Khi cha mẹ chưa làm gương

Giờ tan học, cổng một trường tiểu học trên địa bàn quận 3 đông nghẹt phụ huynh dừng xe chờ đón con. Hai bên cổng chính, dải vỉa hè rộng chừng 3m không còn một chỗ trống. Khi tiếng chuông báo hiệu hết giờ học vang lên, từ các dãy hành lang, học sinh ùa ra như ong vỡ tổ.

Mặc dù nhà trường đã quy định phụ huynh đến đón con chỉ được dừng xe ở khu vực sát cổng trường, không được cho xe chạy vào trong sân, tránh tình trạng xe va chạm với học sinh, nhưng do không muốn chờ đợi lâu nên nhiều người đã bất chấp sự hướng dẫn của lực lượng bảo vệ, đến sau nhưng lại chen lên đứng trước. Hậu quả là khi học sinh di chuyển ra khỏi lớp đã đụng phải dòng xe, tạo thành một đám đông vô cùng hỗn loạn, người - xe chen chúc, mắc kẹt lẫn nhau. Không khí trong trường đã vậy, ngoài cổng trường giao thông càng hỗn độn hơn. Trong đó, người viết đặc biệt chú ý đến hai cô bé mặc áo đồng phục học sinh lớp 2 cùng ùa ra cửa chờ mẹ đến đón.

Khi đã yên vị trên yên xe của phụ huynh, hai em vẫn không quên xoay người lại vẫy tay chào nhau và cùng hẹn ngày mai đến lớp. Tuy nhiên, khi một xe di chuyển thẳng xuống lòng đường hòa vào dòng người đang lưu thông trên đó (đường phía trước cổng trường là đường một chiều, phụ huynh muốn quay đầu xe phải chạy thêm khoảng 30m, gặp giao lộ phía trước mới có lối rẽ sang chiều lưu thông ngược lại) thì xe kia lại bóp còi inh ỏi, xé toạc dòng người đang đứng chờ đón con trên vỉa hè để lưu thông theo hướng ngược lại. Có tiếng trẻ con vang lên: “Hòa ơi, phía trước có chú cảnh sát. Ở lớp cô đã dạy…”, câu nói bị bỏ lửng ở đó. Không biết Hòa, tên của bạn học sinh ngồi trên xe rẽ hướng ngược lại có kịp nghe lời cảnh báo của bạn mình. Nhưng nếu nghe được, không biết Hòa sẽ làm gì khi bạn không phải người trực tiếp điều khiển xe. Hoặc chăng sáng mai khi đến lớp, nếu bị cô bạn kia cắc cớ hỏi vì sao chiều hôm qua xe của mẹ bạn đi ngược chiều thì không biết Hòa sẽ trả lời bạn mình thế nào.

Trước đó, người viết từng nhiều lần chứng kiến cảnh các bạn học sinh xấu hổ với bạn bè vì những hành động không đúng của cha mẹ như điều khiển xe vượt đèn đỏ, không đội nón bảo hiểm khi tham gia lưu thông, vứt bỏ bao ni lông, hộp cơm trước cổng trường… Không biết sau khi chứng kiển cảnh con mình bị bạn bè nhắc nhở, những vị phụ huynh trên cảm thấy thế nào, nhưng hậu quả trước mắt là sẽ làm tổn thương lòng danh dự của con. Kế đến sẽ làm con mất niềm tin vào những điều được thầy cô dạy trên lớp, về lâu dài sẽ gây ảnh hưởng xấu đến quá trình hình thành nhân cách và thói quen của con. Do đó, các bậc phụ huynh trước khi muốn con trở thành người tốt thì bản thân mình phải làm tốt vai trò nêu gương, không thể phó thác hoàn toàn trách nhiệm giáo dục cho nhà trường. Chỉ khi làm được điều đó, trẻ mới có điều kiện phát huy hết những bài học đạo đức được dạy ở trường, trở thành một công dân tốt, sống có ích cho xã hội.

MINH QUÂN

Tin cùng chuyên mục