Đất lấn biển - xu thế của tương lai- Bài 1: Thẳng tiến ra biển!

Đất lấn biển - xu thế của tương lai- Bài 1: Thẳng tiến ra biển!

Việc chinh phục tự nhiên,”dời non lấp biển” nhằm tạo không gian và đất đai cho các công trình xây dựng và canh tác nông nghiệp đã được con người thực hiện từ lâu trong quá khứ. Song những năm gần đây, các công trình lấn biển ngày càng nhiều hơn, với quy mô và những khoản đầu tư ngày càng lớn hơn, đang trở thành một xu thế mới của thời đại.

Không giới hạn

Con đập dài 53 km ở cửa biển Saemangeum, Hàn Quốc

Con đập dài 53 km ở cửa biển Saemangeum, Hàn Quốc

Vương quốc Dubai từng khiến cả thế giới phải trầm trồ khen ngợi khi tiến hành xây dựng các hòn đảo nhân tạo khổng lồ ở vùng biển vịnh Persic. Đầu tiên là “Đảo Cây cọ” gồm 3 hòn đảo nhân tạo Palm Jumeirah (hoàn thành năm 2006), Palm Jebel Ali (2008) và Palm Deira (dự kiến hoàn thành 2015).

Toàn đảo có hơn 100 khách sạn sang trọng, khu biệt thự và căn hộ dân cư bên bãi biển độc quyền, bến tàu, công viên giải trí, nhà hàng, khu mua sắm, khu thể thao và thể dục sức khỏe…

Tiếp theo là cụm đảo “Thế giới”, gồm 300 hòn đảo nhân tạo, được xây dựng dựa trên mô hình của bản đồ mặt phẳng của trái đất. Mỗi hòn đảo có diện tích từ 14.000m - 42.000m và có giá từ 25 - 30 triệu USD.

Chưa hài lòng với 2 công trình thế kỷ mà nhiều người so sánh như những “kỳ quan thứ 8 của thế giới” này, đầu tháng 1-2008, Công ty Nakheel Properties của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) lại thông báo sẽ xây dựng một loạt hòn đảo mới, lấy tên là “Vũ trụ” - mô phỏng hệ mặt trời với mặt trăng, mặt trời và các hành tinh. “Vũ trụ” có tổng diện tích khoảng 3.000ha và sẽ được xây dựng trong thời gian từ 15-20 năm.

Nhưng Hàn Quốc dường như đang muốn phá kỷ lục của Dubai khi chuẩn bị xây dựng ở biển Hoàng Hải một khu đất lấn biển có diện tích hơn 400km - lớn chưa từng có trên thế giới. Vùng đất lấn biển này cách thủ đô Seoul 270km về phía Nam, ở cửa biển Saemangeum. Khi hoàn thành, vùng đất lấn biển mới sẽ trở thành một đặc khu kinh tế với những khu công nghiệp, nhà ở, nông trại, khu bảo tồn tự nhiên và các khu vui chơi giải trí.

Dự án hình thành một vùng đất lấn biển ở cửa biển Saemangeum đã được đưa ra từ thập niên 70 và được khởi động trở lại 20 năm sau. Từ năm 1991, các công trình khổng lồ đã được tiến hành ở cửa các con sông Dongjin và Mangyeong. Đến năm 2006 một con đập vĩ đại dài 53km được hoàn tất - đây là con đập dài nhất do con người xây dựng lên (con đập Ajsluitdijk nổi tiếng ở Hà Lan còn kém con đập của Hàn Quốc 500m).

Tổng cộng gần 1,5 tỷ euro đã được bỏ ra để tạo thành biên giới ngăn cách vùng đất với biển Hoàng Hải. Tuy nhiên, Hàn Quốc sẽ còn phải bỏ ra thêm 850 triệu euro nữa để biến vùng cửa sông này thành một vùng đất có diện tích 29.000ha và một hồ chứa nước ngọt 12.000ha.

Sau gần một năm phát động cuộc thi nhằm tìm kiếm ý tưởng quy hoạch cho vùng đất lấn biển này, ngày 25-8-2008, Viện Thiết kế đô thị Hàn Quốc (UDIK) đã trao giải cho 3 nhóm kiến trúc sư và quy hoạch đô thị của Đại học Columbia (New York), Đại học London Metropolitan và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT).

Quá khứ và tương lai

Một số thống kê của Wikipedia sau đây cho thấy con người đã lấn biển lấy đất nhiều như thế nào: Tại Hà Lan, 1/5 quỹ đất là đất lấn biển (tương đương 7.000km); Hàn Quốc, đến năm 2006, 38% vùng đầm lầy ở vùng duyên hải đã được chuyển thành đất lấn biển; Singapore, đến năm 2003, tăng thêm 20% diện tích so với ban đầu (khoảng 135km); Macau, lấn biển thêm 170% diện tích ban đầu (17km); Vịnh Tokyo - Nhật Bản, thêm 249km…
Con đập dài 53 km ở cửa biển Saemangeum, Hàn Quốc

Hà Lan được coi là quốc gia tiên phong trong việc lấn biển lấy đất. Gần 50% diện tích của Hà Lan được các con đê và con đập bảo vệ. Việc xây dựng các vùng đất lấn biển ở Hà Lan được bắt đầu từ thế kỷ 19. Sau thời gian dài khai thác, cộng với bị gió Tây Nam tác động, hồ Harlem ở Hà Lan ngày càng mở rộng và đe dọa thành phố Amsterdam.

Các kỹ sư Hà Lan đã quyết định bơm hết nước hồ và dùng vùng đất này làm đất nông nghiệp. Để tránh cho vùng đất ngập nước, các kỹ sư cho xây dựng các con đê xung quanh hồ và các con kênh dẫn nước bên cạnh. Cối xay gió và sau này là máy bơm được sử dụng để đưa nước ra khỏi hồ theo các con kênh. Vùng đất khô còn lại được gọi là đất lấn biển. 

Kỹ thuật lấn biển của Hà Lan được hoàn chỉnh sau nhiều thập kỷ. Trong những năm 1950, các kỹ sư Hà Lan đã xây dựng một con đê dài qua biển để ngăn lụt ở Zuiderzee, biến khu vực này thành một hồ nước gọi là Ijsselmeer. Ban đầu là hồ nước mặn nhưng sau nhiều năm đã trở thành nước ngọt.

Để đáp ứng nhu cầu về đất nông nghiệp, các kỹ sư đã xây một hồ khác bên trong hồ Ijsselmeer và bơm nước ra ngoài, tạo thành một khu đất lấn biển mới gọi là Flevoland - người Hà Lan tự hào cho đó là khu đất lấn biển lớn nhất của Hà Lan và cả của thế giới cho tới thời điểm đó. Sau Thế chiến II, Hà Lan bắt đầu sử dụng đất lấn biển để xây dựng các thành phố và Flevoland là một trong những thành phố lớn đang ngày càng phát triển ngay bên cạnh Amsterdam.

Hiện tại, trên thế giới cũng có rất nhiều công trình lấn biển đã và đang được thi công, xây dựng. Hà Lan có kế hoạch xây dựng đảo Tuplip từ cuối năm 2007. Hòn đảo nhân tạo này nằm ngay bên bờ biển và có hình dạng giống như một bông hoa Tulip với 3 cánh mềm mại - loại hoa biểu tượng cho Hà Lan.

Tại Qatar, đảo Ngọc trai cũng đang được xây dựng bên bờ biển, dự kiến hoàn thành năm 2010. Hòn đảo nhân tạo này có khả năng đón tiếp 40.000 dân và 15.000 nhà ở. Còn bên bờ biển Bahrain, đảo Reef Island đang được xây dựng, dự kiến hoàn thành năm 2010. Tại Singapore, đảo Senota Island ban đầu có diện tích 280 ha nhưng do nhu cầu phát triển du lịch, hòn đảo sẽ được mở rộng thành 463ha khi các công trình lấn biển được hoàn tất.

Hà Vy (tổng hợp)

>> Bài 2: Những thách thức

Tin cùng chuyên mục