Đa dạng hoạt động thư viện ở trường tiểu học

Thời đại khoa học kỹ thuật bùng nổ, các thiết bị máy tính bảng, sách điện tử ngày càng phổ biến cũng là lúc học sinh dần quay lưng với sách đọc truyền thống. Trước thực tế đó, nhiều trường tiểu học trên địa bàn TPHCM đã có sáng kiến đổi mới hoạt động thư viện nhằm thu hút trở lại học sinh, cứu lấy văn hóa đọc đang xuống cấp...
Đa dạng hoạt động thư viện ở trường tiểu học

Thời đại khoa học kỹ thuật bùng nổ, các thiết bị máy tính bảng, sách điện tử ngày càng phổ biến cũng là lúc học sinh dần quay lưng với sách đọc truyền thống. Trước thực tế đó, nhiều trường tiểu học trên địa bàn TPHCM đã có sáng kiến đổi mới hoạt động thư viện nhằm thu hút trở lại học sinh, cứu lấy văn hóa đọc đang xuống cấp...

Thay đổi từ nội dung đến hình thức

Nếu như trước đây, thư viện truyền thống chỉ có các đầu sách phục vụ học tập, nghiên cứu nên chủng loại sách thường đơn điệu, việc phân loại được thực hiện cứng nhắc theo kiểu sách thuộc lĩnh vực nghiên cứu nào sẽ được “gán” cho môn học tương đương trong chương trình chính khóa.

Tình trạng này dẫn đến việc một học sinh học kém môn văn sẽ không có hứng thú tìm đọc các tác phẩm văn học đặc sắc, hay một em dở môn toán sẽ khó có cơ hội tiếp cận những quyển sách hay về các hiện tượng thiên nhiên trong cuộc sống. Điều này vô tình làm học sinh mất dần thói quen đọc sách ở thư viện.

Để khắc phục tình trạng này, Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1) đã có sáng kiến mở rộng chủ đề sách thông qua hình thức kêu gọi học sinh cùng đóng góp, chia sẻ những quyển sách mình yêu thích.

Ông Bùi Duy Phương, hiệu trưởng nhà trường cho biết, khoảng 3 năm trở lại đây trường thực hiện mô hình tủ sách lưu động đặt ngay sảnh ra vào của trường, trong đó ngoài các đầu sách do nhà trường sưu tập, còn có những quyển sách do chính học sinh đóng góp theo sở thích của từng em, một em đọc xong có thể giới thiệu cho nhiều bạn bè khác cùng đọc. Đây là một trong những cách làm giúp khơi lại niềm đam mê đọc sách, đồng thời phát triển ý thức chia sẻ, tinh thần tương thân tương ái cho học sinh.

Thư viện Trường Tiểu học Lạc Long Quân (quận 11) đạt chuẩn hiện đại đầu tiên của TP, được xây dựng theo hình thức xã hội hóa.

Tương tự, thư viện Trường Tiểu học Lạc Long Quân (quận 11) ngoài việc sưu tập các đầu sách tham khảo bằng tiếng Việt còn thường xuyên cập nhật sách bằng tiếng Anh nhằm đáp ứng nhu cầu học và nâng cao ngoại ngữ của một bộ phận không nhỏ học sinh. Ngoài ra, đây là thư viện đạt chuẩn hiện đại đầu tiên của TPHCM với sáng kiến “tích hợp” phòng học tiếng Anh, phòng tư vấn tâm lý, khu vực trưng bày và hướng dẫn sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc, khu vực sân khấu hóa vào trong hoạt động của thư viện nên học sinh vô cùng thích thú.

Em Thanh Thảo, học sinh lớp 4/2 cho biết: “Có bạn đến thư viện để đọc sách, có bạn đến vì tham gia các hoạt động khác. Nhưng nhờ không khí ở đây lúc nào cũng nhộn nhịp, các bạn sinh hoạt rất vui nên ngày nào em cũng tranh thủ ghé xuống thư viện, dần dần yêu sách lúc nào không biết”.

Một hình thức khác, thư viện Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4 TPHCM) ngoài khu vực kê bàn ghế cho học sinh ngồi đọc sách, còn dành ra một khoảng không gian bệt khá rộng để học sinh có thể thoải mái “nằm, ngồi, lăn lê, bò toài” đọc sách với đủ mọi tư thế.

Theo lý giải của những người tổ chức, đây là hình thức đổi mới nhằm tạo không gian mở tối đa cho học sinh, giúp việc đọc sách trở nên nhẹ nhàng, đọc mà chơi, chơi mà đọc. Thay vì chỉ ngồi yên một chỗ gò bó như trong giờ học chính khóa, các em có thể ngã người ra phía sau, đầu tựa vào thành ghế hoặc dựa lưng vào tường cùng nhau bàn luận rôm rả về nội dung một quyển sách.

Tuy nhiên, theo thừa nhận của một cán bộ quản lý thư viện ở quận 6, mô hình này đòi hỏi thư viện phải có diện tích đủ rộng, thoáng mát, sạch sẽ mới thu hút được nhiều học sinh, ngoài ra chủ đề các đầu sách phải phong phú, đa dạng, có những loại sách thuần túy phục vụ việc học và những loại sách đáp ứng nhu cầu giải trí, tìm tòi, khám phá của học sinh. Đây là những yêu cầu mà nếu không có đủ kinh phí, các trường dù muốn cũng không thực hiện được.

Đẩy mạnh mô hình xã hội hóa

Bà Nguyễn Thị Kim Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lạc Long Quân (quận 11), cho biết thư viện đạt chuẩn hiện đại đang hoạt động trong khuôn viên trường là sản phẩm hợp tác giữa Quỹ Hỗ trợ phát triển giáo dục (EDF) và Ngân hàng TMCP Á Châu với tổng kinh phí thực hiện hơn 1,8 tỷ đồng. Đây cũng là mô hình thư viện đa chức năng đầu tiên được xây dựng theo chủ trương xã hội hóa của TPHCM.

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, thời gian tới TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa đầu tư cho giáo dục, trong đó có việc nâng cấp, mở rộng thư viện, nhân rộng mô hình hoạt động thư viện đa chức năng như ở Trường Tiểu học Lạc Long Quân.

Thống kê từ Phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, hiện có khoảng 80% thư viện trường tiểu học đạt chuẩn tiên tiến, hiện đại. Đây là những thư viện đáp ứng các tiêu chí về phòng ốc, thiết bị chuyên dụng, sách nghiệp vụ, tham khảo, truyện, bản đồ, tạp chí, tranh ảnh phục vụ nhu cầu học tập của học sinh. Tuy nhiên, vẫn còn 20% trường học có thư viện chật hẹp, hoạt động kém thu hút học sinh. Ngoài ra, do tốc độ xây dựng trường, lớp hiện nay chưa theo kịp đà tăng dân số, diện tích dành cho phòng học còn thiếu nên mong muốn tăng thêm đất cho thư viện gần như quá sức đối với ngành giáo dục.

Trước thực tế đó, các trường đã chọn giải pháp phát triển mô hình thư viện di động thân thiện, đem sách đến gần hơn với học sinh, đồng thời kêu gọi sự chung tay đóng góp của phụ huynh nhằm có thêm nguồn lực bổ sung, hỗ trợ các hoạt động đa dạng, phong phú của thư viện. Tuy nhiên về lâu dài, rất cần có thêm văn bản hướng dẫn cơ chế hoạt động mở của thư viện, đồng thời bổ sung thêm chế độ, chính sách cho những người làm công tác quản lý thư viện để họ yên tâm công tác, góp phần vào việc đổi mới giáo dục hiện nay.

Minh Quân

Tin cùng chuyên mục