“Tâm” và “tài”

Mới đây, tại hội nghị tổng kết công tác thực hành sư phạm năm học 2013 - 2014 và triển khai kế hoạch thực hành sư phạm năm học 2014 - 2015 do Trường ĐH Sư phạm TPHCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP tổ chức, nhiều đại biểu đã bày tỏ lo ngại trước con số thống kê “quá đẹp” tỷ lệ sinh viên thực tập sư phạm (TTSP) đạt loại giỏi.

Mới đây, tại hội nghị tổng kết công tác thực hành sư phạm năm học 2013 - 2014 và triển khai kế hoạch thực hành sư phạm năm học 2014 - 2015 do Trường ĐH Sư phạm TPHCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP tổ chức, nhiều đại biểu đã bày tỏ lo ngại trước con số thống kê “quá đẹp” tỷ lệ sinh viên thực tập sư phạm (TTSP) đạt loại giỏi.

Th.S Trần Văn Châu, Phó phòng Đào tạo, ĐH Sư phạm TPHCM cho biết, trong tổng số 1.599 sinh viên TTSP năm học 2013 - 2014, có 1.480 em đạt loại giỏi (chiếm tỷ lệ 92,6%), 101 em xếp loại khá (6,3%), chỉ có 5 em xếp loại trung bình và 13 em xếp loại kém. Ngoài ra, năm học 2013 - 2014 đã có hơn 80% sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi; 11 sinh viên xếp loại xuất sắc, điều được xem là “xưa nay hiếm” trong lịch sử đào tạo của nhà trường.

Đánh giá về kết quả này, TS Tưởng Phi Ngọ, Phó trưởng khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm TPHCM cho biết: “Đây là vấn nạn nhiều năm nay của ngành giáo dục. Nhiều khoa có tỷ lệ 100% sinh viên TTSP đạt loại giỏi. Nếu kết quả phản ảnh đúng tình hình thực tế thì đây là điều rất đáng mừng, nhưng tôi chỉ lo kết quả này… không thật”. Minh chứng điều này, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TPHCM nêu thực tế là trong quá trình làm cán bộ chấm thi kỳ thi tuyển cán bộ, viên chức của ngành giáo dục, cá nhân ông đã ghi nhận rất nhiều trường hợp ứng viên “yếu” về phương pháp giảng dạy. Đơn cử như một số kỹ năng sư phạm sinh viên chưa được chuẩn bị chu đáo như chữ viết xấu, trình bày bảng còn tùy tiện, phát âm nhỏ hay sử dụng từ ngữ địa phương… Ông Quốc băn khoăn đặt câu hỏi: “Vì sao kết quả thực tập ở trường ĐH khá cao nhưng khi ứng tuyển vào các vị trí việc làm, kỹ năng làm việc của các em lại yếu?”.

Ở góc độ khác, Th.S Huỳnh Công Ba, Trưởng phòng Công tác chính trị và học sinh, sinh viên, Trường ĐH Sư phạm TPHCM không ngần ngại gọi đây là hệ quả của căn bệnh thành tích. Năm nào kết quả thực tập cũng khá cao nhưng khi tốt nghiệp ra trường, các em không đáp ứng được yêu cầu công việc thì những con số “đẹp như mơ” đó cũng không có ý nghĩa gì. Ngoài ra, cô Huỳnh Thị Bích Vân, giáo viên Trường THPT Nguyễn An Ninh (quận 10) cho biết, có trường hợp sinh viên trong suốt thời gian thực tập không lên lớp được tiết nào do tất cả giờ giáo viên bộ môn lên lớp đều trùng với lịch học ở trường ĐH của các em. “Điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng thực tập, trong đó thiệt thòi lớn nhất vẫn thuộc về sinh viên”, cô Vân bày tỏ.

Trước tất cả những ý kiến đó, đại diện Trường ĐH Sư phạm TPHCM và Sở GD-ĐT TP cho biết sẽ xem xét để có sự điều chỉnh, bố trí lại thời gian thực tập phù hợp với nhu cầu và mong muốn của sinh viên. Bên cạnh đó, đối với kết quả TTSP, lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm TPHCM cũng kêu gọi sự chung tay, chia sẻ tinh thần trách nhiệm của các trường phổ thông trong việc đào tạo nguồn nhân lực, cán bộ, giáo viên trẻ trong tương lai. Đó cũng là mong muốn chung của tất cả những người làm công tác giáo dục. Một cá nhân tài năng không thể chỉ dựa vào quá trình đào tạo ở trường ĐH mà cần có sự tham gia bồi dưỡng, rèn luyện, kể cả đào thải từ thực tế môi trường lao động của xã hội để các bạn sinh viên - những người chủ tương lai của đất nước có đủ cả “tâm” và “tài” trong quá trình đóng góp, phục vụ xã hội sau này.

MINH QUÂN

Tin cùng chuyên mục