UBS và bí mật nhà băng

UBS và bí mật nhà băng

Cuộc tranh cãi bùng nổ sau khi Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ), ngày 18-2, thỏa thuận với Chính phủ Mỹ bồi thường cho nước này khoản tiền 780 triệu USD, đồng thời cung cấp danh sách gần 300 khách hàng (Mỹ) đã được UBS giúp đỡ trốn thuế, để đổi lại việc khỏi bị đưa ra tòa. UBS tưởng rằng như thế vụ “xì căng đan” đã có thể “hóa giải” nhưng thực tế cho thấy “trái bom” về “quyền bất khả xâm phạm bí mật các ngân hàng” chỉ mới vừa được châm ngòi...

“Tiếp tay” cho công dân Mỹ trốn thuế

Đây là việc chưa hề có tiền lệ: Một ngân hàng Thụy Sĩ buộc phải tiết lộ danh tính khách hàng của mình bị kết tội gian lận thuế. Cơ quan thuế Mỹ cho rằng UBS đã giúp đỡ gần 20.000 công dân Mỹ khá giả trốn thuế.

Chưa đầy 24 giờ sau, tối 19-2, trong khi giới tài chính ngân hàng Thụy Sĩ còn chưa hết... bàng hoàng thì phía Mỹ lại tiếp tục yêu cầu UBS cung cấp tên tuổi 52.000 khách hàng Mỹ “có tài khoản bí mật không hợp pháp” với tổng số tài sản lên tới 14,8 tỷ USD.

Lần này, UBS không thể đáp ứng yêu cầu của phía Mỹ, viện dẫn quyền giữ bí mật thông tin khách hàng của các nhà băng. Tòa án Liên bang Thụy Sĩ cấm UBS làm việc đó, luật pháp Thụy Sĩ không cho phép. Ngày 19-2, Bộ Tư pháp Mỹ đã kiện UBS ra một tòa án liên bang ở thành phố Miami, bang Florida.

UBS và bí mật nhà băng ảnh 1

Bí mật nhà băng là bảo bối của ngành ngân hàng Thụy Sĩ

Từ nhiều tháng nay, ngành luật pháp Mỹ tiến hành một cuộc điều tra về những người lãnh đạo của UBS bị nghi ngờ là, trong thời gian từ năm 2000 tới 2007, đã có những hoạt động “xuyên biên giới” nhằm thu hút hàng chục ngàn khách hàng Mỹ giàu có.

Trước đó, UBS cho biết họ quản lý 19.000 tài khoản của những người Mỹ không khai báo nộp thuế, tổng giá trị (các tài khoản này) lên tới 18 tỷ USD. Cho rằng UBS hành xử quá chậm chạp, cơ quan Mỹ yêu cầu chuyển giao ngay lập tức các thông tin nói trên theo một quy chế đặc biệt, nếu không họ sẽ tiến hành những thủ tục pháp lý đưa ngân hàng cùng những người lãnh đạo ra tòa, đồng thời rút giấy phép kinh doanh ở Mỹ của ngân hàng này.

Trước sức ép của Mỹ, nhận định rằng việc này “sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho UBS”, làm lung lay “sự ổn định của hệ thống tài chính Thụy Sĩ”, cơ quan giám sát thị trường tài chính nước này, FINMA, đã đồng ý để UBS cung cấp cho phía Mỹ thông tin về 250 khách hàng của mình.

Cũng với chính những lý do nêu trên, Hans-Rudolf Merz, Tổng thống Thụy Sĩ, tuyên bố nguyên tắc bảo mật (thông tin về khách hàng) của các ngân hàng nước này “không hề suy suyển” và nguyên tắc này không thể bị phá vỡ chỉ bởi một cáo buộc trốn thuế đơn giản.

“Bí mật nhà băng” - đó chính là “thiên bửu bối” của nền kinh tế xứ cúc cu: 7.000 tỷ USD ngoại quốc đang “ngủ” trong két sắt các ngân hàng Thụy Sĩ, các hoạt động tài chính đóng góp 13% GDP cả nước. Trên đài truyền hình, ông Pierre Mirabaud, Chủ tịch Hiệp hội những người kinh doanh ngân hàng Thụy Sĩ, nói “UBS đã quỳ gối trước nước Mỹ chỉ vì nước này dọa đóng cửa UBS”.

Một luật sư ở Zurich cho biết, ông sẽ kiện FINMA ra tòa vì tội xâm phạm quyền bí mật của các nhà băng. Người khác thì cho rằng toàn thể giới tài chính ngân hàng sẽ phải trả giá cho sai lầm của UBS...

Trong khi đó, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu về tài chính thuế lại cho biết “rất tán đồng sự cộng tác của UBS dành cho chính quyền Mỹ” và yêu cầu những đòi hỏi của Liên minh châu Âu trong lĩnh vực này cũng phải được các ngân hàng “đối xử” như đã làm với Mỹ.

Định nghĩa lại “nguyên tắc bí mật” của các nhà băng

Ngày 19-2, UBS cho hay ngân hàng sẽ phản đối trước tòa yêu cầu của cơ quan hữu trách Mỹ đòi cung cấp danh sách 52.000 tài khoản bí mật của khách hàng Mỹ nói trên. Ngày 20-2, cổ phiếu của UBS bị giảm 10,16%, xuống chỉ còn 11,5 franc Thụy Sĩ. Giờ đây, đến lượt các nước châu Âu khác tấn công “nguyên tắc bí mật” của các nhà băng.

Trong một cuộc phỏng vấn trên tờ tuần báo The Observer, Bộ trưởng Tài chính Anh Alistair Darling nói: “ Chúng ta không thể chấp nhận cái nguyên tắc cho phép một số người che đậy tài sản của mình để tránh đóng thuế như điều lẽ ra họ phải làm. Điều này thật bất công đối với những người không có cách nào khác là phải đóng thuế. Thụy Sĩ cần phải điều chỉnh. Nếu muốn là một bộ phận của cộng đồng quốc tế thì nước này phải cởi mở”.

Ông Alistair Darling nhấn mạnh, cơ quan quyền lực Thụy Sĩ cần cải cách các luật về tài chính thuế để nó “hài hòa” với các điều luật đang được thực thi ở các nước châu Âu. Tờ Le Temps (Genève) thì cho rằng, sự kiện nói trên “có thể không giết chết được nguyên tắc bí mật của các nhà băng nhưng chắc chắn sẽ làm thay đổi cách thức quản lý tài sản (cá nhân) xuyên biên giới của các ngân hàng”.

Cũng trong ngày thứ năm, 19-2, một tập hồ sơ dày 300 trang bao gồm nhiều thư điện tử, tài liệu nội bộ của UBS được Tòa án Florida công bố cho thấy những người lãnh đạo UBS nhận thức rõ những mạo hiểm mà họ có thể gặp phải khi tiến hành những hoạt động kinh doanh kể trên (giúp khách hàng Mỹ mở tài khoản bí mật ở Thụy Sĩ), hoàn toàn ngược lại với điều mà FINMA khẳng định trước đó là “những người lãnh đạo cao cấp của UBS không hề biết gì về những hoạt động bất hợp pháp (đối với cơ quan tài chính thuế Mỹ) của một số cộng sự”.

Ngày 22-2, nhân cuộc họp của G20 ở Berlin, một lần nữa Thủ tướng Đức Angela Merkel đề cập tới các “thiên đường (trốn) thuế” và cho biết châu Âu ủng hộ chính sách trừng phạt đối với các “thiên đường” này. Bộ trưởng Ngoại giao Luxembourg Jean Asselborn thì đề nghị nên “định nghĩa lại nguyên tắc bí mật của các nhà băng”. Cũng như Thụy Sĩ, Luxembourg là quốc gia mà luật pháp bảo vệ nghiêm ngặt bí mật thông tin về khách hàng của các nhà băng.

Trong khi chính phủ các nước phải dành những khoản ngân sách khổng lồ do người dân đóng góp bằng việc đóng thuế để “giải cứu” các nhà băng thì việc các ngân hàng “tiếp tay” cho người khá giả trốn thuế là điều khó chấp nhận được. UBS trở thành một “cây cột thu lôi” thu hút sự giận dữ đến từ... mọi phía, trong khi một trận chiến pháp lý hứa hẹn rất ác liệt đang bắt đầu mở ra... 

NGUYỄN VŨ (theo Le Monde và Le Temps)

Tin cùng chuyên mục