Thế giới chống nạn “du lịch ghép tạng” - Bài 1: Cú “hích” từ “Tuyên bố Istanbul”

Thế giới chống nạn “du lịch ghép tạng” - Bài 1: Cú “hích” từ “Tuyên bố Istanbul”

(SGGP 12G).- Tờ tạp chí y học rất có uy tín của Mỹ Clinical Journal of the American Society of Nephrology (CJASN) thông báo sẽ đăng một bài viết ủng hộ “Tuyên bố Istanbul về buôn bán nội tạng và ghép tạng” trong số tháng 9-2008. Việc ủng hộ bản tuyên bố do 150 quan chức chính phủ và các nhà khoa học đến từ 78 quốc gia soạn thảo tháng 5-2008 được coi là một cú “hích” mới, thúc đẩy cuộc chiến chống nạn “du lịch ghép tạng” đang không ngừng phát triển trên thế giới.

Mất cân bằng cung - cầu

Thế giới chống nạn “du lịch ghép tạng” - Bài 1: Cú “hích” từ “Tuyên bố Istanbul” ảnh 1
Một người Pakistan với vết mổ còn lại sau khi bán tạng

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 10% các ca ghép nội tạng trên thế giới bắt nguồn từ các hoạt động thương mại hóa hoặc phi đạo đức. Nạn nhân của nạn buôn bán nội tạng thường là những người dân nghèo tại các quốc gia.

Ở Pakistan, 2/3 trong tổng số 2.000 quả thận được ghép năm 2006 đều có khách hàng đón nhận là người nước ngoài. Ở một số quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Philippines,… nạn buôn bán nội tạng vẫn tiếp tục diễn ra.

Theo ước tính của WHO, giá của một quả thận thay đổi tùy thuộc vào từng nước: Ở Nam Phi, người cho thận nhận được 700 USD;  ở Ấn Độ là 1.000 USD; Moldavia là 2.700 USD; Thổ Nhĩ Kỳ là từ 5.000-10.000 USD và ở Mỹ là hơn 30.000 USD. Những người đóng vai trò trung gian cũng kiếm khá “đậm” trong các phi vụ này: Tại Colombia, một ca ghép tạng lấy thận từ một xác chết được đề nghị với giá 80.000 USD.

Một số mạng lưới của ngành “du lịch ghép tạng” đã được xác định. Chẳng hạn, có mạng lưới trong đó, những người bán tạng mang quốc tịch Brazil đi cắt thận ở Nam Phi và những quả thận này được ghép cho các bệnh nhân Israel. Tuy nhiên, Israel đã cấm các cơ quan bảo hiểm thanh toán chi phí cho các ca ghép thận này với hy vọng khuyến khích những người chết trong nước hiến tạng.

Hiện nay, rất nhiều quốc gia đang phải đối phó với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nội tạng cho các ca phẫu thuật cấy ghép. Tại các nước Tây Âu, ước tính hiện có khoảng 120.000 bệnh nhân đang trong tình trạng lọc thận và khoảng 40.000 trường hợp đang chờ được ghép thận.

Thời gian chờ đợi trung bình để được ghép thận của các bệnh nhân châu Âu là 3 năm nhưng với tình trạng khan hiếm người hiến tạng như hiện nay, vào năm 2010, các bệnh nhân sẽ phải chờ tới… 10 năm!

Hậu quả của việc phải chờ đợi lâu này là từ 15%-30% bệnh nhân nằm trong danh sách chờ đợi bị chết trước khi được ghép tạng. Như ở Pháp, hơn 130.000 bệnh nhân đang chờ được ghép tạng và riêng trong năm 2007, đã có 231 trường hợp qua đời do không được phẫu thuật vì thiếu người cho tạng.

Ở các nước phương Tây, việc lấy tạng từ những người cho tạng đã chết hoặc còn sống rất hạn chế và được quy định rất nghiêm ngặt. Chính vì thế, ngày càng có nhiều bệnh nhân tìm kiếm các bộ phận cơ thể từ những người cho tạng còn sống ở các nước có thu nhập thấp. Những người này sẵn sàng bán một bộ phận cơ thể để đổi lấy một khoản tiền phục vụ cho cuộc sống của gia đình họ. Hoạt động này thường là phi pháp và có sự tham gia của các băng nhóm mafia. Mặc dù ngành “công nghiệp” này khá phát đạt nhưng cho tới nay, vẫn chưa có có thống kê chính thức nào cho phép đánh giá mức độ nguy hiểm của nó.

Còn nhiều khúc mắc

Ngoài tình trạng cầu vượt cung, còn có nhiều nguyên nhân khác thúc đẩy nạn du lịch ghép tạng gia tăng. Một trong những nguyên nhân phải kể đến là vẫn còn thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng, cũng như thiện chí chính trị của nhiều quốc gia trong việc trấn áp vấn nạn này. Trong cuộc họp mới đây, các chuyên gia của WHO phụ trách đấu tranh chống nạn buôn bán nội tạng người đã đánh giá tích cực những cố gắng của 3 nước Trung Quốc, Philippines và Pakistan - 3 quốc gia được cho là nơi có ngành “công nghiệp” du lịch ghép tạng phát triển hàng đầu thế giới. Riêng Chính phủ

Pakistan đã thể hiện sự quyết tâm bằng việc thành lập một cơ quan kiểm soát và cấm mọi hình thức buôn bán nội tạng. Thậm chí, Chính phủ Pakistan còn cho phá hủy các trung tâm y tế bị phát hiện tham gia các vụ buôn bán nội tạng.

Một lý do khác khiến ngành du lịch ghép tạng không ngừng gia tăng là tỷ lệ sống sót của các bệnh nhân được ghép tạng từ những người cho tạng còn sống khá cao: 92% sau 1 năm và 80% sau 5 năm, an toàn hơn 5% so với những ca ghép tạng được lấy từ những người cho tạng đã chết. Ngoài ra, hiện nay, kỹ thuật sử dụng để ghép tạng khá đơn giản nên có thể thực hiện các ca phẫu thuật ở nhiều quốc gia, càng khiến nạn du lịch ghép tạng có thêm cơ hội phát triển.

Các chuyên gia cho rằng những hậu quả liên quan đến hoạt động ghép tạng không phải là nhỏ. Đối với người bán thận, tỷ lệ tử vong sau phẫu thuật dù thấp nhưng không phải không có (khoảng 0,03%).

Một số người cho thận có nguy cơ mắc các bệnh như cao huyết áp, đó là chưa kể đến khả năng những bệnh mà người bán tạng đã bị mắc trước ca phẫu thuật có thể trở nên trầm trọng hơn. Song có lẽ vấn đề lớn hơn cả là khía cạnh đạo đức của các vụ mua bán tạng: chỉ vì tiền bạc để giải quyết vấn đề của bản thân và gia đình trong lúc nguy khốn mà những người nghèo sẵn sàng bán đi một phần cơ thể của mình bất chấp những hậu quả có thể xảy đến sau đó. Do nguồn cầu cao và lợi nhuận quá lớn của ngành du lịch ghép tạng, không ít mạng lưới mafia chuyên buôn bán nội tạng đã ra đời, gây bất ổn cho xã hội.

Đối với những người nhận tạng, mặc dù tỷ lệ phẫu thuật thành công của các ca ghép tạng lấy từ người còn sống khá cao. Nhưng do thiếu hoặc không có các biện pháp kiểm tra y tế cần thiết để đánh giá mức độ tương thích trước khi phẫu thuật, nên các ca ghép tạng phi pháp thường có rủi ro cao hơn. Tỷ lệ tử vong sau một năm của các ca phẫu thuật phi pháp cao hơn 10% so với các ca phẫu thuật hiện đại và hợp pháp.

Hà Vy (tổng hợp)

Đón xem bài 2: Nỗ lực của cộng đồng quốc tế 

Tin cùng chuyên mục