Nhiều môi trường sáng tạo cho giới trẻ

Bằng nhiều hình thức, các trường phổ thông tại TPHCM đang nhân rộng mô hình giáo dục STEM, tạo cơ hội cho học sinh tiếp xúc, nuôi dưỡng đam mê ý tưởng sáng tạo.
Học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3, hào hứng say mê với ý tưởng sáng tạo ở phòng thực hành STEM
Học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3, hào hứng say mê với ý tưởng sáng tạo ở phòng thực hành STEM
Thỏa thích sáng tạo 

Sau gần 2 tháng đi vào hoạt động, phòng thực hành STEM của Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3, TPHCM đã trở thành nơi ươm mầm những ý tưởng sáng tạo của học sinh. Là một trong những phòng thực hành STEM đầu tiên thuộc trường công lập tại TPHCM, nơi đây được đầu tư bài bản với 16 bộ thiết bị công cụ, 1 máy in và quét 3D cùng nhiều đồ dùng cần thiết khác.
Từ khi có phòng thực hành STEM, các học sinh của trường đều hứng thú với hoạt động ngoại khóa hấp dẫn này. Chỉ cần có ý tưởng, đam mê sáng tạo, biết vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn là các cô cậu học trò có thể tự do mày mò thiết kế, tạo ra những sản phẩm mình yêu thích. Với những bộ thiết bị dụng cụ đa dạng, nhiều nhóm học sinh lớp 9 có thể trải nghiệm thực hành về vận tốc của nước, tạo ra mô hình rót nước tự động hoặc thiết kế máy lạnh sử dụng bằng nguyên liệu hơi nước… Tuy mới dừng ở ý tưởng, mô phỏng sản phẩm nhưng học trò nào cũng cảm thấy thích thú vì được tự do thử nghiệm sáng tạo, ứng dụng những kiến thức đã học vào thực tế. 

Theo chia sẻ của một nhóm học sinh lớp 9/6, các em đang thiết kế máy lạnh sử dụng bằng nguyên liệu hơi nước và phòng STEM này đã hỗ trợ, đáp ứng tất cả mọi nguyên liệu mà nhóm cần.

TS Phạm Đăng Khoa, Hiệu trường Trường THCS Lê Quý Đôn, cho biết: “Việc đầu tư đưa phòng thực hành STEM vào sử dụng nhằm đổi mới phương pháp dạy và học; giúp học sinh có điều kiện trải nghiệm thực hành, phát huy tư duy, ý tưởng sáng tạo. Từ môi trường này, các em có thể vận dụng kiến thức của các bộ môn Công nghệ, Khoa học, Kỹ thuật và Toán học để phát triển ý tưởng, tạo ra những sản phẩm mình yêu thích”. Để phòng thực hành STEM phát huy hiệu quả, giáo viên các bộ môn Lý, Hóa, Sinh, Công nghệ, Tin học, Toán, Mỹ thuật của trường đã thảo luận và thiết kế khung chương trình hoạt động cụ thể tại đây. Theo đó, năm học 2017-2018 sẽ có 9 chuyên đề về STEM được triển khai và mỗi chuyên đề được thực hiện trong thời gian 1 tháng. Học sinh các khối lớp tham gia các chuyên đề hoạt động theo hình thức câu lạc bộ ngoại khóa dưới sự hướng dẫn của các thầy, cô giáo trong nhà trường. 

Phụ huynh chủ động đưa con đến với STEM

Không chỉ các trường phổ thông đẩy mạnh giáo dục STEM cho học sinh, gần đây, các sân chơi thực hành STEM ở TPHCM cũng được nhân rộng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Tại nhiều trung tâm STEM, các chuyên gia, giáo viên không chỉ hướng dẫn học sinh thực hành trải nghiệm mà còn đưa ra những bài học mới lạ, trình diễn các sản phẩm đặc sắc, tạo sức hút đối với học sinh. Cụ thể như lắp ráp mô hình robot, làm tên lửa từ vỏ chai nước, tìm hiểu cấu trúc cơ thể người, “Chiến binh toán học”, “Tư duy lập trình cho trẻ em”, biểu diễn mô hình máy bay, ghép tranh toán học… 

Điều đáng khích lệ là ngày càng có nhiều phụ huynh quan tâm và hướng con em mình đến với sân chơi trí tuệ, sáng tạo này. Gần đây, vào dịp cuối tuần, nhiều phụ huynh, học sinh tìm đến Trung tâm Innovation Space thuộc KDI Education (Nhà Thiếu nhi TPHCM) để trải nghiệm không gian sáng chế đầy thú vị. Hòa mình trong môi trường kích thích ý tưởng sáng tạo này, các học sinh tiểu học, THCS thỏa thích phát triển tư duy, năng lực thiết kế theo ý mình. Tập trung cao độ vào ý tưởng “thiết kế con tàu vũ trụ”, cậu bé Hoàng Bảo Sơn, học sinh lớp 4 Trường Tiểu học An Khánh (quận 2, TPHCM) hầu như quên thời gian. Tương tự, Dương Minh Huy, học sinh lớp 6 Trường THCS Huỳnh Khương Ninh cũng mày mò thiết kế “chiếc tàu thủy” hiện đại. Em Huy chia sẻ rằng, mỗi tuần đều dành từ 3 - 5 giờ ở sân chơi này và cảm thấy được sống với đam mê thiết kế, tạo ra sản phẩm mà mình yêu thích. Ở một góc khác, một nam sinh đang điều khiển chiếc máy cắt laser hiện đại để cắt những chi tiết tinh xảo từ mảnh gỗ để ghép thành chiếc tàu thủy. Dưới sự hướng dẫn của đội ngũ chuyên viên, mỗi học sinh được thả hồn bay bổng với các ý tưởng thiết kế sáng tạo. Tham khảo sân chơi STEM này, nhiều phụ huynh cảm thấy bị thuyết phục và muốn đăng ký cho con theo học để khám phá và phát triển tư duy, năng lực sáng tạo.  

Theo chia sẻ của anh Đinh Thiên Phúc, Giám đốc Trung tâm Innovation Space (KDI Education), phương pháp giáo dục ở đây được phát triển bởi Harvard School of Education. Học sinh được khuyến khích quan sát, đặt nhiều câu hỏi để hiểu mọi vật được thiết kế như thế nào, từ đó phát hiện ý tưởng thiết kế độc đáo cho mỗi cá nhân. Thông qua cách làm, học theo dự án, đặt nhiều câu hỏi mở, tình huống thực tế… học sinh sẽ phát triển kỹ năng  giải quyết vấn đề, có tư duy phản biện, ý tưởng thiết kế, sáng tạo... Đây là những kỹ năng cần thiết hàng đầu để bước vào tương lai - kỷ nguyên thống trị của công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo. Trong xu thế hội nhập thế giới, Việt Nam đang sẵn sàng chuyển đổi sang một nền kinh tế tri thức, tạo đà cho những phát triển xa hơn về STEM, tiến tới cạnh tranh trên sân chơi toàn cầu.

Tin cùng chuyên mục