Đề án sách giáo khoa điện tử và máy tính bảng: Cần cân nhắc kỹ

Sau khi Báo SGGP đăng bài “Đề án sách giáo khoa điện tử và máy tính bảng - Cần chọn phương án khả thi”, chúng tôi ghi nhận thêm nhiều ý kiến đa chiều góp ý cho chủ trương hiện đại hóa trường học của TPHCM.

Lê Hùng Sen, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Củ Chi: Thí điểm ở mỗi cấp học từ 1 đến 2 lớp

Hiện nay, việc trang bị bảng tương tác ở các trường mầm non, tiểu học đã phát huy tác dụng, tạo sự hứng khởi cho học sinh ngoại thành trong việc học ngoại ngữ và các môn học khác. Tuy nhiên, với thực tế và điều kiện kinh tế của phụ huynh ở huyện Củ Chi, chúng tôi nhận thấy việc thực hiện đề án “Sách giáo khoa điện tử và máy tính bảng” không thể theo hướng đại trà. Nếu triển khai thì chúng tôi dự kiến làm thí điểm, chọn mỗi cấp học trang bị 1-2 lớp, rồi rút kinh nghiệm, lắng nghe ý kiến của phụ huynh, học sinh về lợi ích, tiện ích được thụ hưởng những phòng học thông minh này. Sau đó, nếu vận động được phụ huynh đồng thuận mới nhân rộng thêm mô hình này.

Hiệu phó một trường tiểu học ở quận Gò Vấp: Không nên tạo tâm lý nặng nề cho phụ huynh

Mục tiêu của đề án hướng đến việc giảm gánh nặng sách vở cho học sinh, cải tiến phương pháp giảng dạy theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế sẽ nhận được sự đồng thuận của xã hội. Tuy nhiên, nếu triển khai thực hiện cần tính toán thời điểm, phương án thực hiện cụ thể, rõ ràng, tránh gây sốc cho phụ huynh. Do hiện nay đã cận kề ngày lễ khai giảng, các trường đang bận rộn triển khai nhiều công tác chuẩn bị cho năm học mới nên nếu đưa đề án vào thực hiện ngay từ học kỳ 1 sẽ rất cập rập, không có thời gian chuẩn bị tâm lý cho phụ huynh. Đó là chưa kể đầu năm có rất nhiều khoản phí phụ huynh phải đóng góp, nếu gộp chung cả tiền mua máy tính bảng sẽ tạo thêm tâm lý nặng nề cho phụ huynh.

Với người dân ở các huyện ngoại thành, không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện trang bị các loại thiết bị hiện đại cho con. Cách đây mấy năm, chỉ với việc có nên gắn máy lạnh trong phòng học của học sinh hay không cũng đã có rất nhiều ý kiến trái chiều của phụ huynh. Sau đó đến bảng tương tác và giờ là máy tính bảng. Nếu làm không khéo sẽ khiến khoảng cách giữa các trường nhà giàu - trường nhà nghèo, lớp VIP - lớp không VIP càng thêm rõ rệt. Đây là vấn đề nhạy cảm, vì thế cần có lộ trình triển khai và lắng nghe thêm nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia lẫn phụ huynh, học sinh - những người trực tiếp thụ hưởng các tiện ích của đề án.

Nguyễn Thị Tuyết Nhung (hẻm 594 đường Điện Biên Phủ quận 10): Nên ưu tiên xây trường lớp khang trang, giảm sĩ số

Cháu của tôi đang học trong một ngôi trường ở ngay trung tâm TPHCM (quận 10) nhưng nó có hình hài nhỏ bé nhất nhì TPHCM. Đó là Trường Tiểu học Điện Biên với những phòng học ẩm thấp, xuống cấp, thiếu đủ thứ… Phụ huynh chúng tôi và các con chỉ mong ước được học trong ngôi trường khang trang, có sân chơi, có cây xanh… nhưng chẳng biết đến bao giờ thì nó trở thành hiện thực? Trong điều kiện TPHCM còn nhiều trường không ra trường, lớp không ra lớp, nhất là thiếu sân chơi, sĩ số lớp học quá đông, trên dưới 50 em, thiếu phòng thí nghiệm, phòng thực hành… thì có nên đầu tư lớp học, trường học thông minh hay không? Theo tôi, việc làm đầu tiên là hiện đại hóa trường lớp bằng cách xóa sổ ngay những ngôi trường không đủ chuẩn tối thiểu để đầu tư xây thêm nhiều trường lớp khang trang, có đủ điều kiện cho học sinh rèn luyện thể lực, được học các môn kỹ năng…

Anh Lê Hoàng Minh, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (quận Bình Thạnh): Cần làm rõ tính khoa học và tác động hai chiều của máy tính bảng

Trước đây, các chuyên gia giáo dục đã từng cảnh báo chúng tôi không nên cho con tiếp xúc với điện thoại di động, máy tính bảng từ quá sớm, tránh gây những tác hại như giảm hành vi ngôn ngữ, khả năng giao tiếp và độ an toàn thị lực của học sinh. Nay nếu ngành giáo dục TP triển khai thêm một đề án liên quan đến các vấn đề công nghệ thông tin thì cần chứng minh cho chúng tôi thấy mức độ sử dụng như thế nào là an toàn, thời gian tiếp xúc bao lâu để không ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh. Cần làm rõ tính khoa học, tác động hai chiều thuận và nghịch của máy tính bảng đối với học sinh các cấp.

Hơn nữa, tôi thấy nhiều trường tiểu học hiện nay đang thực hiện rất tốt mô hình “Tủ sách giáo khoa tại lớp”, học sinh nào lỡ quên mang theo sách có thể sử dụng tạm bộ sách giáo khoa dùng chung cho cả lớp. Như vậy thay vì mỗi em phải bỏ ra gần 5 triệu đồng mua một cái máy tính bảng, vì sao không tính đến phương án mỗi lớp học chỉ cần trang bị 9-10 cái để một nhóm 4, 5 học sinh dùng chung? Trong đó, giáo viên có thể luân phiên phân công công việc cho từng nhóm, vừa tiết kiệm chi phí, phát huy khả năng làm việc tập thể vừa giảm tổng thời gian một học sinh tiếp xúc quá lâu với màn hình vi tính. Nói tóm lại về mặt tiện ích cho học sinh, tôi không có gì phản đối nhưng thực hiện thế nào, phạm vi, thời lượng áp dụng vào các môn học ra sao, tôi thấy đề án chưa thật sự có nghiên cứu kỹ lưỡng.

Lê Thị Anh (phụ huynh học sinh Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, quận 1): Phải đặt lợi ích của học sinh lên trên hết

Có điều kiện đi nước ngoài tham quan, tôi thấy học sinh của các nước có nền giáo dục phát triển được học trong môi trường học tập hiện đại, đầy đủ trang thiết bị, phòng học khang trang… Tôi ao ước bao giờ TPHCM mới có được những lớp học, trường học như thế và học sinh cảm thấy việc học nhẹ nhàng, mang tính khám phá hơn là áp đặt, nhồi nhét kiến thức. Đầu tư cho giáo dục thì không thể chậm trễ và sợ tốn kém. Phụ huynh sẽ ủng hộ nếu tính khoa học, hiệu quả của việc trang bị máy tính bảng, sách giáo khoa điện tử mang lại. Vấn đề là đặt lợi ích của học sinh lên trên hết và khâu tổ chức, đấu thầu phải công khai, minh bạch, có giám sát chặt chẽ để việc đầu tư hiệu quả, thiết bị đưa vào trường học đạt chất lượng, giá thành thấp nhất…

NHÓM PV


Tranh cãi về “iPad hóa” trong trường học

Trên thế giới, số lượng những người sở hữu những đồ chơi công nghệ như máy tính bảng liên tục tăng cao trong những năm qua. Đặc biệt là trẻ em trong độ tuổi cắp sách đến trường. Liệu máy tính bảng có gây hại cho sự phát triển của các em hay đơn thuần chỉ khuyến khích về mặt “ trí thông minh công nghệ”? Những câu hỏi này vẫn gây tranh cãi.

Báo Guardian (Anh) nêu dẫn chứng tại một trường mẫu giáo ở TP Bath, thuộc hạt Somerset. Theo chương trình Snapdragons, trang bị máy tính bảng không chỉ ở độ tuổi từ tiểu học trở lên mà ngay cả ở lứa tuổi mẫu giáo, nhằm khuyến khích các em sớm tiếp xúc với công nghệ. Chương trình Snapdragons làm tăng doanh số bán máy tính bảng tại Anh do nhu cầu của các bậc phụ huynh. Theo nghiên cứu của Ofcom, tỷ lệ các gia đình sử dụng máy tính bảng của Anh đã tăng từ 20% trong năm 2012 lên 51% vào năm 2013.

Tuy được sử dụng rộng rãi tại trường học nhưng tại Anh vẫn có rất nhiều chuyên gia giáo dục tỏ ra không mặn mà với sáng kiến này. Họ cho rằng máy tính bảng thích hợp cho việc giải trí hơn là cho việc học tập. Không loại trừ khả năng đáng lẽ dùng iPad để giải toán thì học sinh lại dùng để truy nhập các trang giải trí, thậm chí những trang giải trí độc hại. Những chuyện đáng tiếc đã xảy ra tại Mỹ, nơi có hệ thống trường học công lập được khuyến khích sử dụng iPad và tặng iPad miễn phí. Các em học sinh ở một số trường đã tìm cách mở khóa các chương trình như YouTube, Facebook và các chương trình game để phục vụ nhu cầu giải trí, thay vì chỉ chăm chú nghiên cứu thêm các bài giảng trên mạng.

Mỹ vẫn là quốc gia đi đầu trong việc sử dụng công nghệ cao trong các bài giảng. Theo Hiệp hội Cửa hàng sách giáo khoa của Mỹ, trung bình hàng năm mỗi học sinh Mỹ phải chi 700 USD cho tiền mua sách giáo khoa. Với việc sử dụng iPad, chi phí sẽ giảm đi rất nhiều và chỉ phải đầu tư mua một lần. Hầu hết các công ty in sách giáo khoa lớn ở Mỹ đang nhanh chóng biến đổi nội dung sách giáo khoa in thành dữ liệu số. Các trường học khuyến khích các nhà xuất bản sách giáo khoa điện tử giảm giá thành để học sinh có cơ hội sử dụng nhiều hơn. Một số trường đại học cũng trao iPad miễn phí cho sinh viên. ipad cũng là sự lựa chọn thay thế máy tính để bàn trong công việc của các khoa chuyên ngành. Các mẫu máy tính bảng sẽ cài sẵn ứng dụng giáo dục và các chương trình khác để hỗ trợ quá trình nghiên cứu. Chương trình nhằm phổ cập công nghệ mới cũng như giúp tìm kiếm kiến thức mà có thể nhiều sinh viên đang không được sở hữu.

Các nhà hoạch định chính sách giáo dục châu Á đang băn khoăn với vấn đề khi sử dụng máy tính bảng, các em học sinh dễ dàng bị lôi cuốn vào những thú vui giải trí hơn là học tập. Do vậy, sau thời gian thí điểm, nếu nhận thấy các yếu tố hiệu quả và tích cực được thể hiện rõ rệt, các nước châu Á sẽ đi tới quyết định cuối cùng để triển khai máy tính bảng đến trường học trong cả nước.

PHƯƠNG NAM

Tin cùng chuyên mục