Tên lửa tầm xa - con chủ bài của CHDCND Triều Tiên

Tên lửa tầm xa - con chủ bài của CHDCND Triều Tiên

(SGGP-12G).- Những ngày gần đây, dư luận thế giới xôn xao trước thông tin CHDCND Triều Tiên chuẩn bị thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Taepodong-2, có tầm bắn tới tận bang Alaska (Mỹ). Tuy Bình Nhưỡng nói họ chỉ chuẩn bị phóng “vệ tinh” nhưng Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và một số nước khác cho rằng, đó chỉ là bình phong cho một vụ thử tên lửa tầm xa, như hồi năm 2006 CHDCND Triều Tiên từng làm.

Vụ thử gây tranh cãi

Tên lửa tầm xa - con chủ bài của CHDCND Triều Tiên ảnh 1

Một mô hình tên lửa Taepodong-2

Ngày 5-7-2006, CHDCND Triều Tiên đã bắn thử liên tiếp 7 tên lửa có tầm bắn khác nhau. Trong đó, gồm 4 tên lửa tầm ngắn Scud và 2 tên lửa tầm trung Nodong. Các tên lửa này đều rơi xuống biển Nhật Bản (Hàn Quốc gọi là biển Đông), với một tên lửa tầm trung đã bay đến 10 phút.

Nhưng gây chú ý và tranh cãi nhiều nhất là một tên lửa đạn đạo liên lục địa Taepodong-2 được bắn lên từ bãi phóng Musudan-ri (Đông Bắc CHDCND Triều Tiên). Thông tin ban đầu cho biết, sau khi được bắn lên 40 giây, tên lửa này cũng rơi xuống biển Nhật Bản.

Vụ thử tên lửa bất ngờ và gây chấn động này của CHDCND Triều Tiên đã làm các lực lượng quân sự Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc phải đặt trong tình trạng báo động cao. Những ngày sau đó, các chuyên gia quân sự đã đưa ra nhiều đánh giá về các vụ thử tên lửa nói trên.

Các chuyên gia Mỹ, Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc đồng ý rằng 6 tên lửa tầm ngắn và tầm trung không đáng chú ý vì chúng đều dựa trên công nghệ tên lửa Scud của Liên Xô cũ. Tuy nhiên, tên lửa đạn đạo liên lục địa Taepodong-2 mới là tâm điểm gây tranh cãi.

Tên lửa Taepodong-2 này bay trong thời gian quá ngắn nên các vệ tinh do thám không chụp được các hình ảnh rõ để phân tích. Các chuyên gia Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng tên lửa được bắn lên theo phương thẳng đứng và dường như Bình Nhưỡng muốn thử khả năng của Taepodong-2 trong việc đưa vệ tinh nhỏ lên quỹ đạo. Báo Nhật Sankei lại nói, các quan chức quốc phòng Nhật Bản và Mỹ tại Tokyo dẫn dữ liệu ghi nhận được cho thấy, tên lửa Taepodong-2 này được hướng đến Nam Thái Bình Dương, gần đảo Hawaii (Mỹ).

Việc tên lửa Taepodong-2 này chỉ bay được 40 giây rồi rơi xuống biển cũng gây nhiều tranh cãi. CHDCND Triều Tiên tuyên bố vụ thử tên lửa này thành công nhưng các chuyên gia quân sự thế giới lại cho rằng nó đã thất bại do Bình Nhưỡng vẫn chưa làm chủ được công nghệ tên lửa đạn đạo liên lục địa. Theo các chuyên gia Nhật Bản, tên lửa Taepodong-2 nhanh chóng bị rơi chỉ có thể do động cơ đẩy bị chết đột ngột hoặc do quỹ đạo tên lửa quá dốc.

Cuối tháng 7-2006, báo Nhật Mainichi Shimbun cho biết, Chính phủ Nhật Bản nhận định rằng vụ thử tên lửa Taepodong-2 trên là “thất bại hoàn toàn” vì tên lửa đã rơi ngay ngoài khơi bờ biển CHDCND Triều Tiên chứ không phải như lúc đầu được cho là đã bay về phía Nhật Bản gần 650km mới rơi. Trước đó, Mỹ thông báo với Nhật Bản về ghi nhận của vệ tinh do thám cho thấy, tên lửa Taepodong-2 đã bị nổ trên không sau khi mới rời bệ phóng khoảng 1,5km. Phần đầu của tên lửa đã không tách rời được và nhiều phần của tên lửa rơi xuống quanh bãi phóng Musudan-ri.

Ngày 15-7-2006, HĐBA LHQ thông qua Nghị quyết 1695 cấm CHDCND Triều Tiên tiến hành các hoạt động liên quan tên lửa đạn đạo nhưng Bình Nhưỡng lại bác bỏ nghị quyết này và tuyên bố sẽ tiếp tục thử tên lửa.

“Ông kẹ” Taepodong-2

Nhiều chuyên gia quân sự thế giới cho rằng, CHDCND Triều Tiên bắt đầu nghiên cứu chế tạo thế hệ tên lửa Taepodong từ năm 1990. Tháng 5-1990, Bình Nhưỡng cho bắn thử tên lửa Nodong (Taepodong-1) tại bãi phóng Musudan-ri. Theo nhận định của các chuyên gia quân sự Mỹ, thử nghiệm này đã thất bại.

Cuối tháng 5-1993, cũng tại bãi phóng Musudan-ri, Bình Nhưỡng đã thử thành công tên lửa Nodong đầu tiên. Tháng 3-1994, Bình Nhưỡng lại có vụ thử tên lửa Nodong mới đã thay đổi thiết kế. Năm 1995, Mỹ xác nhận CHDCND Triều Tiên đã sở hữu tên lửa tầm xa Taepodong-1. Từ năm 1994 đến 2003, CHDCND Triều Tiên cơ bản hoàn thành các căn cứ phóng tên lửa tầm xa, gồm các căn cứ Chiha-ri, Sangnam-ri, Yongjo-ri, Yongnim-kun.

Cuối tháng 8-1998, tại bãi phóng Musudan-ri, Bình Nhưỡng có cuộc bắn thử tên lửa đẩy Paektusan-1 thu hút sự chú ý của thế giới vì là lần đầu tiên nước này bắn thử một tên lửa 3 tầng. Paektusan-1 dự kiến đưa vệ tinh nhỏ Kwangmyongsong-1 lên quỹ đạo thấp nhưng tầng 3 của tên lửa đã không hoạt động, vệ tinh Kwangmyongsong-1 bị nổ và rơi xuống biển.

Tuy thất bại nhưng vụ bắn thử này đã làm thế giới “choáng” trước khả năng phát triển nhanh của công nghiệp tên lửa CHDCND Triều Tiên. Các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ... nhận ra rằng, lãnh thổ họ có nguy cơ bị tên lửa đạn đạo liên lục địa của CHDCND Triều Tiên nhắm đến.

Năm 2005, lần đầu tiên một tài liệu về tên lửa đạn đạo liên lục địa Taepodong-2 của CHDCND Triều Tiên bị rò rỉ. Theo đó, tên lửa Taepodong-2 dài 35m, đường kính 2,1m, mang một đầu đạn 750kg, có thể là đầu đạn hạt nhân hay vũ khí sinh học, hóa học. Taepodong-2 được thử nghiệm từ năm 2004 với thiết kế 2 tầng dùng nhiên liệu lỏng và được phóng lên từ mặt đất.

Theo các chuyên gia, tên lửa này dễ dàng nâng cấp thành 3 tầng để tăng tầm bắn. Tên lửa Taepodong-2 có tầm bắn lớn, từ 6.000 - 9.000km, nên có thể bay đến nhiều mục tiêu ở Mỹ. Tuy nhiều chuyên gia quân sự cho rằng tên lửa Taepodong-2 có độ chính xác chưa cao nhưng hiện nay, “ông kẹ” này đang được Washington cho là một trong những mối đe dọa hàng đầu của Bình Nhưỡng với Mỹ.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa (intercontinental ballistic missile – ICBM) được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân với tầm bắn trên 5.500km, phóng từ mặt đất hay từ tàu ngầm. ICBM được xem là vũ khí chiến lược trong chiến tranh hạt nhân để phá hủy các mục tiêu quan trọng. Tầm bắn, tốc độ và khả năng hủy diệt lớn là những khác biệt chính của ICBM với tên lửa đạn đạo tầm trung (intermediate-range ballistic missile – IRBM, tầm bắn 3.000 - 5.000km, medium-range ballistic missile – MRBM, tầm bắn 1.000 - 3.000km); tên lửa đạn đạo tầm ngắn (short-range ballistic missile – SRBM, tầm bắn 1.000km) và tên lửa đạn đạo chiến thuật (tartical ballistic missile – TBM, tầm bắn 300km).

THIỆN NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục