Họa khôn lường!

Đầu tuần qua, tại Trường THPT Kim Bảng A, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam đã xảy ra một vụ tai nạn hi hữu khiến 6 học sinh bị thương phải đưa vào viện cấp cứu. Ông Nguyễn Thái Hùng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngay trước giờ làm lễ chào cờ, học sinh các lớp đang ùa ra sân xếp hàng thì bất ngờ cây phượng lâu năm ở sân trường bị bật gốc, ngã đè lên một nhóm học sinh lớp 10. Rất may là hậu quả không nghiêm trọng nhưng vụ việc một lần nữa báo động về tình trạng mất an toàn ở trường học hiện nay.

Một tuần trước đó, dư luận từng bàng hoàng xen lẫn đau xót trước vụ tai nạn thương tâm cướp đi sinh mạng của hai học sinh tiểu học. Theo lời kể của các nhân chứng, trước giờ vào lớp chiều 12-9, một bồn nước đặt trên kệ sắt ở phía sau tòa nhà Ban giám hiệu của Trường Tiểu học xã Diễn Tháp, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An bất ngờ đổ sập đè lên người 3 học sinh đang ngồi chơi gần đó. Chỉ có em Ngô Sỹ Hoàng (học sinh lớp 5) may mắn thoát chết, hai học sinh còn lại là Nguyễn Tiến Phi và Trương Tiến Mạnh tử vong tại chỗ.

Theo ông Đậu Xuân Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Tháp, vụ việc đáng tiếc xảy ra khi bồn chứa vừa được bơm đầy nước. Do trường đang trong thời gian duy tu, sửa chữa nên bồn nước không đặt trên mái ngói mà được đưa xuống để tạm trên giá đỡ bằng sắt. Thời điểm xảy ra tai nạn có thể do tác động khách quan của thời tiết, cộng với trọng lượng tương đối lớn của bồn nước nên giá đỡ không trụ nổi, gây ra tai nạn đau lòng nói trên.

Danh sách những vụ tai nạn thương tâm chưa dừng ở đó khi vào cuối năm học 2013 - 2014, một học sinh mầm non ở quận 9, TPHCM tử vong do bị cánh cửa tủ thư viện đổ xuống đè lên người khi đang đi tham quan trường tiểu học. Cách đó vài tháng, đầu năm 2014, tại Trường THCS Nguyễn Khuyến, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk cũng xảy ra trường hợp học sinh đang chơi đùa ở khu nhà đa năng thì bị một cánh cửa sắt của khu nhà đổ xuống đè lên người. Do thương tích quá nặng nên học sinh này đã tử vong trên đường đưa đi cấp cứu.

Tất cả sự việc nói trên đều được xem là tai nạn bất ngờ “trên trời rơi xuống”. điều khiến dư luận lo lắng là mức độ an toàn của các công trình xây dựng trong trường học hiện nay quá kém. Vì sao một môi trường vốn được mệnh danh là an toàn, thân thiện, nơi có trách nhiệm tổ chức công tác chăm sóc và giáo dục học sinh lại là nơi cướp đi sinh mạng các em?

Tai nạn là ngoài ý muốn, nhưng nếu những người có trách nhiệm làm tốt công tác duy tu, bảo quản các công trình xây dựng thì đã hạn chế được rất nhiều nguy hại ảnh hưởng sức khỏe và tính mạng học sinh. Tôi nhớ cách đây không lâu, từng có một bài báo viết về đề tài nỗi sợ của phụ huynh khi nhận những cú điện thoại bất ngờ từ giáo viên. Gởi con đến trường, cha mẹ nào cũng muốn dành những gì tốt đẹp nhất cho con mình, đâu ai ngờ đó lại là nơi tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Mặc dù vào mỗi đầu năm học, ngành giáo dục đều đề ra kế hoạch phòng chống tai nạn thương tích trong nhà trường. Tuy nhiên thiết nghĩ nếu không làm tốt công tác quản lý, trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm giám sát của hiệu trưởng thì những việc đau lòng như trên sẽ còn tiếp diễn. Mọi kết quả truy cứu trách nhiệm, chia buồn hay xin lỗi đều trở thành vô nghĩa nếu ngay từ đầu, các trường lơ là kiểm duyệt chất lượng thi công các công trình. Khi chẳng may tai nạn xảy ra, họa sẽ khôn lường!

MINH QUÂN

Tin cùng chuyên mục