Hàn Quốc có tân Tổng thống

Ông Moon Jae In đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc ngày 9-5 và trở thành chủ nhân mới ở Nhà Xanh
Ông Moon Jae In
Ông Moon Jae In
Tổng thống thứ 12 của Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với các thách thức quốc nội và quốc tế nghiêm trọng và sẽ có nhiều việc phải làm sau khi nhậm chức vào ngày hôm nay (10-5).
Chiến thắng của quan điểm tự do và tiến bộ 
Đêm 9-5, ứng cử viên theo trường phái tự do, cựu Chủ tịch đảng Dân chủ đồng hành Moon Jae In đã tuyên bố chiến thắng. Mặc dù kết quả chính thức chưa được công bố, nhưng những khảo sát về kết quả bỏ phiếu cho thấy ông Moon Jae In đã giành tỷ lệ ủng hộ vượt trội và bỏ xa 4 ứng viên còn lại sau 60 ngày tranh cử gấp rút và quyết liệt. Ông Moon Jae In dẫn đầu với 41,4% phiếu bầu, theo sau là ông Hong Joon Pyo với 23,3%. Ông Ahn Cheol Soo xếp ở vị trí thứ 3. Cuộc thăm dò do 3 đài truyền hình lớn nhất Hàn Quốc MBC, KBS và SBS tiến hành. Tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 77,2% - mức cao nhất trong một cuộc bầu cử tổng thống ở Hàn Quốc trong vòng hai thập kỷ qua - cho thấy công chúng quan tâm lớn với sự thay đổi chính quyền, sau bê bối tham nhũng liên quan đến cựu tổng thống Park Geun-hye. 
Ông Moon Jae In, 64 tuổi, là một luật sư, được xem là chính khách có quan điểm tự do và tiến bộ. Hồi năm 2012, ông Moon cũng ra tranh cử tổng thống nhưng thua cuộc trước bà Park Geun-hye. Theo giới quan sát, một lợi thế lớn giúp ông Moon chiến thắng chính là vì rất nhiều cử tri do giận dữ với bà Park nên ghét lây cả ứng cử viên từ đảng của bà này. Ông Moon ủng hộ chính sách đối thoại và khuyến khích sự thay đổi nên rất được giới trẻ Hàn Quốc ủng hộ. 

Tuy nhiên, ngay cả khi ông Moon giành chiến thắng, Quốc hội Hàn Quốc vẫn sẽ bị chia rẽ cho tới khi một cuộc bầu cử lập pháp tiếp theo vào tháng 4-2020, trong khi Đảng Minjoo của ông Moon chỉ có 119 ghế và hiện không có bất cứ đảng của ứng cử viên nào có hơn 150 ghế/tổng số 300 ghế. Bởi vậy, sau khi giành chiến thắng, ông Moon và đảng của mình cũng sẽ phải đàm phán với các đảng khác để thông qua các luật. 
Thách thức của tân Tổng thống
Một trong các vấn đề thách thức nhất đối với vị tổng thống mới sẽ là làm thế nào để hàn gắn một xã hội Hàn Quốc đang bị chia rẽ bởi những người muốn một cuộc cải cách kinh tế, chính trị căn bản và những người duy trì sự thông cảm cho Tổng thống bị phế truất Park Geun-hye. 
Về vấn đề đối ngoại, theo giới quan sát, khi ông Moon làm Tổng thống, một trong những vấn đề sẽ thay đổi nhiều nhất là quan hệ Hàn Quốc - Triều Tiên. Vì từng làm việc và trung thành với cố Tổng thống Roh Moo-hyun - người theo đuổi “Chính sách Ánh Dương”, ông Moon có thể sẽ tiêp tục thúc đẩy đối thoại với Triều Tiên. 
Về quan hệ với Mỹ, trong khi chính quyền Tổng thống Donald Trump muốn xem xét và sửa đổi thỏa thuận thương mại tự do Mỹ - Hàn, thì ông Moon lại đặt nghi vấn về lợi ích của việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên. Tân Tổng thống phải tính toán lại mối quan hệ với Mỹ sao cho không làm xấu đi mối quan hệ với 2 nước láng giềng lớn là Nga và Trung Quốc. Thậm chí, theo giới phân tích, ông Moon là người có xu hướng hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc. Chiến thắng của ông Moon là phần thưởng cho Bắc Kinh và đòn giáng mạnh cho Washington. 
Phát biểu trước báo giới ngày 9-5, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida hy vọng tăng cường phối hợp với chính quyền sắp tới của Seoul để giải quyết các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa ngày càng gia tăng từ Triều Tiên. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý trong cuộc đua vào Nhà Xanh lần này là cả 5 ứng cử viên sáng giá đều chủ trương hủy bỏ hoặc xem xét lại thỏa thuận Nhật - Hàn ký năm 2015.

Tin cùng chuyên mục