Những nỗ lực giải cứu kinh tế trên thế giới

Những nỗ lực giải cứu kinh tế trên thế giới

Không nghi ngờ gì nữa, cơn bão tài chính năm 2008 xuất phát từ Mỹ đã gây ra những vòng xoáy nguy hiểm cho nền kinh tế thế giới. Các nhà lãnh đạo, các chuyên gia nhiều nước đã thẳng thắn nhìn nhận xu hướng suy thoái của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2009 và ít năm tiếp theo. Tuy nhiên, bầu trời vẫn không thể sập dù có u ám. Và hiếm khi nào những nỗ lực “giải cứu” kinh tế với nhiều biện pháp có sự hợp tác quốc tế lại cao như hiện nay.

Những nỗ lực giải cứu kinh tế trên thế giới ảnh 1

Sản xuất xe hơi - ngành công nghiệp bị ảnh hưởng lớn do khủng hoảng tài chính.

Theo báo cáo vừa được công bố của Mạng tin tình báo kinh tế (The Economist Intelligence Unit – EIU), kinh tế thế giới năm 2009 sẽ chỉ tăng 0,2% nếu tính theo tỷ giá sức mua (purchasing power parity – PPP). Đây là mức tăng kém thứ hai kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Tuy nhiên, nếu tính GDP theo tỷ giá thị trường thì tình hình còn tồi tệ hơn đối với các nước giàu và GDP toàn cầu sẽ giảm tới 0,9%, mức suy giảm đầu tiên trong vòng hơn 60 năm qua.

Nhằm thúc đẩy kinh tế, nhiều nước tiếp tục có những nỗ lực mới với những biện pháp mạnh chưa từng thấy. Tại Hội nghị thượng đỉnh tài chính G-20 cuối năm 2008 tại Mỹ, Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sĩ) và nhiều diễn đàn, hội nghị đa phương và song phương khác của nhiều nước trên thế giới đã tập trung vào chủ đề ngăn chặn suy thoái, phục hồi kinh tế.

Để đương đầu hiệu quả với “cơn bão tài chính’’ đang lan rộng hiện nay, ngoài việc cắt giảm lãi suất đã được các ngân hàng trung ương nhiều nước thực hiện từ mấy tháng qua, chính phủ các nước đang tăng cường chi tiêu để kích cầu trong nước nói riêng và trên thế giới nói chung. Phong trào “kích cầu” đang lan rộng và đây là một trong những “toa thuốc” quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế đang bị căn bệnh suy thoái hành hạ.

Đầu tàu của nền kinh tế thế giới là Hoa Kỳ đang cố khởi động cỗ máy bị hỏng hóc của mình. Cả hai viện của Quốc hội Mỹ đã thông qua gói “giải cứu” kinh tế trị giá 838 tỷ USD theo đề nghị của tân Tổng thống Barack Obama. Kế hoạch kích thích kinh tế lớn này được chính quyền Mỹ khẩn trương triển khai vì Obama đã cảnh báo những hậu quả nghiêm trọng nếu chậm trễ, vì “Tình hình chúng ta đối mặt không thể tồi tệ hơn nữa”.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner đã tuyên bố gói giải cứu tài chính có thể lên tới 1,5 ngàn tỷ USD để khôi phục hệ thống tài chính đang lung lay và gói “kích cầu” 838 tỷ USD là lớn chưa từng thấy. Với những chương trình xây dựng hạ tầng, tạo công ăn việc làm, chính sách năng lượng mới, Tổng thống Obama hy vọng sẽ tạo được sinh khí mới cho nền kinh tế lớn nhất thế giới sớm hồi sinh.

Cường quốc kinh tế thứ hai thế giới là Nhật Bản cũng có những hành động mạnh mẽ chưa từng thấy nhằm phục hồi kinh tế nước này. Thủ tướng Taro Aso đã công bố biện pháp kích thích kinh tế bổ sung, trị giá 23.000 tỷ yên (khoảng 255 tỷ USD) nhằm giải quyết những khó khăn của thị trường việc làm, vực dậy thị trường bất động sản đang sa sút và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) thông báo sẽ tiếp tục mua cổ phiếu do các ngân hàng thương mại nắm giữ, nhằm bình ổn hệ thống ngân hàng đang bị lung lay do ảnh hưởng của thị trường chứng khoán tụt dốc.

Việc Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso tuyên bố sẽ viện trợ 17 tỷ USD để giúp các nước châu Á đối phó khủng hoảng tài chính (như một phần nỗ lực giúp châu Á và đó cũng giúp chính đầu tàu kinh tế châu Á là Nhật Bản tránh khỏi suy thoái trầm trọng hơn). Hãng tin AFP cho biết, ngày 13-2, Nhật Bản vừa ký thỏa thuận quy định các điều khoản cam kết cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vay 100 tỷ USD để cung cấp tài chính cho các nước đang phát triển bị khủng hoảng.

Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ ba của thế giới mới nổi lên ngoạn mục cũng đã nếm mùi suy giảm kinh tế. Vì vậy, Trung Quốc đã quyết định tung 586 tỷ USD để kích cầu. Theo báo chí, Trung Quốc sẽ chi thêm 19 tỷ USD tập trung vào các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng…

Các nước EU đã đạt được thỏa thuận về kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 200 tỷ euro (tương đương 1,5% GDP của khối) nhằm đưa khối này thoát khỏi tình trạng suy thoái. Australia đã công bố gói giải pháp mới trị giá khoảng 42 tỷ đôla Australia (tương đương 26 tỷ USD) dành cho hoạt động xây dựng hàng ngàn nhà ở và trường học mới. Brazil cũng đã đưa ra gói cứu trợ mới trị giá 13 tỷ USD với hy vọng giảm thiểu sự ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng thế giới đến nền kinh tế trong nước.

Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã chỉ thị thành lập một ủy ban chính phủ nhằm ngăn chặn khủng hoảng kinh tế ở nước này… Đã có 13 ngân hàng trung ương của các nước lớn trên thế giới liên kết trao đổi tiền tệ nhằm giảm rủi ro và tăng hiệu quả tài chính vào thời kỳ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính năm ngoái, sẽ được kéo dài cho đến ngày 30-10-2009 thay vì vào ngày 30-4-2009 như dự kiến trước đây.

Đối với các nước nghèo, khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang đe dọa đến việc thực hiện các mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Trong báo cáo mới nhất, Ngân hàng Thế giới cho rằng - khoảng 40 trong số 107 nước đang phát triển có nguy cơ bị ảnh hưởng cao và các nước còn lại có khả năng bị ảnh hưởng trung bình, và chỉ có 10% các nước bị ảnh hưởng nhẹ. Ngân hàng Thế giới đã khuyến nghị các nước cần tập trung tài chính để tạo công ăn việc làm, cung cấp các dịch vụ cơ bản, cơ sở hạ tầng và các chương trình an sinh xã hội cho người dễ bị thương tổn.

Chính phủ Việt Nam cũng quyết tâm ngăn chặn suy giảm kinh tế và có những biện pháp mạnh mẽ. Gói “kích cầu” lớn dự kiến khoảng 6 tỷ USD, một con số không nhỏ đối với nền kinh tế của nước ta, đã được tính đến. Trước mắt, kế hoạch chi 17.000 tỷ VND (tương đương 1 tỷ USD) để thực hiện mục tiêu trên của chính phủ đang được triển khai.

Trong bầu không khí ảm đạm của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và chắc chắn cuộc phục hồi rất khó khăn đã xuất hiện một vài tín hiệu có thể lạc quan. Trước hết là những nỗ lực và quyết tâm mạnh mẽ của các chính phủ trên thế giới, từ nước giàu cho đến nước nghèo. Theo IMF, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng trở lại ở mức 2,5% trong quý 3-2009 trong khi khủng hoảng ở châu Âu sẽ kéo dài hơn.

Các chuyên gia của Hãng đánh giá tín nhiệm Standard & Poor’s (S&P) vừa đưa ra nhận định rằng nền kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thể sẽ hồi phục sớm hơn phần còn lại của thế giới. Theo đó, nền kinh tế ở khu vực được cho là khá năng động này có thể hồi phục bắt đầu từ 6 tháng cuối năm 2009, khi các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ phát huy tác dụng.

Còn theo báo cáo mới nhất của ADB, các nước Đông Á mới nổi sẽ tăng trưởng khoảng 5,7% vào năm 2009, giảm so với mức 6,9% trong năm 2008. Nam Á có thể chỉ tăng trưởng kinh tế 6,1% năm 2009.

Tuy nhiên, dự báo vẫn là dự báo. Sự cố của nền kinh tế toàn cầu cần phải có thời gian và nỗ lực khôi phục.

Nguyễn Khắc Đức

Tin cùng chuyên mục