Kinh nghiệm xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam

Kinh nghiệm xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam

Xây dựng và bảo vệ thương hiệu nông sản ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung là vấn đề đang đặt ra cấp thiết. Từ hội thảo, SGGP xin giới thiệu một số kinh nghiệm của các đơn vị đã thành công trên lĩnh vực này như cà phê Trung Nguyên, CLB Xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam.

Việt Nam là một quốc gia gần 80% dân số sống về nghề nông, một đất nước có rất nhiều đặc sản nổi tiếng của từng địa phương. Như chè Tân Cương, nhãn lồng Hưng Yên, bưởi Năm Roi Bình Minh, cà phê Buôn Ma Thuột, nước mắm Phú Quốc, kẹo dừa Bến Tre… đem lại nguồn kinh tế lớn cho địa phương. Trong những năm gần đây, nông nghiệp Việt Nam không ngừng tăng năng suất, vươn lên vị trí hàng đầu trong xuất khẩu như hồ tiêu, gạo, cà phê, hạt điều, nước mắm Phú Quốc, Agifish, gạo Kim Kê, G7, kẹo dừa Bến Tre… đã xây dựng được thương hiệu ở đẳng cấp quốc tế với mục tiêu xuất khẩu sản phẩm đến những quốc gia tiên tiến trên thế giới.

Kinh nghiệm xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam ảnh 1

Bưởi da xanh Hai Hoa, một trong những thương hiệu có tiếng ở Bến Tre.

Tuy nhiên, công tác dự báo thị trường hiện nay còn kém, dẫn đến việc sản xuất “theo đuôi” thị trường. Cụ thể, hiện nay Việt Nam xuất khẩu rất mạnh về cà phê, mặc dù giá cà phê liên tục giảm sút nhưng chúng ta chỉ tập trung sản xuất loại cà phê nhân giá trị thấp và chỉ bán sản phẩm cà phê thô. Do đó, khi cà phê được mùa thì nông dân bán ra sản phẩm của mình với giá rất thấp.

Trong một số ngành nông sản liên quan đến thế mạnh kinh tế của Việt Nam như trà, gạo, cà phê, chuối, đường, dầu dừa, nghiên cứu cho thấy trong suốt hơn 40 năm qua, giá trị của sản phẩm liên tục giảm giá. Do đó, nếu không xây dựng được những thương hiệu nông sản có giá trị thì e rằng chúng ta khó có thể cạnh tranh trên thị trường.

Thứ hai chất lượng nông sản chưa cao và chưa ổn định. Hàng hóa trưng bày và bảo quản tại các điểm bán nông sản chưa gây ấn tượng cho khách hàng.

Thứ ba, thất thoát sau thu hoạch nông sản rất cao, bảo quản nông sản kém.

Thứ tư, phân phối sản phẩm nông sản xuất khẩu của Việt Nam hơn 90% ở dạng thô; khó có thể bán sản phẩm với giá cao trên thị trường thế giới.

Thứ năm, doanh nghiệp hàng nông sản hiện nay chưa quan tâm đầu tư vào tiếp thị, quảng bá. Trừ một số doanh nghiệp tại các thành phố lớn còn hầu hết các doanh nghiệp đều bán hàng theo phương pháp truyền thống, bày hàng ra bán theo lời giới thiệu. Hầu hết nông sản thị trường trong nước đều không có thương hiệu hoặc có thương hiệu nhưng chưa biết cách quảng bá.

Để tạo được thương hiệu ở đẳng cấp thế giới chúng ta phải tạo ra sản phẩm tốt và ổn định qua việc cải tạo giống cây trồng chất lượng cao, cải thiện công nghệ thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch hiệu quả, nhằm giảm thiểu thất thoát, phát triển số lượng, ổn định chất lượng. Đầu tư công nghệ tập trung vào sản phẩm nông sản có giá trị cao, đầu tư thiết kế bao bì chuyên nghiệp tạo khả năng cạnh tranh quốc tế. Phân phối rộng rãi đến các thị trường kịp đáp ứng nhu cầu của thị trường và kết hợp các nhà phân phối trung gian đem sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Quảng bá mạnh mẽ thuyết phục người tiêu dùng trong việc đầu tư vào xây dựng, quảng bá thương hiệu đến đối tượng mục tiêu.

Để làm được việc này cần có sự phối hợp và liên kết của sáu nhà: nhà khoa học, nhà nông, nhà kinh doanh, nhà nước, nhà băng, nhà truyền thông để cùng nhau xây dựng những thương hiệu mạnh cho nông sản Việt Nam. Chúng ta có thể tự hào giới thiệu những sản phẩm thương hiệu mạnh về nông sản như những tài sản, tài nguyên quý giá của đất nước đến với thế giới.

Quốc Hùng thực hiện

Tin cùng chuyên mục