Thuế thu nhập cá nhân

Muốn khả thi, chính sách phải gắn với biện pháp

Muốn khả thi, chính sách phải gắn với biện pháp

Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là sắc thuế nhạy cảm và phức tạp vào bậc nhất trong các sắc thuế ở nước ta. Thuế này trực tiếp đụng vào túi tiền của đại chúng trong điều kiện mức sống của đa số dân còn thấp, lại không am tường pháp luật và thủ tục thuế, cũng chưa có đủ ý thức công dân để thật thà khai báo thu nhập.

Khả năng kiểm soát và chứng minh thu nhập cá nhân rất hạn chế, đặc biệt đối với khu vực hành nghề tự do và kinh doanh nhỏ. Đối tượng nộp thuế đa dạng, thu nhập tính thuế không đồng nhất, bao gồm từ tiền công, tiền lương của người lao động đến lãi của những nhà kinh doanh, nhà đầu tư và nhiều trường hợp khác nữa. Tính nhạy cảm và phức tạp như vậy đòi hỏi phải rất thận trọng để tránh những sai sót không đáng có trong chính sách và biện pháp, có thể tạo ra những phản ứng xã hội.

Muốn khả thi, chính sách phải gắn với biện pháp ảnh 1

Doanh nghiệp, người dân đến khai thuế ở Cục Thuế TPHCM. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Để tránh sai sót cả về mặt chính sách và biện pháp thì hai mặt này phải được xem xét và quyết định thống nhất ngay từ đầu trong mối quan hệ lệ thuộc, chế ước lẫn nhau. Một chính sách thuế được cho là công bằng, nếu không có biện pháp khả thi, tất yếu sẽ dẫn tới bất công trong thực tế. Thực tế thu thuế TNCN hiện hành đối với những người hành nghề tự do cho thấy rõ như vậy.

Tuy nhiên, theo dõi các hội thảo về dự luật Thuế TNCN cũng như quá trình thảo luận dự luật này tại Quốc hội, có thể thấy các nhà soạn thảo luật chỉ tập trung chú ý vào mặt chính sách, các vấn đề biện pháp hầu như chưa được đề cập đủ cụ thể và đúng với tầm quan trọng của nó. Nếu tiếp tục cách làm này, việc triển khai thi hành luật sẽ khó lòng suôn sẻ. Đó là thực tế đã diễn ra khi thi hành Luật Thuế Giá trị gia tăng, Thuế Thu nhập doanh nghiệp những năm trước đây.

Để bảo đảm sự thống nhất giữa chính sách và biện pháp ngay từ đầu, đề nghị Quốc hội đòi hỏi các nhà soạn thảo luật giải trình biện pháp. Và Quốc hội chỉ thông qua từng chính sách khi biện pháp được giải trình có tính khả thi, trả lời được rõ ràng, cụ thể và có sức thuyết phục câu hỏi: Tính thuế thế nào? Xin nêu một vài câu hỏi như những thí dụ.

1- Theo dự luật, thu nhập chịu thuế từ kinh doanh của hộ nhỏ được xác định bằng cách lấy doanh thu trừ đi chi phí. Hỏi: Đối với các hộ nhỏ trước nay vẫn thu Thuế Giá trị gia tăng và Thuế Thu nhập doanh nghiệp bằng cách khoán thì cách tính doanh thu và chi phí những hộ này thế nào?

2- Đối với thu nhập từ lao động của những người thu nộp tại nguồn, cách thu đối với những người có thu nhập ở nhiều nơi, cách quyết toán và hoàn thuế như thế nào để bảo đảm đơn giản về thủ tục mà lại không thất thu, giải quyết nhanh gọn, không phiền hà cho người nộp thuế. Cách thu đối với những người hành nghề tự do làm sao đơn giản thủ tục nhưng đặt được thu nhập của họ vào tầm kiểm soát của cơ quan thuế. Đây là hai vấn đề về mặt biện pháp còn chưa được giải quyết ổn thỏa, mặc dù thuế TNCN hiện hành đã có lịch sử gần 20 năm.

3- Biện pháp thu thuế trong những trường hợp chuyển nhượng chứng khoán. Đối với những chứng khoán giao dịch qua thị trường chứng khoán, dự luật quy định thu tại nguồn, tức là qua các công ty chứng khoán. Vậy các công ty này vừa phải thường xuyên thu thuế khi phát sinh mỗi chuyển nhượng, vừa phải quyết toán thuế cả năm cho từng khách hàng của mình hay sao? Giải quyết ra sao khi một nhà đầu tư lại mua bán thông qua nhiều công ty chứng khoán? Những chuyển nhượng ngoài thị trường chứng khoán có thu thuế hay không và nếu thu thì dùng biện pháp nào? Có chính sách phân biệt và cách phân biệt nhà đầu tư dài hạn và nhà đầu tư ngắn hạn?

4- Dự luật quy định thu nhập chịu thuế chuyển nhượng bất động sản tính bằng cách lấy giá bán trừ giá mua hay chi phí tạo lập. Cách tính giá bán và giá mua hay chi phí tạo lập như thế nào, đặc biệt là đối với những bất động sản tạo lập đã lâu đời?

5- Thuế TNCN lần này có chính sách giảm trừ gia cảnh được dư luận hoan nghênh. Song về mặt biện pháp thực hiện lại không hề đơn giản. Không đòi hỏi người nộp thuế chứng minh về người phụ thuộc được giảm trừ, khó loại trừ khả năng man khai. Nếu đòi hỏi chứng minh thì vấn đề trở nên rắc rối. Trong thực tế, chứng minh quan hệ ruột thịt không khó, vì đã có nhiều giấy tờ ghi nhận hoặc có thể dựa vào xác nhận của chính quyền địa phương. Song chứng minh về quan hệ nuôi dưỡng là vấn đề tế nhị, riêng tư của từng gia đình và có rất nhiều kịch bản có thể xảy ra. Chính quyền địa phương không thể xác nhận. Vậy thủ tục cụ thể thế nào cho vừa đơn giản, không gây phiền hà, vừa chống man khai hoặc tạo được lòng tin rằng không có man khai?

Trên đây chỉ là mấy câu hỏi trong nhiều câu hỏi của cuộc sống cần phải giải đáp bằng những biện pháp khả thi với những lý lẽ thuyết phục. Có vậy chính sách mới có tính khả thi. Và để trả lời được, các biện pháp cần được nghiên cứu sâu hơn, cụ thể hơn, không thể dừng lại ở 4 giải pháp quá sơ lược như đã nêu trong dự án Luật Thuế TNCN. Do đó thời gian nghiên cứu của các các cơ quan soạn thảo luật và cả của Quốc hội cần phải kéo dài hơn, nếu không muốn luật bất cập ngay khi được thông qua. Vì vậy sẽ là quá vội vã nếu Quốc hội thông qua luật ngay tại kỳ họp này và quy định hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2009.

Lê Văn Tứ

Tin cùng chuyên mục