Tiêu dùng nội địa: Động lực phát triển mới của châu Á

Nếu như mười năm trước, nguyên nhân gây ra khủng hoảng nền kinh tế ở châu Á là do sự phụ thuộc quá mức vào nguồn vốn nước ngoài thì cơn khủng hoảng hiện nay lại bắt nguồn từ sự phụ thuộc quá mức vào xuất khẩu. Châu Á có thể thoát khỏi khủng hoảng bằng cách nào? Theo bài viết dưới đây của tờ Challenges thì người dân các nước châu Á cần chi xài mạnh tay hơn, giải trí, mua sắm nhiều hơn… Nói cách khác, tiêu dùng nội địa sẽ là "tàu kéo" mới của nền kinh tế.
Tiêu dùng nội địa: Động lực phát triển mới của châu Á

Nếu như mười năm trước, nguyên nhân gây ra khủng hoảng nền kinh tế ở châu Á là do sự phụ thuộc quá mức vào nguồn vốn nước ngoài thì cơn khủng hoảng hiện nay lại bắt nguồn từ sự phụ thuộc quá mức vào xuất khẩu. Châu Á có thể thoát khỏi khủng hoảng bằng cách nào? Theo bài viết dưới đây của tờ Challenges thì người dân các nước châu Á cần chi xài mạnh tay hơn, giải trí, mua sắm nhiều hơn… Nói cách khác, tiêu dùng nội địa sẽ là "tàu kéo" mới của nền kinh tế.  

  • Đối mặt hai cơn suy thoái  

Nhiều năm dài, nền kinh tế các nước châu Á luôn là kiểu mẫu của sự cẩn trọng. Trong khi các gia đình Âu, Mỹ thỏa sức tiêu xài, tới mức "nợ như chúa chổm" thì người châu Á cắc củm để dành. Trong khi ngân hàng các nước giàu đầy đủ loại "sản phẩm tài chính mạo hiểm" thì các ngân hàng châu Á luôn tỏ ý nghi ngại. Khi các chính phủ Anh, Mỹ buộc phải "cầu viện" mọi nguồn tài chính trên thế giới thì các nước châu Á lại có "kho dự trữ" khá rủng rỉnh. Thế mà giờ đây nền kinh tế các nước này dường như lại bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi cuộc khủng hoảng đang diễn ra trên thế giới.
 

Tiêu dùng nội địa: Động lực phát triển mới của châu Á ảnh 1
Cảng Yantian ở Thâm Quyến, Trung Quốc

Quý IV năm 2008, GDP của Hàn Quốc, Hồng Công, Singpore và Đài Loan sút giảm 15%; xuất khẩu giảm hơn 50%. Giá trị cổ phiếu trên thị trường châu Á giảm gần bằng mức giảm trong cuộc khủng hoảng xảy ra mười năm về trước. Nhưng nếu như cuộc khủng hoảng khi ấy có nguyên nhân ở sự phụ thuộc quá mức vào nguồn vốn nước ngoài, thì lần này, lý do nằm ở sự phụ thuộc quá mức vào xuất khẩu.
 
Một thời gian dài, châu Á là nơi được hưởng lợi nhiều nhất từ sự bùng nổ tiêu thụ Mỹ. Sự suy giảm hiện nay của nền kinh tế Mỹ chính là một tai họa đối với châu Á. Doanh số xuất khẩu năm 2008 của các nước nơi đây giảm 13%, chưa bằng mức giảm ghi nhận được vào những năm 1998 hay 2001 nhưng con số này chẳng mấy sẽ bị vượt qua. Xuất khẩu sút giảm khiến khủng hoảng tín dụng trở nên nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng tới sự trao đổi giữa các nước láng giềng.

Trao đổi thương mại giữa các nước châu Á với nhau giảm mạnh hơn cả trao đổi thương mại Mỹ - châu Âu. Bản báo cáo của hai nhà kinh tế thuộc Ngân hàng HSBC mới đây cho rằng, hiện châu Á đang phải đối mặt cùng một lúc với hai cơn suy thoái, một ở bên ngoài, một ở bên trong.

Thoạt trông, tiêu dùng nội địa có thể góp phần "giảm chấn" cơn sốc do xuất khẩu giảm gây nên nhưng điều này vướng phải hai chướng ngại: Thứ nhất, việc giá các loại lương thực và năng lượng tăng trong quý đầu năm 2008 đã làm cho sức mua của người tiêu thụ cũng như lợi nhuận của các doanh nghiệp bị giảm. Thứ hai, tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, kể cả Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, chính sách tiền tệ nghiêm ngặt nhằm mục tiêu ngăn chặn lạm phát cũng phần nào kìm hãm tiêu dùng.

  •  Biến tiêu thụ thành động lực phát triển  

Khi cơn khủng hoảng qua đi, đâu sẽ là động lực phát triển của nền kinh tế các nước, khi mà thời kỳ bùng nổ tiêu thụ ở Mỹ - yếu tố quan trọng góp phần phát triển nền kinh tế các nước châu Á mười năm qua - đã qua rồi? Trong những năm tới, người Mỹ sẽ phải tiết kiệm nhiều hơn, tức mua sắm từ nước ngoài ít hơn.

Sự phát triển của kinh tế châu Á dựa trên năng lực xuất khẩu dường như cũng đã đạt mức giới hạn. Cần tìm ra động lực phát triển mới. Nhu cầu nội địa, chủ yếu là tiêu dùng, có thể đóng vai trò này. Nhưng điều này không phải có thể thực hiện được ngay. Trong nhiều năm, cùng với sự gia tăng của xuất khẩu thì tiêu dùng trong nước có xu hướng giảm. 20 năm trước, tiêu thụ trong nước chiếm 58% GDP châu Á. Năm 2007, nó chỉ còn chiếm 47%.

Ở Trung Quốc là 37%, ít hơn ở Mỹ tới một nửa. Mười năm trước, khi cơn khủng hoảng diễn ra ở châu Á, nhiều nhà quan sát đã tuyên bố hơi vội vàng rằng "điều kỳ diệu châu Á" đã chấm dứt. Nhưng kinh tế châu Á sau đó đã có bước nhảy vọt, không chỉ nhờ vào sự tiêu dùng của người Mỹ mà còn do các nước này nắm trong tay nhiều chiếc chìa khóa của sự tăng trưởng: Năng lực sản xuất tăng cao, nguồn tiết kiệm dồi dào cung cấp cho đầu tư, hàng rào thuế quan không quá khắt khe, tạo điều kiện thuận lợi cho sự trao đổi, cạnh tranh giữa các nước trong vùng...

Đó là những yếu tố quan trọng giúp châu Á nhanh chóng hồi phục một khi cơn khủng hoảng qua đi. Hơn nữa, người nghèo, người lao động, người tiêu thụ sẽ được hưởng lợi từ sự tăng trưởng này.

 Với tỷ suất tiêu thụ còn thấp và nguồn dự trữ tệ tiền lớn, châu Á có đủ tiềm năng để biến tiêu thụ thành động lực phát triển mới của nền kinh tế. Lần này, người dân châu Á cần phải tiêu dùng nhiều hơn, một sự thay đổi chắc sẽ được nhiều người tán thưởng…. 

NGUYỄN VŨ

Tin cùng chuyên mục