Quan tâm hơn nhóm trẻ gia đình

Xung quanh vấn đề quản lý nhóm trẻ gia đình trước thềm năm học mới, chúng tôi đã đi thực tế ở các địa bàn có đông dân nhập cư, công nhân lao động của các KCN, KCX như quận 7, Bình Tân, Tân Phú và quận Thủ Đức TPHCM.

Xung quanh vấn đề quản lý nhóm trẻ gia đình trước thềm năm học mới, chúng tôi đã đi thực tế ở các địa bàn có đông dân nhập cư, công nhân lao động của các KCN, KCX như quận 7, Bình Tân, Tân Phú và quận Thủ Đức TPHCM.

Tại những địa bàn này người dân vẫn rất tín nhiệm hình thức giữ trẻ tự phát này dù đã có nhiều cảnh báo về chất lượng. Chị Nguyễn Thị Hồng Lê, công nhân KCX Tân Thuận (quận 7) cho biết, yêu cầu hồ sơ nhập học cho con phải có đầy đủ bản sao hộ khẩu TPHCM hoặc giấy tạm trú KT3, giấy xác nhận nơi làm việc của cả cha lẫn mẹ khiến hai vợ chồng dù đủ điều kiện vẫn chưa thể hoàn thành do “đầu tắt mặt tối” với tăng ca, chưa thể xin nghỉ phép để đi chứng nhận các loại giấy tờ, thủ tục. Một lý do khác, một số công nhân ở KCX Linh Trung (quận Thủ Đức) cho biết, nếu cho con học trường công, thời gian tăng ca sau 16 giờ chiều hoặc thứ bảy, chủ nhật không biết gửi con ở đâu. Trong khi đó, nếu gửi ở các nhóm trẻ gia đình, thời gian đưa đón rất linh hoạt, phụ huynh chỉ cần gửi thêm cho cô giáo 20.000 đồng/giờ tăng thêm nên đây vẫn là lựa chọn hàng đầu của nhiều công nhân.

Điều này cũng lý giải vì sao có nhóm trẻ gia đình ở quận Tân Phú, phụ huynh phải chầu chực xếp hàng, xin xỏ vất vả mới có thể gửi con. Trong khi đó, hai trường Mầm non Hoa Anh Đào (phường Tây Thạnh) và Mầm non Phượng Hồng (phường Phú Trung) dành riêng hai phòng học để tiếp nhận trẻ từ 6 - 18 tháng nhưng đến nay chỉ tiếp nhận được 3 hồ sơ. Bà Đào Thị Xuân Phương, Trưởng ban Gia đình - xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM cho biết, nhiều nhóm trẻ gia đình hiện nay đang hoạt động theo hình thức lấy công làm lời. Phụ huynh khi gửi con có gửi thêm cho giáo viên đồ ăn, thức uống của trẻ. Trong ngày, giáo viên chỉ có nhiệm vụ hâm nóng, đút cho trẻ ăn, dỗ trẻ ngủ và vệ sinh cá nhân khi cần thiết. Học phí vì thế dao động trong khoảng 500.000 - 700.000 đồng/tháng tùy vào quy mô hoạt động của từng cơ sở, nên nhận được rất nhiều tín nhiệm của phụ huynh.

Đồng quan điểm, bà Trần Thị Kim Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM phân tích về nguyên tắc, nhóm trẻ gia đình nào chưa được cấp phép hoạt động, không có đủ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên theo yêu cầu sẽ bị buộc giải tán. Nhưng trước nhu cầu gửi con quá lớn của người dân, các địa phương đang kết hợp cả hai hình thức quản lý “cứng” và “nhu”. Điểm giữ trẻ nào chưa đạt yêu cầu sẽ được nhắc nhở, ấn định thời gian cải tạo, khắc phục. Trường hợp nơi nào vẫn kiên quyết không thay đổi mới tính đến các biện pháp giải thể. Bởi “nếu cứng nhắc giải tán hết các nhóm trẻ không phép, người dân sẽ gửi con ở đâu?”, bà Thanh băn khoăn bày tỏ.

Trong điều kiện hiện nay, việc xây dựng trường lớp chưa theo kịp nhu cầu thì việc thừa nhận sự tồn tại của các loại hình giáo dục tự phát là cần thiết. Song, việc quản lý chất lượng cần đặt giữa cán cân lợi ích của người dân và nhu cầu, đòi hỏi bức thiết của xã hội. Bản thân hoạt động của các nhóm trẻ gia đình không có gì xấu. Quan trọng là cách chúng ta duy trì và hướng nó vào những chuẩn yêu cầu nhất định. Nói như chia sẻ của một số chuyên gia giáo dục mầm non, hiện nay trong báo cáo tổng kết năm học của ngành giáo dục chưa dành sự quan tâm đúng mức đến hoạt động của hình thức giữ trẻ này. Nhưng trong tương lai gần, phải xem nhóm trẻ gia đình là một trong những hình thức tổ chức đặc thù của ngành giáo dục.

THANH THU

Tin cùng chuyên mục