ĐHQG-ĐH&SĐH về “Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ” ban hành ngày 5-1-2009, đối với các chuyên ngành đào tạo theo phương thức không yêu cầu luận văn thạc sĩ, học viên chỉ cần nộp báo cáo tiểu luận trong phạm vi từng môn học sẽ được công nhận tốt nghiệp.

Đối với những ngành đào tạo theo phương thức yêu cầu luận văn thạc sĩ, có hai chương trình đào tạo khác nhau. Ở chương trình thường, luận văn thạc sĩ yêu cầu có thời lượng 12-15 tín chỉ.

Đối với chương trình nghiên cứu, luận văn thạc sĩ chiếm từ 30-45 tín chỉ và để được công nhận tốt nghiệp, người học phải có thêm ít nhất một bài báo khoa học do mình đứng tên tác giả. Qua đó cho thấy, chỉ riêng chương trình nghiên cứu mới có quy định NCKH rõ ràng, các ngành còn lại phụ thuộc khá nhiều vào ý thức tự giác của mỗi học viên.

Thu Tâm

Tin cùng chuyên mục