Phán quyết sơ bộ của Bộ Thương mại Hoa Kỳ về vụ kiện bán phá giá tôm

Một quyết định vô lý

Như SGGP đã đưa tin, vào đêm 6-7 (trưa ngày 6-7 theo giờ Washington), Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ra phán quyết sơ bộ về vụ kiện bán phá giá tôm, áp đặt mức thuế nhập khẩu cao đối với tôm Việt Nam. Ngay sau khi DOC công bố phán quyết sơ bộ, các công ty nhập khẩu tôm của Hoa Kỳ đã bày tỏ sự thất vọng và lo lắng.
Một quyết định vô lý

Như SGGP đã đưa tin, vào đêm 6-7 (trưa ngày 6-7 theo giờ Washington), Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ra phán quyết sơ bộ về vụ kiện bán phá giá tôm, áp đặt mức thuế nhập khẩu cao đối với tôm Việt Nam. Ngay sau khi DOC công bố phán quyết sơ bộ, các công ty nhập khẩu tôm của Hoa Kỳ đã bày tỏ sự thất vọng và lo lắng. 

  • Chính người tiêu dùng Hoa Kỳ bị thiệt hại
Một quyết định vô lý ảnh 1
Các doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá tôm. Ảnh Thành Tâm

Ông Wally Stevens, Chủ tịch Nhóm đặc trách tôm Hoa Kỳ (tổ chức do Liên minh Hành động thương mại ngành công nghiệp tiêu dùng và Hiệp hội Các nhà phân phối thủy sản Hoa Kỳ lập nên để phản đối sự vô lý của vụ tôm) đã lên tiếng chỉ trích phán quyết của DOC là bất công và hoàn toàn sai trái. “Quyết định về chính sách thương mại sai lầm này của chính quyền Hoa Kỳ có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. DOC đã quyết định áp các mức thuế cao nhất có thể đối với nhiều công ty xuất khẩu độc lập, và điều đó không giúp giải quyết được vấn đề tồn tại lâu nay của ngành khai thác tôm Hoa Kỳ, trong khi rõ ràng vụ kiện này đang gây thiệt hại cho chính người tiêu dùng và những người đang làm việc trong ngành công nghiệp chế biến tôm trên toàn Hoa Kỳ”. 

Ông Wally Stevens cũng cho rằng những ngư dân khai thác tôm Hoa Kỳ không thể né tránh việc giải quyết khó khăn của chính họ bằng cách trút gánh nặng lên người tiêu dùng và các công ty kinh doanh tôm nhập khẩu có chất lượng cao với giá cả hợp lý. Vì vậy, Nhóm đặc trách tôm sẽ tiếp tục đấu tranh nhằm giảm hoặc tiến tới loại bỏ mức thuế bất công này. 

Vụ kiện tôm sẽ làm cho bức tranh thương mại toàn cầu thêm phức tạp. Hải sản không nằm trong những thỏa thuận nông nghiệp của Tổ chức thương mại thế giới nhưng trường hợp này sẽ làm gia tăng những lời chỉ trích Mỹ trốn tránh trách nhiệm đối với các nước đang phát triển. Nó cũng sẽ làm phức tạp các cuộc đàm phán với Trung Quốc và góp phần ngăn cản tiến trình thành lập khu vực tự do thương mại châu Mỹ mà Mỹ đang đàm phán với các nước Mỹ Latinh. 

  • Thiếu khách quan trong cách tính giá thành tôm VN

Tại Việt Nam, ngày 7-7, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã ra thông cáo cực lực phản đối quyết định sơ bộ của DOC vừa được công bố. “Các doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá sản phẩm tôm, không gây thiệt hại cho ngành đánh bắt và nuôi tôm Hoa Kỳ. Quyết định không công bằng của DOC sẽ ảnh hưởng nguy hại đến cuộc sống và sinh kế của hàng triệu công dân nuôi tôm ở các địa phương ven biển và hàng chục vạn công nhân trong các nhà máy chế biến tôm của Việt Nam, đồng thời gây hại trực tiếp cho người tiêu dùng tôm và đe dọa việc làm của hàng vạn người lao động Hoa Kỳ trong những lĩnh vực liên quan đến sản phẩm tôm nhập khẩu”, VASEP khẳng định. 

Trong phản ứng của mình, các doanh nghiệp Việt Nam cũng nhận thấy rõ, bất chấp các cộng tác tích cực của doanh nghiệp Việt Nam, DOC đã không xem xét kỹ lưỡng và toàn diện các tư liệu do doanh nghiệp Việt Nam cung cấp, thiếu khách quan trong cách tính toán giá thành sản phẩm tôm Việt Nam, không sử dụng giá tôm nguyên liệu thực tế mà dùng các số liệu không phản ánh đúng tính chất thị trường của nền kinh tế Việt Nam. DOC cũng đã bỏ qua những lợi thế cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam: điều kiện tự nhiên thuận lợi, môi trường không bị ô nhiễm, hệ sinh thái rừng ngập mặn được bảo vệ, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất tôm, tính cần cù và sáng tạo, chi phí thấp của người lao động Việt Nam luôn nỗ lực vươn lên để thoát nghèo. 

  • DOC áp đặt mức thuế quá cao

Phán quyết sơ bộ của DOC với kết luận các doanh nghiệp Việt Nam “bán phá giá” các sản phẩm tôm vào Hoa Kỳ đã áp đặt thuế nhập khẩu tôm của Việt Nam là từ 12,11% đến 93,13%. Trong đó, biên phá giá riêng biệt cho 4 doanh nghiệp bị đơn bắt buộc là từ 12,11% đến 19,6% (cụ thể: Công ty XNK Thủy sản Minh Phú 14,89%; Công ty Kim Anh 12,11%; Công ty cổ phần Thủy sản Minh Hải 18,68% và Công ty Chế biến thủy sản và xuất nhập khẩu Cà Mau 19,6%). Ngoài ra DOC còn áp đặt biên phá giá trung bình 16,01% cho 17 bị đơn tự nguyện và mức thuế rất cao, 93,13% cho tất cả các bị đơn khác, kể cả 17 doanh nghiệp đã tự nguyện trả lời câu hỏi phần A của DOC. 

VASEP kiên quyết yêu cầu DOC nghiêm túc xem xét lại quyết định không công bằng đó trước khi họ đưa ra quyết định cuối cùng vào ngày 24-11-2004. Đồng thời kêu gọi quốc hội, các cơ quan chính quyền, nhân dân, công luận Hoa Kỳ cùng lên tiếng đòi DOC và Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ phải xem xét vụ kiện một cách khách quan, minh bạch trong các giai đoạn tiếp theo của vụ kiện.
Theo các doanh nghiệp Việt Nam, mức thuế mà DOC áp đặt cho Việt Nam là quá cao, đe dọa trực tiếp tới cuộc sống của 3,5 triệu người lao động đang sống nhờ ngành tôm tại Việt Nam.

VIỆT TRUNG - PHAN PHƯƠNG

 Ông HỒ QUỐC LỰC, Chủ tịch VASEP, Giám đốc Công ty FIMEX VN: Vụ kiện đi ngược lại tinh thần tự do thương mại

Với mức thuế áp đặt này, DOC đã thiếu khách quan trong cách tính toán, cho thấy thực chất vụ kiện là biện pháp bảo hộ mậu dịch, đi ngược lại tinh thần tự do thương mại và cạnh tranh bình đẳng. DOC cần xem xét lại mức thuế vì các doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá tôm.
Để nâng cao hiệu quả chế biến tôm sú xuất khẩu, theo tôi cần quan tâm đến là phương pháp nuôi, lưu thông sau thu hoạch và chế biến. Ở khâu chế biến cần quy hoạch cân đối giữa công suất nhà máy và nguồn nguyên liệu, đồng thời chú trọng việc tìm hiểu thị trường, thâm nhập thị trường phù hợp với khả năng.

Ông TIÊU CẨM CHÂU, Tổng Giám đốc Công ty Chế biến Thủy sản Út Xi (Sóc Trăng): Tiếp tục đấu tranh, đeo đuổi vụ kiện

Trong số 17 doanh nghiệp bị áp đặt mức thuế 93,13% có doanh nghiệp của chúng tôi, nói chung đều tỏ ra bất bình. Ví dụ như đơn vị của chúng tôi là một trong những đơn vị theo đuổi vụ kiện từ đầu. Cần nói rõ thêm, Công ty Chế biến Thủy sản Út Xi là một đơn vị kinh doanh khép kín: từ nuôi trồng đến chế biến… việc bán phá giá tôm là phi lý. Công ty tiếp tục đấu tranh (thuê luật sư) theo đuổi đến quyết định cuối cùng vào đầu năm 2005.

Ông LÊ VĂN QUANG, Tổng Giám đốc Công ty Xuất – Nhập khẩu Minh Phú (Cà Mau): Vẫn duy trì sản lượng xuất khẩu vào thị trường Mỹ

DOC đã áp đặt mức thuế, nhưng chúng tôi tiếp tục duy trì sản lượng xuất khẩu vào thị trường Mỹ, chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của công ty. Giá thu mua tôm thành phẩm trong nước có thể giảm nhẹ 4.000đ – 5.000đ/kg. Đồng thời, chúng tôi sẽ cơi nới thị trường ở Nhật Bản, châu Âu, Úc, Canada – nơi đang giữ khoảng 30% thị trường xuất khẩu của công ty.

L.B. – C.PH. (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục