Đào tạo giáo viên: Thừa về lượng, yếu về chất

Mới đây, tại Hà Nội, đã diễn ra hội thảo “Đào tạo giáo viên trong các trường đại học đa ngành, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục”. Một thực tế đáng lo đặt ra hiện nay: Nếu không quy hoạch kịp thời sẽ khủng hoảng thừa giáo viên; trong khi đó, vẫn không đáp ứng được về “chất”.
Đào tạo giáo viên: Thừa về lượng, yếu về chất

Mới đây, tại Hà Nội, đã diễn ra hội thảo “Đào tạo giáo viên trong các trường đại học đa ngành, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục”. Một thực tế đáng lo đặt ra hiện nay: Nếu không quy hoạch kịp thời sẽ khủng hoảng thừa giáo viên; trong khi đó, vẫn không đáp ứng được về “chất”.

Thừa trên 70.000 giáo viên

Tại hội thảo, PGS-TS Bùi Văn Quân, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, đưa ra dự báo, đến năm 2018, số sinh viên sư phạm ra trường mỗi năm (theo loại hình giáo viên) gồm: tiểu học 19.200, THCS 18.700 và THPT 23.030 người. “Cho dù tăng số học sinh/giảng viên bình quân lên tương đương các nước công nghiệp phát triển, thì tại thời điểm năm 2020, hệ thống cũng không thể tuyển dụng hết số giảng viên mới tốt nghiệp ra trường, vẫn thừa khoảng 41.000 đối với tiểu học, 12.200 với THCS và 16.900 với THPT”, PGS-TS Bùi Văn Quân cảnh báo.

Theo thống kê, hiện nay trừ tỉnh Đắk Nông, trên địa bàn mỗi tỉnh, thành phố đều có ít nhất một cơ sở đào tạo giáo viên. Vùng miền núi và Trung du phía Bắc có 19 cơ sở; đồng bằng sông Hồng 26; Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ 23; Tây Nguyên 8; Đông Nam bộ 18 và ĐBSCL 14 cơ sở đào tạo giáo viên.

Giáo viên Trường THPT Nguyễn Thái Bình (Tân Bình TPHCM) trong giờ ôn thi môn tiếng Anh (Ảnh: MAI HẢI)

Đánh giá thực tế đào tạo giáo viên, theo PGS-TS Bùi Văn Quân, hệ thống đào tạo giáo viên hiện nay bộc lộ nhiều hạn chế. Điển hình như phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu phát triển giáo viên. “Mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên phát triển thiếu ổn định do nhiều trường cao đẳng sư phạm yếu cả về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên được nâng cấp lên đại học, hoặc đổi tên để mở rộng tuyển sinh đào tạo trình độ đại học các ngành sư phạm và ngoài sư phạm. Chưa có sự phân tầng trong mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên”, ông Quân nêu ra thực trạng.

Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo giáo viên chưa gắn kết chặt chẽ với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, chưa chú ý đúng mức đến các điều kiện đảm bảo chất lượng nên phát triển thiếu bền vững, năng lực cạnh tranh thấp. Hầu hết các cơ sở đào tạo giáo viên tập trung chủ yếu vào việc đào tạo mới và đào tạo nâng cao trình độ, chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động đào tạo lại và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. “Cơ cấu mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên, nhất là cơ cấu theo địa bàn lãnh thổ (mỗi tỉnh/thành phố có ít nhất 1 cơ sở đào tạo giáo viên) và phương thức đào tạo giáo viên truyền thống (đào tạo song song) đã hoàn thành vai trò, sứ mệnh lịch sử của nó”, PGS-TS Bùi Văn Quân nhấn mạnh.

Tăng thời gian thực tập sư phạm

Từ thực tế trên, theo PGS-TS Bùi Văn Quân, để không rơi vào khủng hoảng thừa giáo viên, cần phải thiết kế cơ cấu các cơ sở đào tạo giáo viên dựa trên dự báo nhân lực giáo dục với sự đa dạng các phương án. Cùng với đó, thiết kế cơ cấu mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên phải chú ý đến tính đa dạng về mô hình/phương thức đào tạo. Mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên phải được phân tầng, ví dụ có một số cơ sở đào tạo giáo viên chỉ thực hiện nhiệm vụ đào tạo giáo viên trình độ cao.

Để nâng chất lượng đào tạo giáo viên, PGS-TS Nguyễn Mạnh An, Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa), đề nghị cần có cơ chế, chính sách để thu hút được đông đảo học sinh giỏi vào học những ngành sư phạm tại các trường đại học địa phương. Bởi thực tế hiện nay, đầu vào của thí sinh trúng tuyển vào học tập tại các trường đại học địa phương tương đối thấp về mặt chất lượng, làm ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra, trong đó có đội ngũ giáo viên.

“Các trường đại học địa phương nên có các lớp chất lượng cao về một số ngành mũi nhọn. Đây sẽ là những lớp thu hút được các thí sinh đầu vào có chất lượng. Đồng thời tạo cơ chế, điều kiện tốt cho các em sinh viên học tập; dạy bằng chương trình tiếng Anh; đào tạo gắn với sử dụng. Đây là con đường trực tiếp đào tạo được đội ngũ giáo viên có chất lượng”, PGS-TS Nguyễn Mạnh An đề xuất. Thực tế, hiện nay, Trường ĐH Hồng Đức đang tiến hành đào tạo các lớp chất lượng cao ngành toán, ngành sư phạm nhằm cung cấp nguồn giáo viên chất lượng.

Th.S Trần Thị Huệ (ĐH Thủ đô Hà Nội) chỉ ra kinh nghiệm đào tạo sư phạm tại Israel cho thấy, thời gian thực tế, thực tập sư phạm tại trường phổ thông rất nhiều. Thậm chí có năm học, sinh viên sư phạm phải dành toàn thời gian đi thực tế sư phạm ở trường phổ thông. Khi tốt nghiệp, họ phải tham gia các khóa học dành cho giáo viên mới, do giáo viên phổ thông giàu kinh nghiệm hướng dẫn. Trong khi đó, đào tạo sư phạm ở Việt Nam hiện nay, kể cả ở ĐH Thủ đô Hà Nội, ĐH Sư phạm Thái Nguyên, ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội)…, thời gian thực tập, kiến tập của sinh viên sư phạm rất ít ỏi, chỉ chiếm từ 3%-5% tín chỉ học tập của sinh viên. Đó là lý do mà Th.S Trần Thị Huệ kiến nghị phải tăng thời gian thực tập sư phạm. Phân bố thời gian thực tập sư phạm tại trường phổ thông đều trong suốt quá trình học tập tại các trường sư phạm (ví dụ 1 ngày/tuần trong suốt năm thứ nhất, 2 ngày/tuần trong suốt năm thứ hai và năm thứ ba). Cùng với đó, phối hợp giữa giảng viên của cơ sở đào tạo với giáo viên trường phổ thông.

Đáng chú ý, các đại biểu đề nghị phải xác định rõ yêu cầu và chế tài về đào tạo giáo viên ở các cơ sở giáo dục đại học đa ngành.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục