Từ thư bạn đọc

Đình Ông Súng - một di tích bị lãng quên

Một di tích
Đình Ông Súng - một di tích bị lãng quên

Một di tích

Đình Ông Súng (ở số 394A đường Lê Văn Sỹ phường 14 quận 3) được xây dựng từ thế kỷ thứ 19. Theo truyền thuyết, vào thời điểm đó, người dân địa phương vô tình tìm được dưới lòng kênh gần đó một khẩu súng thần công cổ bằng kim loại đã bị gãy nòng. Thấy có sự linh ứng nên người dân cùng nhau lập đình để thờ phụng “thần súng”.

Tuy nhiên, cũng có tài liệu nghiên cứu cho rằng, căn cứ vào chất liệu, hoa văn của chiếc khánh thờ và cặp liễu đối có niên đại khoảng thế kỷ 19, cũng như nội dung bài vị có tại đình thì Đình Ông Súng vốn thờ phụng viên chánh lãnh binh Lê Đường Cung - người từng chiến đấu và hy sinh rất hiển hách tại thôn Chí Hòa ngày xưa.

Nhân dân cùng thân tộc của viên chánh lãnh binh này đã lập miếu thờ ông ngay trên vùng đất mà ông đã hy sinh và đặt tên là Chí Bửu để qua mắt thực dân Pháp cùng tay sai. Khẩu súng đại bác đã từng vào trận với ông cũng được đưa vào trong miếu và lâu ngày trở thành một vật thiêng.

Ngôi miếu dần trở thành thân quen với nhân dân trong vùng và được nhiều người đến lễ bái, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng. Sau nhờ có nhiều bá tánh ủng hộ, quyên góp nên ngôi miếu được xây dựng thành một ngôi đình và dân trong vùng gọi là Đình Ông Súng.

Bao giờ được trả mặt bằng để tôn tạo

Đình Ông Súng - một di tích bị lãng quên ảnh 1

UBND P14, Q3 dựng bảng trụ sở khu phố văn hóa ở Đình Ông Súng rồi đóng cửa để đó từ nhiều năm qua, trong khi đình lại không có mặt bằng để thờ phụng, sinh hoạt. Ảnh: TR.TH.

Năm 1984, Đình Ông Súng bị xem là một cơ sở mê tín dị đoan nên chính quyền địa phương đã dời việc thờ cúng lên căn gác nhỏ nằm phía sau đình đồng thời cho dựng một cầu thang nhỏ làm lối đi riêng lên đình.

Khẩu súng cũng được di dời ra trước đình để lấy mặt bằng làm nhà văn hóa cho UBND phường 25 (nay là phường 14 quận 3). Tháng 5-1991, UBND phường 14 lấy mặt bằng của đình cho tư nhân thuê mở nhà sách, kinh doanh văn hóa phẩm.

Việc lấy mặt bằng Đình Ông Súng cho thuê khiến những người quản lý đình và một số người dân bất bình làm đơn khiếu nại đến các ban ngành và UBND TP.

Ngày 12-1-1999, UBND quận 3 đã có công văn chỉ đạo: Do đình còn để lại nhiều di tích cổ vật quý cần được bảo vệ, mặt khác phải bảo đảm hoạt động tín ngưỡng dân gian theo quy định về đình đền miếu mạo nên yêu cầu UBND P14 ngưng cho thuê kinh doanh nhà sách và thanh lý hợp đồng; giao Phòng kinh tế phối hợp phường thu hồi giấy phép kinh doanh và quy ước từ nay không xem xét cấp giấy phép kinh doanh các hoạt động kinh tế tại Đình Ông Súng; xác lập việc quản lý đình theo quy định bảo hộ của Nhà nước về tín ngưỡng dân gian; giao cho phường 14 phối hợp Mặt trận và ngành chức năng lập Ban Quản trị đình để quản lý sử dụng đúng mục đích văn hóa, khôi phục lại đình phục vụ sinh hoạt tín ngưỡng và các lễ hội.

Thế nhưng 9 năm trôi qua kể từ khi có văn bản chỉ đạo của UBND quận 3, Đình Ông Súng vẫn còn nằm trên căn gác ọp ẹp. Còn mặt bằng ngôi đình được UBND phường 14 chuyển thành trụ sở khu phố văn hóa 5. Nhiều người dân cho biết, trụ sở này chỉ thỉnh thoảng mở cửa tổ chức hội họp, sinh hoạt phường đội còn hầu hết thời gian là đóng cửa. Một số người dân ở đây cho hay, vào các dịp lễ tết có một số tiểu thương đến thuê bán hoa, quần áo giày dép ngay trước sân đình.

Chúng tôi gặp cụ bà Trần Ngọc Điệp - người đang trông nom, nhang khói giữ gìn Đình Ông Súng. Bà kể lại hành trình nhiều năm qua bà phải vất vả cầm đơn đi đến các cơ quan xin trả lại mặt bằng Đình Ông Súng để có chỗ làm lễ cúng bái nhưng không được.

Ngày 10-5-2004 bà Trần Ngọc Điệp gửi đơn cầu cứu đến Sở Văn hóa - Thông tin TP, mong các cơ quan can thiệp với chính quyền địa phương trả lại đầy đủ mặt bằng cho Đình Ông Súng. Tuy nhiên, Sở Văn hóa - Thông tin có công văn số 1266/CV-SVHTT ngày 31-5-2004 trả lời vấn đề này thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương.

Ước mong được trả lại mặt bằng Đình Ông Súng để có điều kiện chăm nom thờ cúng nghiêm trang, đàng hoàng hơn và cũng là cách gìn giữ di tích cho thế hệ mai sau của bà Trần Ngọc Điệp và người dân là nhu cầu chính đáng.

Thiết nghĩ, chính quyền các cấp nên sớm yêu cầu UBND phường 14 trao trả mặt bằng lại cho ngôi Đình Ông Súng để phục vụ sinh hoạt tín ngưỡng và các lễ hội nhằm tôn tạo và bảo vệ tốt hơn di sản văn hóa dân tộc.

Song Pha

Tin cùng chuyên mục