Báo cáo Thủ tướng trước khi quyết định đổi mới thi cử

(SGGP).– Ngày 12-2, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã có buổi làm việc với Bộ GD-ĐT về tình hình triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Cuộc họp do đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì.

(SGGP).– Ngày 12-2, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã có buổi làm việc với Bộ GD-ĐT về tình hình triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Cuộc họp do đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì.

Tại buổi làm việc, đồng chí Vũ Ngọc Hoàng và đại diện lãnh đạo các cục, vụ (Ban Tuyên giáo Trung ương) đã đặt ra một số vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của ngành GD-ĐT. Trong đó có việc điều chỉnh phương án thi - công nhận tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014 và những năm trước mắt; vấn đề đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; vấn đề đổi mới công tác kiểm định chất lượng giáo dục; vấn đề cơ chế chính sách của các trường ĐH-CĐ ngoài công lập.

“Tất cả những đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá tuyệt đối không làm khó khăn cho phụ huynh và học sinh. Nếu có - chỉ khó cho các thầy cô giáo và cho Bộ GD-ĐT. Vì các môn thi có thể sẽ nhiều lên, phần mềm thi sẽ phải thay đổi, việc tổng hợp điều hành chấm thi, thanh tra, đánh giá thi phải thêm nhiều việc”, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.

Trao đổi những vấn đề các đại biểu đặt ra, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, quán triệt tinh thần Nghị quyết 29, qua đánh giá ưu, nhược điểm các kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm trước đây cũng như trên cơ sở tham khảo ý kiến của các nhà giáo, chuyên gia giáo dục và dư luận xã hội, Bộ GD-ĐT đã đưa ra dự kiến một số thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm sắp tới và đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của dư luận xã hội.

Về vấn đề tự chủ tuyển sinh, quan điểm của Bộ GD-ĐT là dù có tuyển sinh theo cách nào thì các trường ĐH-CĐ đều phải tự chủ tuyển sinh. Việc đổi mới môn thi tốt nghiệp THPT này sẽ theo hướng: thi 2 môn bắt buộc: Toán và Ngữ văn; cùng với đó là các môn thi tự chọn để đảm bảo sự phân hóa, phân luồng tốt từ bậc THPT. Bắt đầu từ lớp 10 bậc THPT, các học sinh sẽ có định hướng tự chọn môn thi cho mình thay vì Bộ GD-ĐT chọn như trước đây. Đây cũng là tiền đề để các em lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai. Hay vấn đề miễn giảm 20% số học sinh thi tốt nghiệp THPT, đặt ra 2 mục tiêu là học toàn diện và tránh rủi ro (việc hạn chế tốn kém kỳ thi chỉ là hệ quả) để tập dượt từng bước việc giảm nhẹ kỳ thi.

“Tất cả những đổi mới này tuyệt đối không làm khó khăn cho phụ huynh và học sinh. Các phương án này đã được bộ công khai xin ý kiến rộng rãi dư luận xã hội trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng. Trong khi vẫn đang xin ý kiến góp ý rộng rãi, Bộ GD-ĐT đã đề nghị các đại biểu dự hội nghị sơ kết học kỳ 1 và triển khai nhiệm vụ học kỳ 2 khối Sở GD-ĐT góp ý để bộ tiếp thu, xử lý và sẽ có những quyết định phù hợp. Trên cơ sở đó, bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trước khi có quyết định cuối cùng”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết.

Hôm nay 13-2, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức hội nghị quán triệt và triển khai Nghị quyết số 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; triển khai công tác học kỳ 2 năm học 2013 - 2014. Đặc biệt, bộ cũng triển khai công tác thi và tuyển sinh năm 2014 đối với khối sở GD-ĐT các địa phương.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục