Kỷ niệm 46 năm ngày chiến thắng Ấp Bắc (2-1-1963 – 2-1-2009)

Những bí mật chưa từng tiết lộ

Những bí mật chưa từng tiết lộ

(SGGP-12G).- Trận Ấp Bắc không lớn, không dài ngày nhưng lại gây tiếng vang lớn trong nước và cả thế giới. Trận đánh có tính lịch sử làm cho ta thấy có khả năng thắng Mỹ. Kỷ niệm 46 năm ngày chiến thắng Ấp Bắc (2-1-1963 – 2-1-2009), chúng tôi xin giới thiệu những tư liệu được ghi lại trong cuốn nhật ký của đồng chí Đoàn Triết Minh (tức Đặng Minh Nhuận, tức Nguyễn Bảy, tức Bảy Đen) - Đại đội trưởng Đại đội 1 Tiểu đoàn 261 - người trực tiếp chỉ huy tại trận địa trong trận đánh lịch sử này. Tư liệu này đã được công bố tại hội thảo nhân dịp 30 năm chiến thắng Ấp Bắc.  

Tôi không có ý định viết lịch sử, tôi chỉ ghi lại đây những hình ảnh cảm xúc trong trận đánh phục thù đầu tiên khi trở lại giải phóng quê hương, sau khi đã bị địch đánh liền 3 trận ở Ba Thu, kinh kháng chiến Gãy Cờ Đen.

…10g trưa ngày 1-1-1963, đơn vị đóng quân ở Cống Huế, sau khi phục kích hụt ở Tân Hội BC 12 (bọn địch ở đây đã được tập trung đi càn quét nơi khác).

Những bí mật chưa từng tiết lộ ảnh 1

Bác Hồ xem diễn biến trận đánh Ấp Bắc

Cuộc họp quân sự gồm có: Hoàng, Tiểu đoàn trưởng 261; Chín Quân, Chính trị viên của Định Tường; Mười Điệp, Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 514; Bảy Đen, Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 261. Quyết nghị: 1/ Chín Quân về tỉnh báo cáo kế hoạch nghiên cứu vùng Hội Cư, Cái Bè. 2/ Đơn vị sẽ chuyển về Long Định nghi binh ít hôm để rồi quay trở lại kế hoạch cũ.

11g, đoàn cán bộ nghiên cứu địa hình đi trước: Hoàng, Bảy Đen, Minh - Đại đội phó Đại đội 1, Tiểu đoàn 514 cùng một số trinh sát Tiểu đoàn và 2 đại đội.

Đơn vị 6g30 hành quân theo đường kinh Kháng Chiến, kinh Ba Thước Cà Dăm…

4g đoàn điều người đến Long Định, đánh giá địa hình đóng quân bất lợi vì phía sau là cánh đồng trống, dài hàng 7, 8 cây số, ba phía khác bao bọc bởi kinh Nguyễn Tấn Thành, lộ Đông Dương, Tam Hiệp gần sân bay Thân Cửu Nghĩa, địa hình trong một vườn tược mỏng, nhiều rạch, tàu chạy rẽ ngang dọc chi chít, đơn vị nhỏ có thể luồng lách được, cả hai đại đội không thể phòng ngự suốt ngày được, điểm đóng quân chuyển về xã Tân Phú, vườn ở đây tuy không dày lắm nhưng địa hình hiểm trở phía sau có nhiều bãi lầy: Đại đội 1/514 đóng ở Tân Thái B, Đại đội 1/216 đóng ở Ấp Bắc và một phần xóm Hội đồng Vàng, ngang cầu Ông Bồi.

5g30, lệnh hỏa tốc cho trinh sát trở lại đón gặp đơn vị ở kinh Cà Dăm và tất cả đều quay lại vị trí đóng quân.

Một trinh sát về tỉnh báo đồng chí Chín Quân biết điểm đóng quân thay đổi. Số cán bộ chúng tôi về sau, 8g tới kinh Cà Dăm. 10g đến chỗ, sau khi trao đổi kế hoạch tác chiến trong vùng đóng quân xong, chúng  tôi bàn chuyện chuẩn bị ăn tết. Tôi mệt đến nỗi lúc 1g sáng 2-1, và 3g tàu chạy vô kinh Nguyễn Tấn Thành, xe vận chuyển hàng trăm chiếc trên lộ Đông Dương, lộ kinh 12 mà tôi không hay biết gì cả.

5g thức dậy, đang ăn cơm, đoàn 15 trực thăng, hai L19 bay cặp lộ Đông Dương quẹo về hướng xóm Bàn Chảo, tôi ăn chưa được nửa chén cơm, trinh sát báo trực thăng đổ quân trước trận địa một cây số.

“Tất cả theo tôi ra trận địa, quản lý, y tá chuẩn bị trạm cứu thương” - tôi ra lệnh và phân công cho các bộ phận. Quan sát trận địa, thì ra vì sương mù và chưa thấy trực thăng đổ quân lần nào nên trinh sát báo cáo sai, lúc này tôi vẫn nhận định là địch phát lương hoặc đổi quân chùa Phật Đá, vì thường xuyên nó vẫn giàn giá ì xèo thế đấy. Tuy vậy, tôi và đồng chí chính trị viên vẫn phân công nhau đến động viên từng chiến sĩ, với địa hình này nếu đụng địch phải bám công sự chiến đấu không thể rút đặng, tư tưởng đơn vị đã được chuẩn bị đầy đủ.

Đồng chí Nhân, Tiểu đội trưởng, Đại đội 3, Tiểu đoàn 261 báo cáo có một tiểu đội chuyên môn xin tham chiến, tôi phân công các đồng chí giữ lưng và sẵn sàng làm đội dự bị

5g30, đoàn 15 chiếc trục thăng thứ 2 lại đến đổ quân sau chùa Phật Đá. Chị Tám Nghề, Phó Bí thư Chi bộ Tân Phú; Chín Từ, Phó ban Quân sự xã hỏi ý kiến.

- Làm sao bây giờ anh Bảy?

- Đánh chứ sao! Mà đánh tối ngày kìa. Phân công cho du kích gác mặt sau đánh chim sẻ, một số cho xuống các trung đội để dẫn đường và tải thương, chị Tám Nghề về sau cùng lo thương binh, tử sĩ.

Tuy phân công thế nhưng tôi vẫn cho là nó phát lương.

6g, lại đoàn 15 trực thăng thứ 3 đổ quân ở xóm Bàn Chảo. Thôi chắc rồi, nó đã bủa lưới bao vây chúng tôi, tiếp đến trinh sát, du kích về báo một đại đội địch từ hướng xóm Hàng Xáo tiến về phía Trung đội 3, độ một đại đội theo đường Nhị Bình kinh Ba Thước tiến phía sau trận địa. Du kích, nhân dân từ phía Tân Hội, xóm Vuông chạy dồn về trận địa. Nhân dân tôi cho về Nhị Bình, Gò Lũy tránh đạn còn du kích ở lại phối hợp với đơn vị.

2 Tiểu đội phương Châu Thành có một FM, 13 súng cá nhân bị địch dồn chạy về gối đầu với Trung  đội 3 hướng xóm Hàng Xáo.

Tham gia trực tiếp trận Ấp Bắc là Đại đội 1, Tiểu đoàn 261. Ban chỉ huy đại đội gồm: đ/c Bảy Đen (Đại đội trưởng), đ/c Tám Thư (Chính trị viên), đ/c Võ Phương (Chính trị viên phó). Gồm các trung đội: Trung đội 1 (30 người do đ/c Tấn làm Chính trị viên, Trung đội 2 (29 người do đ/c Mà làm Trung đội trưởng), Trung đội 3 (31 người do đ/c Hưởn làm Chính trị viên, Việt Đức làm Trung đội phó), Trinh sát (9 người do đ/c Tranh phụ trách).

6g30, một đại đội bảo an chia làm nhiều mũi băng đồng tiến vô xóm Hội đồng Vàng, Trung đội 3 nổ súng; địch chiếm các bờ ruộng chống cự. Đại đội ở kinh Ba Thước tiến lên ngang cầu Ông Bồi xả súng bắn sườn Trung đội 3.

Những bí mật chưa từng tiết lộ ảnh 2

Từ trái sang phải: Anh hùng LLVTND Đoàn Triết Minh (tức Đặng Minh Nhuận tức Bảy Đen), con gái Đặng Thị Nguyệt Hồng (1959), con gái Đặng Thị Nguyệt Anh (1961), vợ Lưu Thị Minh Nguyệt. Ảnh chụp năm 1962, trước khi Anh hùng Bảy Đen đi B

- Đồng chí Mà, đưa hai tiểu đội có trung liên, một tiểu đội giữ chặt sườn phía cầu Ông Bồi, một tiểu đội cặp theo xóm Hàng Xáo xuyên hông địch ở xóm Hội đồng Vàng tạo điều kiện cho Trung đội 3 xung phong - Tôi ra lệnh cho trung đội trưởng Trung đội 2 - cho trinh sát báo với đồng chí Võ Phương nắm lực lượng cánh trước tổ chức xung  phong (quyết tâm này không thực hiện được vì các cánh quân khác của địch đã bâu lại nhưng chủ yếu do đồng chí Mà do dự nên mất thời cơ).

7g30, hai tiểu đoàn địch, một theo xóm Hàng Xáo đến tăng cường lực lượng cho đại đội bảo an, một theo đường chùa Thầy Thắng, vào xóm Huyện Cang đánh thôn đầu xóm Hội đồng Vàng.

Nhận định địch chuẩn bị bãi đổ bộ trực thăng đánh phía sau Trung đội 3, chúng chưa phát hiện được chúng tôi. Tôi cho điều Tiểu đội 2, Trung đội 1 do đồng chí Tấn, Chính trị viên trung đội nằm sang lắp vị trí Trung đội 2, điều tiểu đội đặc công lắp vị trí Tiểu đội 2, đồng thời đi suốt toàn trận địa chuẩn bị tư thế đánh trực thăng, giải thích thực tế quy luật tản mác của đạn pháo để chiến sĩ an tâm, vì đơn vị chưa quen chiến đấu ác liệt.

8g30, tiểu đoàn thông báo: Hơn một tiểu đoàn địch xuống 3 đợt  trực thăng buổi sáng đã tập trung lại cánh đồng Cà Dăm đánh phía sau Đại đội 1/514 bị đơn vị này chặn đánh chết, bị thương khoảng hơn một trung đội, vì địa hình sình lầy địch không tiến được phải dừng lại mé bên kia rạch. Tin tức được thông báo ngay toàn trận địa để động viên.

9g, đoàn trực thăng bay bọc lộ Đông Dương… Địch mở đợt tấn công dồn dập vào Trung đội 3. Tôi đến bên khẩu đại liên, lệnh chuyền kiên quyết hạ trực thăng.

Vì sương mù, trực thăng phải bay vòng qua lộ Kinh 12, xóm Bàn Chảo, xóm Tân Thới B.

- Bắn!

Tất cả các loại súng đều ngắm đoàn “Phụng Hoàng” nhả đạn. Hai chiếc CH21 nhào liền tại chỗ, tất cả đoàn 15 trực thăng có 5 HU 1A đều trúng đạn tán loạn bay như ong vỡ tổ, nhưng địch cũng cố đổ xuống được  khoảng 2 trung đội, một chiếc CH 21 rớt ở xóm Bàn Rô, một chiếc CH 21 khác rớt ở đồng Cà Dăm.

Bọn ở trực thăng xuống cố lao vào đánh phía sau Trung đội 3, bị cối ta bắn ngay đội hình, lớp chết lớp bị thương, số còn lại núp ở các bờ ruộng.

Hai chiếc L19 quan sát chỉ điểm, dưới sự yểm trợ của hai khu trục, 5HU 1A thay nhau xối đạn đại liên, hỏa tiễn vào trận địa. Một tân binh không dám bóp cò ở trận địa. Tôi lấy khẩu súng trường Mas, chỉ cách bắn cho đồng chí ấy. Một HU 1A chúc xuống, tôi nhả đạn. Nó xịt khói. Thế là  đồng chí tân binh nhoẻn miệng cười rất tươi.

Một HU 1A công kích đại liên bị bắn cháy ngay rớt một dọc với hai chiếc trước, số còn lại bay tuốt trên cao rồi rút mất. Trên trời lúc này chỉ còn hai L19, hai khu trục. Pháo địch bốn khẩu 105 từ Long Định, Cai Lậy, một đại đội cối 106 dưới tàu rót đạn túi bụi vào trận địa.

Khẩu cối của ta hết đạn tôi cho rút về sau, số súng trường ở lại.

Điều Tiểu đội 1 lên bắn tỉa chuẩn bị để xung phong đánh chiếm trực thăng, điều Tiểu đội 3 lên giữ kinh Kháng Chiến, tiểu đội đặc công giữ sườn phải đại đội và bắn máy bay. Lệnh Trung đội 2 và Trung đội 3 lui về gối đầu với trận địa chính xung phong chiếm trực thăng.

10g, sau một hồi bắn tỉa với bọn đổ bộ trực thăng, ta diệt được của nó hai đại liên, một trung liên. Hưởn, Chính trị viên Trung đội 3; Hải, Tiểu đội trưởng; Dũng, trinh sát bị thương. Tôi về trạm cứu thương thăm anh em, cho trạm dời về điểm hai để tránh bị phi pháo oanh tạc.

Mặt đất chuyển động như thuyền trên sóng vì bom đạn, lửa cháy ngút trời vì bom napal, các mẹ, các bà già hàng 60, 70 tuổi cũng bò đến hỏi thăm.

- Bà con cứ vào hầm tránh đạn, chúng tôi kiên quyết chặn đánh địch suốt ngày không để nó vào đây được đâu.

Sau khi biết ý định ấy, các mẹ khóc, sợ chúng tôi đói, đòi làm heo, nấu cơm tiếp tế… Nhưng làm sao khi được máy bay lại tăng thêm bốn L19, bốn khu trục, hai B 26 cùng pháo liên tiếp xối đạn vào.

Địch chỉ còn khoảng một trung đội mà không xung phong được, ức quá tôi đi tới đi lui mãi, một tên ác ôn quan sát thấy, dùng Garant bắn suýt lìa đời. Phải diệt nó nhưng cự ly cả 300m, anh em không hạ được, tôi lấy khẩu Garant gác lên bệ tì. Súng bốc khói. Tên giặc ngã lăn. Phát đạn ấy có tác dụng khá, anh em chuyền động viên nhau, “một viên đạn một quân thù”.

11g30, xe lội nước M. 113 đã lấp ló trước trận địa, thế mà Trung đội 2, Trung đội 3 vẫn chưa về được. Ba lần phái trinh sát đi cũng chưa có tin về.

Đành phải cho Tiểu đội 1 tới vị trí xung phong rút lại công sự.

- Chuẩn bị tromblon, lựu đạn thủ pháo đánh xe lội nước.

- Kiên quyết giữ vững trận địa.

- Chết nằm tại chỗ không lui một bước.

- Có chết cũng phải ngoảnh mặt về phía quân thù.

Các khẩu hiệu ấy được chuyển liên tục để động viên, chuẩn bị tư tưởng, nhận đón những trận tấn công ác liệt khác.

- Anh Bảy đâu rồi? Anh Bảy có sao không?

Anh em thường lo lắng hỏi chuyền lại mỗi khi vị trí chỉ  huy bị oanh tạc, bom đạn xới tung lên. Nói là vị trí chỉ huy chớ có hầm hố gì đâu, nó chỉ là một gò đất nhỏ chiều ngang 0,50m, chiều dài 1m ở ngang với bộ binh. Mà may là tôi không ở một chỗ, chứ không cũng đã rồi đời.

12g, Trung đội 2 báo cáo đã về đến trận địa còn Trung đội 3, lực lượng mạnh nhất đại đội và trung đội địa phương thì tên Đức, trung đội phó, đã hèn nhát dẫn chạy khỏi, bỏ trận địa.

Những bí mật chưa từng tiết lộ ảnh 3

Ảnh đồng chí Bảy Đen do nhà văn, Đại tá QĐNDVN Võ Trần Nhã chụp ngay sau chiến trận Ấp Bắc

Như sét đánh ngang tai, lực lượng bị sút mất gần một nửa, đang lúc hết sức ác liệt này. Một mặt cho trinh sát chạy theo tìm kêu lại, một mặt báo cáo với tiểu đoàn và quyết tâm của tôi: “Còn một người cũng sẽ giữ vững trận địa”. Bỏ chạy lúc này là tự sát. Với lực lượng còn lại tôi tổ chức cố thủ, nơi nào bị uy hiếp nặng sẽ điều nơi khác đến. Có khi chỉ là một khẩu súng trường cũng được tận dụng hết sức quý giá.

12g30, 13 xe M.113 đến cách trận địa 300m.

Hai tiểu đoàn địch đã tiến vào chiếm xóm Hàng Xáo, xóm Hội đồng Vàng, bám sườn, một tiểu đoàn khác được tăng viện theo xe M.113.

Mở đầu cuộc xung phong thứ nhất: Thiếu tướng Huỳnh Văn Cao, Tư lệnh Quân đoàn 4 từ Cần Thơ về Long Định trực tiếp chỉ huy tấn công. Hai đại đội pháo 105, một đại đội cối 106 ly, sáu khu trục, hai B26 cùng tất cả hỏa khí trên xe M.113 và bộ binh thi nhau nhả đạn trước mặt, bền sườn và trên dầu.

Gần nửa giờ chuẩn bị hỏa lực, kèn thúc quân nổi lên. Theo sau xe M.113, địch hùng hổ tiến vô. Được sự yểm hộ đắc lực của đại liên, các chiến sĩ gang thép theo phạm vi phân công của mình ngắm bắn chính xác bọn bắn súng trên xe, bộ binh bị địch chết một số khá lớn. Đợt xung phong thứ nhất bị chặn đứng lại sau 10 phút giao tranh ác liệt…

Tranh thủ sửa lại công sự, kiên quyết giữ vững trận địa. Quyết tâm ấy lại được chuyển đến từng chiến sĩ.

- Súng Mỹ, lòng ta, anh em binh sĩ hãy quay lại bắn bọn chỉ huy gian ác để trở về với nhân dân.

Những lúc tiếng súng thưa là khẩu hiệu địch vận bay lan ra.

Đợt xung phong thứ hai: 1g30, địch lại tiếp tục chuẩn bị hỏa lực. Lần này chúng dùng nhiều bom napal, hàng trăm tấn đại bác, bom, hỏa tiễn, xối xuống trận địa Trung đội 2. Kèn lại nổi lên, quân địch lại hò hét tiến vô. Một khẩu trung liên bị tắt. Hỏa lực giảm. Địch tiến sát vô khoảng 70 thước nhưng rồi cũng phải lùi ra. Một chiếc B26 bị thương bay về Sài Gòn.

Đợt xung phong thứ ba, bốn: 2g30. Diện chuẩn bị hỏa lực của địch lần này rộng hơn. Trung đội 2, trận địa đại liên và vị trí chỉ huy bị xới tung lên. Địch dùng đến bom tạ, cây cối, đất ném tung phủ đầu, hầm hố.

Kèn thúc quân lại nổi nhưng yếu hơn và run, có lẽ địch không còn tin tưởng vào sức tấn công của nó nữa.

Khẩu trung liên vừa sửa lại bị kẹt, thêm một khẩu nữa trúng đạn không bắn được.
- Ai bảo vệ trung liên? - Đồng chí Đừng, Tiểu đội trưởng hỏi.

- Có tôi. Như một thiên thần, với khẩu garant trong tay, Hùng Cảo, Tiểu đội phó anh dũng nhô lên công sự nhịp đều vào đầu các tên bắn súng máy trên xe.

Thấy hỏa lực ta giảm sút rõ rệt, xe địch rú lên mong nghiền nát các chiến sĩ. Đừng nhô lên, một trái thủ pháo nổ tung dưới lườn xe, địch lùi lại nhưng rồi dưới sự ủng hộ như điên cuồng của pháo binh và phi cơ, địch cố liều chết lao vô. Chiến, tân binh chĩa thẳng Tromblon vào xe, một trái nổ ngay ổ súng máy. Hầu hết bọn trên xe đều chết và bị thương xe bốc khói. Lại một lần nữa đồng chí Đừng nhô lên, một trái thủ phấn nổ tung trong xe.

Đợt tấn công thứ tư kết thúc sau hơn nửa giờ giằng co quyết liệt. Tiểu  đội 4, tiểu đội gang thép đã anh dũng chịu đựng 4 xe M.113. Đừng, Hùng, Công hy sinh; Minh, Thùy, Dương bị thương.

Đợt tấn công thứ năm: Địch lui lại củng cố lực lượng, bọn bộ binh bây giờ có đẩy đít cũng không lên… Đại tướng Tổng Tham mưu trưởng Lê Văn Ty lại trực tiếp mang thân phì nộn đến sân bay Thân Cửu Nghĩa chỉ huy.

Biết rằng trời sắp tối, địch sẽ gom lực lượng lại đánh vét cú cuối cùng. Tôi điều Tiểu đội 3 qua tăng cường cho Trung đội 2. Lực lượng trong tay lúc này chỉ còn một đại liên, ba trung liên, 15 súng cá nhân…

4g pháo địch và phi cơ bắn tung trời đất khắp cả Ấp Bắc và khu vực trước trận địa Đại đội 1, Tiểu đoàn 524.

7 chiếc C47 bay vòng ngang trận địa.

- Chuẩn bị đánh quân dù và bẻ đầu xe lội nước.

- Thời gian lúc này đã thuộc về chúng ta.

Anh em chuyền nhau với bao niềm phấn khởi các khẩu hiệu trên.

4g30, Tiểu đoàn 8 thuộc Lữ đoàn dù rời máy bay nhảy xuống trắng cả cánh đồng trước trận địa Tiểu đoàn 514 bên phải trận địa tôi.

Cùng một lúc, tất cả xe lội nước ùng ùng bắn xối xả vào  trận địa chúng tôi.

Các loại súng lại thi nhau nhả đạn nhưng với lực lượng quá đông địch cũng cố liều chết xuyên hông đánh chiếm được một đoạn trận địa chừng 30 thước. Cuộc giao tranh lần này rất ác liệt, kéo dài hơn một giờ đồng hồ, địch bị chặn lại. Sơn lại hạ được một M.113 (đợt 3), Tiểu đoàn dù bị đánh tan rã khi vừa đặt chân xuống đất.

6g địch lo gom góp thương binh ở ngoài ra. Thiết vận xa cũng không còn dám ló thụt gần trận địa nữa. Một trực thăng hai chong chóng lại lợi dụng trời tối sà xuống định cứu mấy thằng Mỹ. Đại liên nổ súng, nó bị thương nhưng cố bay về đến xóm Bàn Rô mới hạ.

6g30 được lệnh rút. Đáng lẽ chúng tôi sẽ tiếp tục tập kích địch một trận nữa nhưng vì anh em quá mệt và đói nên không thực hiện được.

8g rời trận địa, đi suốt đêm qua cánh đồng sình lầy.

6g sáng về đến vị trí an toàn.

25-3. Lại tranh chấp vùng Ấp Bắc. Sáng đánh nhau với Tiểu đoàn biệt động Mỹ Tho, có sáu pháo 105 yểm hộ. Địch bị giết và bị thương khoảng 150 tên. Chiều đánh Vàm Cống Quế - địch 4 Tiểu đoàn có Đại đội M.113 yểm hộ - 20 pháo 105, địch chết và bị thương hơn một trung đội.

20-7. Hạ hệ thống cứ điểm “khu phố Vĩnh Kim” ta hoàn toàn làm chủ tình hình. Lần đầu tiên khu phố đựơc nhìn thấy giải phóng quân và cờ cách mạng từ sau cuộc tàn sát Nam Kỳ khởi nghĩa 1940 đến giờ…

NGÔ VĂN HIỀN ghi
(SGGP 12G)

Tin cùng chuyên mục