Đằng sau niềm vui không tăng học phí…

Đằng sau niềm vui không tăng học phí…

Mới đây, tại hội nghị chuyên đề về công tác chuẩn bị năm học mới 2016-2017 do Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM, vui mừng cho biết học phí năm học 2016-2017 không tăng so với năm học trước, quy định về các khoản chi trên đầu học sinh do Sở Tài chính ban hành vẫn giữ mức như năm học 2015-2016.

Đây là tin vui đối với cha mẹ học sinh, trong tình hình một số tỉnh, thành trên cả nước đã thông báo tăng nhẹ học phí. Đặc biệt, trong bối cảnh giáo dục cả nước đang hướng đến mục tiêu đổi mới cơ bản, toàn diện nền giáo dục. Trong đó, nhiệm vụ đổi mới từng “thành tố” như cải tiến phương pháp dạy và học, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên, nâng cấp cơ sở vật chất đều liên quan đến vấn đề “đầu tiên” - tiền đâu như cách nói vui của nhiều lãnh đạo đơn vị.

Giờ ăn trưa ở trường mầm non Hoàng Mai. Ảnh: Mai Hải

Không tăng học phí, trong bối cảnh thị trường năm sau luôn có tỷ lệ trượt giá nhất định so với năm trước, giá cả mọi thứ từ lương bổng, điện, nước, đồ dùng dạy học, thực phẩm đều tăng. Điều này đồng nghĩa với yêu cầu những người làm công tác tổ chức và quản lý giáo dục sẽ nặng đầu hơn với bài toán thu chi đầu năm học, phải làm sao vừa ổn định mức thu học phí, vừa nâng cao chất lượng giảng dạy, đãi ngộ xứng đáng cho các thầy cô giáo giúp họ yên tâm công tác. Người viết từng chứng kiến nhiều lãnh đạo đơn vị trường học trên địa bàn TP phải vận động doanh nghiệp tài trợ, hoặc xoay đủ cách như cho thuê mặt bằng, cho các nhãn hàng vào trường giới thiệu sản phẩm… đều không ngoài mục đích tăng thêm nguồn thu cho đơn vị. Ở góc độ quản lý, đây là vấn đề hết sức nhạy cảm vì nếu làm không khéo sẽ gặp phản ứng của phụ huynh, sự lên án của xã hội. Nội hàm hai chữ “giáo dục” vốn không nên có bất kỳ liên quan gì đến các yếu tố kinh doanh, lợi nhuận. Song, nếu chỉ trông chờ vào khoản thu học phí và các quy định thu chi hiện nay của ngành giáo dục, trường học sẽ rất khó thực hiện công tác đổi mới. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, những đơn vị tiên phong đổi mới là những nơi thực hiện tốt công tác xã hội hóa, trong đó người hiệu trưởng phải mạnh dạn đầu tư, biết cân đối giữa các quy định chung và khả năng “vận động riêng” của đơn vị để đem lại môi trường học tập tốt nhất cho học sinh.

Riêng yêu cầu liên quan đến chất lượng dinh dưỡng, tại nhiều cuộc họp giao ban, hội nghị tổng kết năm học gần đây, vấn đề này đã được “xới” lên rất nhiều lần nhưng đến nay vẫn là trăn trở chưa được giải quyết của nhiều đơn vị. Phó hiệu trưởng một trường tiểu học công lập trên địa bàn TPHCM bày tỏ, các yêu cầu về chất lượng bữa ăn học sinh ngày càng cao, trong đó phải đảm bảo rất nhiều quy định như đủ 4 nhóm thực phẩm, tăng cường thực phẩm nguồn gốc tự nhiên, có xuất xứ hàng hóa rõ ràng, thực đơn thay đổi liên tục trong tuần, đáp ứng các mục tiêu về thể trạng, dinh dưỡng cho học sinh. Song với mức thu bán trú hiện nay, từ 20.000 - 30.000 đồng/ngày/học sinh tùy quận, huyện, các trường phải hết sức gói ghém, phân bổ chi phí đến từng quả chanh, lạng thịt mới có thể đáp ứng cùng lúc hai yêu cầu “khéo co” để vẫn “đủ ấm” cho học sinh.

Qua đó cho thấy, để thực hiện yêu cầu đổi mới toàn diện, ngành giáo dục đang đứng trước nhiều thử thách và áp lực. Khi mọi lĩnh vực đều vận động theo cơ chế thị trường, bản thân giáo dục không đứng ngoài guồng quay đó. Tuy nhiên, làm sao để vừa đáp ứng các mục tiêu phát triển, vừa không tạo thêm áp lực cho phụ huynh luôn là bài toán khó, đòi hỏi sự linh hoạt, cái đầu tổ chức của những người lãnh đạo ở các đơn vị giáo dục.

MINH QUÂN

Tin cùng chuyên mục