Rau củ quả trong hệ thống siêu thị

Có thể yên tâm

Có thể yên tâm

Nhiều bạn đọc gởi thư về Báo SGGP bày tỏ nỗi lo sợ trước thông tin rau xanh, củ quả bày bán trên thị trường nhiễm độc tố, dư lượng thuốc trừ sâu… Vậy nguồn gốc rau củ quả bán trong hệ thống siêu thị có đảm bảo an toàn? Sau đây là ý kiến của một số nhà bán lẻ có quy mô lớn về rau an toàn ở TPHCM.

Ông Trần Vinh Quang, Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh Xí nghiệp Chế biến Kinh doanh Rau quả Vissan:
Đảm bảo an toàn thực phẩm là thương hiệu của doanh nghiệp

Có thể yên tâm ảnh 1

Quầy rau an toàn tại Co-opMart Nguyễn Đình Chiểu, Q3 TPHCM.

Bảo đảm cung cấp nguồn rau an toàn không chỉ là thực hiện Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm của TP mà còn là trách nhiệm của Xí nghiệp chuyên doanh rau quả Vissan, thương hiệu thực phẩm có uy tín của thị trường về sản phẩm thịt tươi sống và chế biến.

Thường thì sau những chuyến đi khảo sát thực tế tại nơi sản xuất, chúng tôi mới ký hợp đồng mua bán với thời hạn từ 6 tháng đến 1 năm.

Để có nguồn củ quả Đà Lạt đảm bảo cả về chất lẫn lượng, được Hiệp hội Rau quả Đà Lạt tư vấn, chúng tôi đã khảo sát và ký hợp đồng với các công ty HP, Trình Nghi, HTX Rau an toàn Phước Thành…

Nguồn rau lá, trái cây, chúng tôi chọn các nhà vườn ở Tiền Giang và đã ký kết với các HTX Thân Cửu Nghĩa, Long Hòa… Khách hàng có thể yên tâm vì các loại rau quả củ trên đảm bảo về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn bảo đảm đủ số lượng theo nhu cầu đặt hàng và cả về giờ giấc giao hàng.

Hiện nay xí nghiệp thu mua lượng rau củ quả đến đâu là tiêu thụ hết đến đấy. Bình quân, chúng tôi cung cấp cho khách hàng mỗi ngày từ 18 đến 20 tấn rau an toàn. Khách hàng mua “sỉ” của chúng tôi gần như cố định: các siêu thị Co-opMart, CitiMart, FiviMart, Big C, Metro; các bếp ăn tập thể cơ quan, nhà trẻ, mẫu giáo, các bệnh viện lớn (Viện Tim, Nhi đồng 2, Triều An, 30-4…) và một số trung tâm giáo dục và hoạt động xã hội.

Tết năm nay, Xí nghiệp CBKDRQ Vissan có kế hoạch thu mua, cung ứng cho thị trường 2.150 tấn rau củ quả các loại, tăng khá cao so với tết năm ngoái, trong đó, trái cây chưng là 132 tấn, chiếm tới 35%-40%.

Bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Sài Gòn Co-op), phụ trách kinh doanh:
Thực phẩm vào siêu thị đều đảm bảo chất lượng

Khi đưa thực phẩm tươi sống, trong đó có mặt hàng rau quả, vào bày bán trong hệ thống siêu thị Co-opMart, nhà cung cấp đều phải qua ít nhất 3 “cổng”: một của cơ quan chức năng với giấy chứng nhận chất lượng; hai là của Chi cục Thực vật (nếu là thực phẩm), kiểm tra hàng mẫu và nguồn nước, môi trường nơi sản xuất phải đúng theo quy định; cổng thứ ba là của Phòng Quản lý chất lượng Saigon Co-op: nhân viên QA (kiểm tra chất lượng) tại mỗi Co-opMart có trách nhiệm kiểm tra mẫu hàng lấy bất chợt trong quá trình sản xuất kinh doanh; khi hàng rau quả nhập kho, có riêng bộ phận kiểm soát nhanh dư lượng thuốc trừ sâu.

Mỗi siêu thị Co-opMart đều được kiểm tra định kỳ và đều có giấy chứng nhận cơ sở kinh doanh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm do Sở Y tế TPHCM cấp. Mới đây, Saigon Co-op đã thành lập Ban dự án phát triển ngành hàng thực phẩm tươi sống do Phó tổng giám đốc phụ trách mua làm Trưởng ban với thành viên là các nhà khoa học, chuyên gia thực phẩm. Bộ tiêu chuẩn về rau quả củ đã soạn xong và sẽ gởi xuống Co-opMart vào giữa tháng 12-2008.

Theo đó, 30 siêu thị trong hệ thống Co-opMart chỉ tiếp nhận và tổ chức bán ra những chủng loại rau củ quả đúng với quy định của Bộ tiêu chuẩn trên. Ban Tổng Giám đốc Saigon Co-op có thể bảo đảm: rau củ quả bày bán trong các Co-opMart không có dư lượng thuốc trừ sâu vượt mức quy định; hàng kém chất lượng (dập, úng) không có mặt trên các quầy. 

ĐÀM THANH

Tin cùng chuyên mục