Cười xong rồi… buồn!

Không phải vô cớ thời gian gần đây, dư luận thường tỏ vẻ hoài nghi, thậm chí lo lắng trước những “sáng tạo” về mặt chủ trương, quyết sách mới của ngành giáo dục.

Mới đây nhất là vụ phụ huynh một trường tiểu học ở thủ đô Hà Nội truyền tay nhau bản cam kết giữa gia đình, học sinh và nhà trường. Trong đó có những điều khoản như “Không hút thuốc lá. Không thử và sử dụng ma túy dưới mọi hình thức. Không bao che, buôn bán, vận chuyển và tàng trữ ma túy. Không điều khiển xe máy khi chưa có giấy phép lái xe. Không tham gia đua xe và cổ vũ đua xe máy…”.

Sẽ không có gì đáng nói nếu những quy định trên được áp dụng cho học sinh cấp 3. Nhưng đằng này, đối tượng được yêu cầu ký cam kết lại là những học sinh lớp 1. Thật khó để hình dung cảnh những đứa trẻ “ăn cơm còn phải đút, tự mặc quần áo chưa xong” lại có khả năng làm những điều “phi thường” đến như vậy. Mặc dù sau đó không lâu, vị hiệu trưởng của ngôi trường nói trên đã đăng đàn giải thích đó chỉ là mẫu biên bản cam kết chung cho cả khối tiểu học, bao gồm từ học sinh lớp 1 đến lớp 5. Sau khi có phản ảnh của phụ huynh, nhà trường sẽ tự điều chỉnh để không lặp lại những nội dung khiên cưỡng đó. Song câu chuyện vẫn có sức lan truyền mạnh mẽ, đủ để trở thành tiểu phẩm hài trong các cuộc “trà dư tửu hậu”.

Cách đây không lâu, báo chí từng hao tốn nhiều giấy mực trước quy định cộng điểm thưởng trong kỳ thi đại học, cao đẳng cho đối tượng là các bà mẹ Việt Nam anh hùng. Mặc dù đề xuất này đã nhanh chóng bị “dập” từ trong trứng nước và hiện tại đã bãi bỏ nhưng cũng kịp khiến dư luận râm ran suốt thời gian dài. Xâu chuỗi lại cả hai sự việc, một bên là quy định cấm học sinh lớp 1 đua xe và tàng trữ ma túy, một bên khuyến khích những thí sinh U.70, 80 đi thi đại học.

Có thể thấy chưa bao giờ nền giáo dục nước ta lại có nhiều chuyện cười ra nước mắt đến như vậy. Nhưng đằng sau tiếng cười ấy là gì nếu không phải là những tiếng thở dài ngao ngán, những cái tặc lưỡi bao gồm cả vị đắng của sự chua chát và mỉa mai. Trong khi xã hội đang mong chờ những chủ trương, quyết sách lớn như thay đổi chương trình sách giáo khoa, đổi mới phương pháp dạy học và thi cử thì hy vọng đó vẫn mịt mờ. Đành là không có sự lột xác nào dễ dàng cả, nhưng cái cách mà chúng ta đang loay hoay cải tiến, thay đổi, than ôi là buồn!

TÚ ANH

Tin cùng chuyên mục