Doanh nghiệp vừa là nạn nhân vừa là tác nhân của tham nhũng

(SGGPO). – Trong 2 ngày 30, 31-10 tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ (TTCP), Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cùng Đại sứ quán Anh tại Việt Nam đã đồng tổ chức hội thảo “Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp, thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh tại Việt Nam”. Đây là sự kiện trước thềm “Đối thoại phòng, chống tham nhũng lần thứ 12” được tổ chức tới đây.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng TTCP Trần Đức Lượng cho biết, hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng tham nhũng  được coi là vấn đề đáng quan ngại thứ hai, chỉ sau giá cả sinh hoạt đắt đỏ. Có tới 60% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng “chi phí không chính thức là khá tốn kém cho doanh nghiệp”; 57% số doanh nghiệp cho rằng “chi phí không chính thức tạo ra môi trường kinh doanh không công bằng giữa các doanh nghiệp”.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của TTCP và Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết một thực tế khác, đó là 30% số trường hợp doanh nghiệp đưa hối lộ là do công chức gợi ý, nhũng nhiễu; còn lại có tới 70% số trường hợp đưa hối lộ là do doanh nghiệp chủ động thực hiện. Thực trạng đó chứng tỏ doanh nghiệp vừa là nạn nhân vừa là tác nhân của tham nhũng.

Ông Trần Đức Lượng cũng nói, những kinh nghiệp thành công của các thương hiệu lớn như Mercedes, IBM, Siemens hay Vinamilk cho thấy, bên cạnh bí quyết công nghệ và các lợi thế so sánh, các doanh nghiệp thành công đều có nền tảng quản trị chuyên nghiệp, có triết lý và văn hóa kinh doanh, trong đó liêm chính được coi là một trong những giá trị cốt lõi.

Một số báo cáo được công bố tại đây cũng khẳng định, nạn tham nhũng, hối lộ trong hoạt động của doanh nghiệp đã trở thành một thách thức đối với châu Á và toàn cầu. Tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp của một cán bộ công chức trong “mối quan hệ giữa doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước” là khá phổ biến, hậu quả là làm tăng chi phí, mất thời gian, giảm hiệu quả hoạt động và gây tâm lý bức xúc cho doanh nghiệp.

Việc hình thành các “nhóm lợi ích” là hiện tượng không mới, nhưng rất đáng lo ngại vì đã tác động tiêu cực, làm biến dạng các quan hệ thị trường, tạo lợi thế cạnh tranh không chính đáng cho “nhóm lợi ích”, gây thiệt hại cho các nhóm đối tượng khác trong xã hội. Hối lộ thương mại cũng là một thực trạng khá phổ biến trong “mối quan hệ giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp, đáng ngại là tình trạng doanh nghiệp đã hối lộ hay chi trả “phí môi giới” khi vay vốn tại các Ngân hàng thương mại khi tham gia đấu thầu, tiếp cận các chính sách ưu đãi…

Dự kiến Chương trình Đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 12 sẽ được tổ chức với chủ đề “Vai trò của doanh nghiệp và khu vực tư trong công tác phòng chống tham nhũng” vào ngày 12-11 tới đây.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục