“Đệ nhất gia đình” Mugabe

“Đệ nhất gia đình” Mugabe

Chương trình sinh nhật lần thứ 85 mừng thượng thọ “cụ” Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe đã được ban tổ chức long trọng thông báo dời đến 28-2 (thay vì đúng ngày sinh 21-2). Trước sự thật 7/12 triệu người Zimbabwe đang sống trong nghèo đói nên tiệc sinh nhật Mugabe sẽ được tổ chức “khiêm tốn” với chi phí khoảng nửa triệu đôla!

Theo ZimDaily (số ra ngày 20-2-2009), bữa tiệc sẽ có chừng 500 con bò bị giết thịt, 2.000 chai Moet, Chandon và sâm banh Bollinger 1961; chưa kể 500 chai Johnny Walker “nhãn xanh”, 400 phần trứng cá, 8.000 con tôm hùm… Tính theo tiền Zimbabwe, tiệc sinh nhật Mugabe tốn hơn 12 ngàn tỷ đôla Zimbabwe…

Những chuyến shopping không biết mệt của đệ nhất phu nhân

“Đệ nhất gia đình” Mugabe ảnh 1

Vợ chồng Robert Mugabe.

Hiện không quốc gia nào trên giới có nền kinh tế “rách bươm” ở thời điểm hiện tại bằng Zimbabwe. Tỷ lệ lạm phát, như được công bố chính thức, đã ở mức 231 triệu %. Zimbabwe cũng đang đội sổ về chính sách y tế.

Tỷ lệ trẻ chết khi sinh đã tăng từ 59 (cuối thập niên 90) lên 123/1.000 em (năm 2004). Hệ thống y tế Zimbabwe gần như sụp đổ. Đến cuối tháng 11-2008, ba trong bốn bệnh viện lớn nhất Zimbabwe đã phải đóng cửa; cùng lúc, gần như toàn Zimbabwe đang khủng hoảng nghiêm trọng với dịch tiêu chảy khiến 3.467 người thiệt mạng vài tháng gần đây.

Tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức 94% và 1/5 trong số thanh thiếu niên từ 15-19 tuổi hiện bị nhiễm HIV… Trong khi đó, cá nhân Tổng thống Robert Mugabe cùng gia đình vẫn sống như vua chúa với sự xa xỉ ngoài sức tưởng tượng.

Viết trên Daily Telegraph, phóng viên Peta Thornycroft cho biết “biệt điện” gia đình Mugabe ở thủ đô Harare có chi phí xây dựng khoảng 8,5 triệu USD, một số tiền khổng lồ ở một đất nước mà lương công nhân trung bình chỉ khoảng 8 USD/tháng. Khu biệt thự nằm trên diện tích khoảng 12.000m2, với 25 phòng ngủ nối liền với “hệ thống” spa; mái được lợp bằng ngói Thượng Hải và trần được trang trí bởi thợ mỹ thuật Arab…

Câu chuyện hoang phí của gia đình Robert Mugabe còn dài.

Mới đây, tờ Sunday Times (15-2-2009) cho biết đệ nhất phu nhân Mugabe, bà Grace 43 tuổi, đã chi 92.000 USD cho chuyến đi nghỉ của mình ở châu Á vào tháng 1-2009. Sự việc còn gây chú ý với hình ảnh Grace vung tay đánh một phóng viên khi anh chụp ảnh bà bên ngoài khách sạn Shangri-La (giá phòng 2.800 USD/ngày) ở Hồng Công (lúc đó, Grace đang cầm chiếc ví hiệu Jimmy Choo giá 2.000 USD). Cũng theo Sunday Times, Grace còn mua nhiều dự án bất động sản ở châu Á trong đó có một ngôi nhà trị giá khoảng 5,6 triệu USD ở Hồng Công; chưa kể kế hoạch hùn hạp kinh doanh kim cương ở Trung Quốc. Ngoài ra, gia đình Mugabe còn sở hữu nhiều bất động sản ở châu Á.

Một vụ việc cụ thể vừa được báo chí phanh phui. Đầu năm 2008, một người tên Hsieh Ping-Sung, mà bà Mugabe gọi là “Jack”, đã giúp bà mua lại một biệt thự cực sang từ một người ở Anh. Hsieh mang thông hành Nam Phi (ghi nơi sinh là Durban và năm sinh 1959), có văn phòng ở Harare và thường lưu lại Meikles, khách sạn lớn nhất thủ đô Zimbabwe. Cuối tháng 1-2008, Hsieh bay từ Hồng Công đến Harare, mang theo số hàng gồm quần áo trị giá hàng ngàn đôla.

Đây là “món quà” mà Tổng thống Robert Mugabe dùng tặng cho những người ủng hộ chiến dịch tranh cử tổng thống trước đối thủ Morgan Tsvangirai. 6 tháng sau, ngày 28-6-2008, Cross Global – công ty bình phong của Hsieh – mua căn nhà số 3, ở địa chỉ JC Castle, 18 Shan Tong, Tai Po (Hồng Công) với giá 40 triệu đôla Hồng Công.

Thực chất, Hsieh đã thay mặt Grace để mua bất động sản trên. Cần nói thêm, JC Castle là khu bất động sản nằm trên ngọn đồi bao quanh bởi khung cảnh thôn dã ở cực Bắc Hồng Công. Một phần bất động sản tại đây thuộc sở hữu-khai thác của một trong những người giàu nhất Hồng Công tên Dương Thụ Thành (Albert Yeung) thuộc Tập đoàn Emperor, một ông trùm trong lĩnh vực công nghiệp giải trí - sòng bài mà báo chí địa phương cho biết đương sự có liên quan đến hoạt động tội phạm ngầm của Hội Tam hoàng, từng ra tòa nhưng chưa lần nào bị kết tội (Nghị sĩ Mỹ Stephen Solarz đã bị buộc rút khỏi cuộc chạy đua vào vị trí Đại sứ Mỹ ở Ấn Độ bởi có quan hệ làm ăn với họ Dương).

Có thể hiểu tại sao gia đình Robert Mugabe đang nhắm đến châu Á. Bị cấm visa vào Mỹ và châu Âu nên châu Á đang trở thành thiên đường để họ nghỉ ngơi, mua sắm vung vít và đầu tư kinh doanh. Russell, con trai riêng của Grace (từ cuộc hôn nhân trước với một sĩ quan không quân), hiện học ở Bangkok; trong khi con gái Bona (với Robert Mugabe) đang học tại Hồng Công.

Những người bạn của gia đình tổng thống

Từng quan hệ lén lút với Tổng thống Mugabe hồi còn là cô thư ký riêng (thậm chí có hai con với Mugabe trước khi người vợ đầu của Mugabe chết) cho đến khi trở thành đệ nhất phu nhân, Grace đã xây nhiều dinh thự mà một trong số đó là Gracelands (sau này bán cho gia đình lãnh đạo Qaddafi của Libya).

Dinh thự thứ hai, hoàn thành năm 2007, trị giá đến 26 triệu USD. Nổi tiếng quẳng tiền ra cửa sổ, trong một chuyến du hí Paris, Grace đã xài đến 106.000 USD chỉ trong một ngày; và có lần người ta thấy bà đủng đỉnh dắt theo 15 xe hàng tại phi trường Singapore. Sự “thu vén” cho cá nhân của Grace Mugabe là không giới hạn.

Tại Zimbabwe, dù đã có nhiều nông trại, Grace vẫn sử dụng quyền lực của chồng để buộc tòa tối cao tịch thu đất của một người da trắng để giao cho mình. Bà muốn bất động sản này là một phần trong của hồi môn cho cậu con trai Russell.

Đến nay, vẫn không ai biết chính xác gia tài của nhà Mugabe. Một số nguồn tin cho biết gia đình Mugabe hiện giấu hàng triệu đôla tại một nhà băng ở Kuala Lumpur (Thống đốc Gono và Tướng quốc phòng Constantine Chiwenga cũng có tài khoản trong cùng ngân hàng).

Thú vui nhấp sâm banh của bà được “tài trợ” hào phóng bởi Gideon Gono, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Zimbabwe, người từng mở két chi cho bà 91.000 USD trong chuyến shopping gần đây nhất mà chiếc ví 12.300 USD mua tại Singapore là một ví dụ.

Việc Gono cấp tiền cho Grace tiêu xài từng được thực hiện hồi nhân vật này ngồi ghế điều hành một trong những ngân hàng lớn nhất Zimbabwe - Ngân hàng Thương mại Zimbabwe (bây giờ là Ngân hàng Jewel)…

“Đệ nhất gia đình” Mugabe ảnh 2

7 trên 12 triệu dân Zimbabwe đang chết dần vì đói.

Một trong những người thiết lập “quan hệ châu Á” cho Mugabe là ông chủ Ngân hàng Enock Kamushinda (người Zimbabwe), cố vấn tài chính cho Sally (vợ đầu của Robert Mugabe; chết năm 1992).

Dù rời Zimbabwe bởi bị cáo buộc dính dáng nhiều phi vụ tài chính bất hợp pháp và hiện sống lưu vong, Kamushinda vẫn duy trì quan hệ với Mugabe. Ngoài Kamushinda và Hsieh, gia đình Mugabe còn có nhiều mối quan hệ khác, chẳng hạn với Mahmood Awang Kechik (Malaysia) hoặc Nalinee Joy Taveesin (Thái Lan).

Tháng 11-2008, Bộ Tài chính Mỹ thắt chặt lệnh cấm vận Mugabe. Hậu quả, Kechik lẫn Taveesin bị đưa vào danh sách đen (tài sản họ ở Mỹ bị phong tỏa và người Mỹ bị cấm giao dịch làm ăn với hai đối tượng này).

Ngoài ra, còn phải kể đến Jeffrey Ng, chủ Công ty Microware Systems ở Singapore. Không chỉ là người mua hàng giúp Grace (để tránh bị báo chí dòm ngó và dư luận dèm pha), Jeffrey Ng còn là cầu nối giữa vợ chồng Mugabe với các thành viên gia đình, chẳng hạn với ái nữ Bona hoặc Gabriel (một đứa cháu Mugabe hiện được chữa trị ở Singapore).

Vai trò của Jeffrey Ng đã thể hiện ở buổi tiệc tối mà Tổng thống Mugabe khoản đãi ở khách sạn Mandarin (Singapore) hồi đầu năm 2009... Tuy nhiên, việc Mugabe cất tiền ở châu Á cũng có thể không an toàn khi phương Tây dùng luật chống rửa tiền để gây sức ép lên các ngân hàng châu Á…

***

Trước mắt, nhân dân Zimbabwe vẫn phải tất bật tổ chức tiệc sinh nhật cho nhà lãnh đạo từng phủ bóng quyền lực lên lịch sử Zimbabwe 29 năm qua tại thị trấn Chinhoyi ở tỉnh Mashonaland West. Liên đoàn thanh niên thuộc đảng Zanu-PF của Mugabe đã tổ chức “quyên góp” kinh phí cho tiệc sinh nhật và thu được 110.000 USD vào đầu tháng 2 (con số cuối cùng có thể gấp đôi như “anh em” ở liên đoàn hứa).

Cùng lúc, Robert Mugabe tiếp tục củng cố vị trí “thiên tử” của mình, với chiến dịch trấn áp phe đối lập. Ngày 18-2-2009, Roy Bennett – thành viên thứ ba của cánh đối lập – đã bị buộc tội khủng bố và như vậy tiếp tục lưu lại trong tù ít nhất ba tuần nữa, cho đến khi những mẩu bánh cuối cùng của buổi tiệc sinh nhật tổng thống được bọn trẻ đói Zimbabwe nhặt ăn hết, nếu chúng có thể được phép nhặt… 

Lê Thảo Chi

Tin cùng chuyên mục