Những giải pháp ngăn chặn nạn bạo lực, bạo hành

 Cùng bạn đọc!

Sau 10 ngày mở diễn đàn chống bạo lực, bạo hành trên trang Ban Bạn đọc, Báo SGGP nhận được rất nhiều bài viết lên án mạnh mẽ tình trạng bạo lực, bạo hành diễn ra ở khắp nơi cùng với những đề xuất giải pháp nhằm ngăn chặn nỗi đau chung của xã hội. Tuy nhiên để nhường chỗ đăng tải những thông tin khác, diễn đàn xin khép lại từ hôm nay (24-11-2008). Chúng tôi sẽ tiếp tục chọn lọc và đăng tải những bài viết đạt chất lượng. Xin chân thành cám ơn quý bạn đọc, các nhà xã hội, giáo dục học đã nhiệt tình cộng tác với Báo SGGP.

Sớm đưa các bộ luật đi vào cuộc sống

Luật Bình đẳng giới có hiệu lực từ ngày 1-7-2007 và Luật Phòng chống bạo lực gia đình có hiệu lực từ ngày 1-7-2008. Đây là hai bộ luật cần thiết nhằm nâng cao vị thế người phụ nữ, đồng thời là giải pháp hữu hiệu chống nạn bạo lực, bạo hành đang gia tăng trong xã hội. Thế nhưng, đến nay hai bộ luật này chậm đi vào cuộc sống khiến một số kẻ bạo lực, bạo hành vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, chưa bị xử lý nghiêm minh.

Luật Bình đẳng giới có hiệu lực được hơn một năm nhưng chưa có các văn bản hướng dẫn nên các điều khoản của luật vẫn đang “nằm trên giấy”! Luật Phòng chống bạo lực gia đình cũng đã có hiệu lực từ hơn hai tháng qua, song cho đến nay vẫn “án binh bất động”! Theo tôi, sau khi bộ luật được ban hành thì phải có ngay các văn bản hướng dẫn, tránh tình trạng có luật cũng… như không!

Lan Hương

  • Chế tài mạnh hơn đối với hành vi bạo lực   

Theo quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS), định lượng mức tổn thất do hành vi phạm tội gây ra từ 11% trở lệ thì người phạm tội mới bị xử lý hình sự. Như vậy, những đối tượng có hành vi hành hung người vô cớ, hành hung nhiều lần làm người bị hại sứt đầu, mẻ trán nhưng tỷ lệ thương tật chưa tới 11% thì không bị pháp luật trừng trị. Trong nhiều trường hợp, lực lượng công an chứng kiến các đối tượng vi phạm xô xát, đánh nhau nhưng họ chỉ biết can ngăn, hòa giải và giao cho gia đình, địa phương giáo dục vì chưa đủ căn cứ khởi tố vụ án.

Đối với những hành vi gây tổn thất cho người bị hại dưới 11% mà bị xử lý hình sự là những trường hợp đặc biệt. Đó là những hành vi được quy định tại khoản 1 điều 104 BLHS như: Dùng hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; phạm tội nhiều lần đối với một người hoặc nhiều người; phạm tội đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, ông bà, cha mẹ, thầy giáo, cô giáo… Còn hầu hết các hành vi phạm tội cố ý gây thương tích nhưng mức độ thương tật của người bị hại dưới 11% và không thuộc các trường hợp nêu tại khoản 1 điều 104 BLHS sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo Pháp lệnh xử pháp vi phạm hành chính (nếu có đủ căn cứ).

Từ thực tế quy định pháp luật cho thấy, các biện pháp xử phạt đối với hành vi hành hung, đánh người gây thương tích chưa nghiêm khắc, chưa đủ sức răn đe và hậu quả là nhiều người sẵn sàng dùng nắm đấm để giải quyết công việc mỗi khi có mâu thuẫn. Để phòng ngừa và ngăn chặn hiệu quả tình trạng phạm tội ngày càng tăng như hiện nay cần phải có điều chỉnh cụ thể về các điều khoản trong BLHS theo hướng mở rộng các hành vi bị xử lý hình sự và nâng mức hình phạt nặng hơn nữa.

L.S Nguyễn Mạnh Hùng

  • Vai trò của công an rất quan trọng

Có thể thấy, các thiết chế và biện pháp tổ chức phòng ngừa tội phạm hình sự ở ta còn những mặt hạn chế dẫn đến tâm lý bàng quan, ngại va chạm... trong một bộ phận dân cư. Xã hội chưa xây dựng được sự hậu thuẫn để người dân tham gia nhiều hơn vào các hoạt động kiểm tra giám sát, phát hiện và phòng ngừa tội phạm. Tôi cho rằng sở dĩ bọn cướp lộng hành là do chúng nắm được sự lơ là của lực lượng bảo vệ an ninh địa phương.

Theo tôi, để hạn chế tình trạng bạo lực, bạo hành, lực lượng công an có vai trò hết sức quan trọng. Ngoài việc phải có kế hoạch phòng ngừa tội phạm từ cơ sở thông qua việc quản lý chặt chẽ đối tượng hình sự, truy nã những tội phạm còn lẩn trốn, khẩn trương điều tra truy tố, xét xử kịp thời tội phạm..., lực lượng tinh nhuệ của công an cần được hỗ trợ các biện pháp kỹ thuật, khoa học hình sự để nhanh chóng phát hiện tội phạm. Trong một xã hội pháp quyền, người dân trông đợi các cơ quan nhà nước, các cơ quan tiến hành tố tụng và các thiết chế bổ trợ, giám sát khác thực thi hết trách nhiệm của mình để biến quyền được hưởng sự an toàn về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân trở thành hiện thực.

N.D. (lichkhang91@...)

  • Mỗi công dân cần sống có trách nhiệm hơn

Ngồi trên xe buýt thấy một kẻ gian đang thực hiện hành vi trộm cướp nhưng nhiều người không lên tiếng để bắt kẻ gian mà im lặng vì “sợ liên lụy”. Tại sao chúng ta không không thử đặt mình vào hoàn cảnh của người bị hại? Tại sao không ít cái xấu, cái ác nghiễm nhiên trở thành bình thường? Đây là những câu hỏi day dứt khiến chúng ta phải suy ngẫm về trách nhiệm công dân. Tôi nghĩ xã hội cần trân trọng, tôn vinh và bảo vệ sự dũng cảm, hy sinh của những Lục Vân Tiên thời nay - những người đã không chọn lối sống cầu an, dửng dưng, tặc lưỡi cho qua trước những chuyện bất bình.

Môi trường xã hội an toàn là quyền lợi và mong ước của người dân, nhưng cùng với nó là trách nhiệm pháp lý của mỗi người trong công tác phòng chống tội phạm (như đã được quy định trong điều 25 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003). Chỉ khi nào, mỗi cá thể trong xã hội sống có trách nhiệm hơn thì khi đó, những vụ việc kinh hoàng như “cái ác lộng hành giữa phố”, con đánh cha, trò hành hung thầy, cha mẹ hành hạ con cái... mới có thể bị loại ra khỏi đời sống. Góp phần chống lại cái xấu, cái ác chính là cách mỗi người tự trở nên văn minh và thúc đẩy xã hội phát triển hơn.

Ngọc Yến
(737 đường 3/2, Q.10, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục