Nghĩa tình tháng 7

Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất (ở thị trấn Long Đất, huyện Long Hải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) có khuôn viên rất rộng và yên bình, đẹp như một khu resort. Hai bên hồ nước là dãy nhà dành cho các cô chú thương binh…
Thương binh Huỳnh Thị Mai bị chấn thương cột sống, liệt 2 chân, được Trung tâm Long Đất chăm sóc suốt 40 năm qua
Thương binh Huỳnh Thị Mai bị chấn thương cột sống, liệt 2 chân, được Trung tâm Long Đất chăm sóc suốt 40 năm qua
Ước mong giản dị, đơn sơ Chúng tôi ghé phòng bà Huỳnh Thị Mai - nữ quân y của chiến khu Trảng Bàng (Tây Ninh) năm xưa. Năm nay bà Mai 67 tuổi rồi, vậy mà ánh mắt vẫn khá tinh anh và nụ cười rất trẻ. Bà Mai bồi hồi kể: “Quê tôi là vùng trồng cây lấy lá làm thuốc hút. Nhà tôi trồng mấy công đất. Vào một đêm, tôi đi thăm rẫy thì hỡi ơi, lính đã đốt tan hoang. Tôi về nhà soạn mấy bộ đồ rồi quày quả đi vào rừng theo quân giải phóng. Khi ấy, tôi vừa tròn 16 tuổi. Năm 1969, trạm quân y bị địch tấn công, khi đang đưa thương binh nặng xuống hầm tránh pháo thì tôi bị trúng đạn, chấn thương cột sống, từ đó không thể di chuyển được nữa. Nhìn lại cuộc đời mình, tôi chỉ tiếc một điều là bị thương quá sớm, chưa cống hiến được gì nhiều cho cách mạng”. Trung tâm Long Đất có 2 khu vực riêng biệt. Khu thương binh tổng hợp (liệt, lao, đa vết thương…) ở phía ngoài, còn khu thương binh tâm thần phân liệt ở bên trong. Bước qua khỏi cánh cửa gỗ, chúng tôi đến khu thương binh bị tổn thương về tâm thần. Không gian im phăng phắc. Gần 11 giờ, các cô chú đã dùng xong bữa trưa và trở về phòng. Bác sĩ Vũ Anh Tuấn, Trưởng phòng Y tế phục hồi, hạ giọng nói thật nhỏ khi đưa chúng tôi tham quan khu điều dưỡng. Bất ngờ ông Tuấn dừng lại bên một người bệnh và gọi nhỏ: “Cô Mong chưa ngủ à? Vậy ra đây nói chuyện chơi, cô Mong ơi!”. Dù đã được giới thiệu trước, nhưng chúng tôi vẫn hết sức ngỡ ngàng khi tiếp xúc với bà Mong. Bà Nguyệt ở phòng kế bên nghe chúng tôi nói chuyện cũng lục tục lấy chìa khóa mở cửa bước ra. Bác sĩ Tuấn giới thiệu: “Cô Nguyệt kiên trung lắm. Bị địch tra tấn, chịu nhục hình vẫn không rên la một tiếng nào. Cô không sợ gì hết, chỉ sợ… ăn trộm!”. Bà Trương Thị Mong và Trương Thị Nguyệt (đều gần 70 tuổi) khi xưa cùng là chiến sĩ biệt động tại Huế, nay về ở chung trại điều dưỡng. Bà Nguyệt bị địch bắt khi vừa tròn tuổi đôi mươi, trải qua nhiều nhà tù và chịu nhiều cực hình tra tấn dã man. Năm 1973, bà Nguyệt được trao trả tại Lộc Ninh với thân thể không còn nguyên vẹn. Bà Nguyệt đã qua nhiều trại điều dưỡng và năm 1978 thì dừng chân ở Trung tâm Long Đất. Bà Mai may mắn hơn, không bị địch bắt tù đày, nhưng nhiều ngày liền sống dưới bom đạn đã khiến bà bị thương nặng cả 2 tai và bị tâm thần phân liệt. Di chứng của cuộc chiến tranh tàn khốc, ác liệt đó đã khiến 2 bà rơi vào tình trạng “nhớ nhớ quên quên”. Trò chuyện với chúng tôi, câu chuyện thường đứt quãng, chuyện nọ xọ chuyện kia. Nghe hỏi về mong ước của mình, bà Nguyệt ân cần nắm tay chúng tôi khẽ nói: “Tụi tôi chỉ mong các cô chú và mấy đứa nhỏ đến thăm nói chuyện cho vui!”. Một mơ ước giản dị, đơn sơ mà làm nhói lòng người!Với trách nhiệm và tấm lòng biết ơn Trung tâm Long Đất đang quản lý, nuôi dưỡng, điều trị 38 thương binh nặng, trong đó có 19 thương binh bị tâm thần phân liệt; đồng thời hỗ trợ, chăm sóc 22 thương binh nặng đang an dưỡng tại Làng thương binh nằm kế bên trung tâm. Từ khi thành lập đến nay, trung tâm đã nuôi dưỡng và điều trị hơn 500 lượt thương binh nặng và đưa hơn 350 thương binh về sinh sống tại quê nhà. Hàng năm, trung tâm còn nhận điều dưỡng luân phiên cho hơn 2.000 lượt người có công ở các tỉnh - thành phía Nam. Các cán bộ, nhân viên y tế phục vụ tại trung tâm là những bác sĩ, điều dưỡng giỏi, ngoài nghiệp vụ chuyên môn, họ đều có tấm lòng thương yêu, kính trọng thương bệnh binh như người thân cao tuổi của mình. Bác sĩ Vũ Anh Tuấn - người có 22 năm công tác tại trung tâm - chia sẻ: “Các cô chú đã không tiếc máu xương, hy sinh tuổi thanh xuân cho công cuộc kháng chiến, chống giặc ngoại xâm. Đất nước phồn vinh như ngày hôm nay, chúng ta được yên ổn học hành, sinh sống là nhờ công lao trời biển của các cô chú. Vì lẽ đó, chúng tôi đều tâm niệm phục vụ các cô chú thật chu đáo, thực sự bằng trách nhiệm và tấm lòng đền ơn đáp nghĩa. Nhiều lúc có cô chú bị kích động, la mắng, chửi bới, đập phá, trèo cây…, chúng tôi luôn nhẹ nhàng thuyết phục, động viên, chứ không bao giờ cãi lại, vì biết rằng trước sau cô chú cũng sẽ dịu lại và bình tâm”.
Nhắc đến những ngày đầu ở Trung tâm Long Đất, bác sĩ Phan Bá Thống, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Trung tâm, cho biết: “Năm 1989, trở về từ chiến trường Campuchia, tôi được tổ chức phân công làm việc tại đây. Lúc đó, nơi này còn hoang sơ hẻo lánh lắm. Chế độ, chính sách, thuốc men cho thương binh, người có công chưa đầy đủ như bây giờ. Ở trung tâm có khá nhiều thương binh nặng từ các tỉnh, thành chuyển đến, nhiều cô chú mất cả tứ chi. Điều trị vết thương nặng và bị đau nhức âm ỉ lâu ngày, phải sử dụng morphin. Có chú đau quá chịu không nổi, đêm nào cũng đến đập cửa phòng tôi đòi thuốc. Bây giờ đỡ nhiều rồi, nhờ khoa học tiến bộ, thuốc men đầy đủ. Cơ ngơi của trung tâm cũng được lãnh đạo các cấp và xã hội quan tâm xây dựng khang trang, sạch đẹp”.

Tin cùng chuyên mục