“Xảo thuật” biến ruộng lúa thành đất vườn

Ruộng lúa thành... vườn hoang
“Xảo thuật” biến ruộng lúa thành đất vườn

Nhiều nông dân ở xã An Phú huyện Củ Chi TPHCM gửi thư đến Báo SGGP phản ánh: 2 năm qua, đầu nậu đất ở các nơi đã kéo về xã An Phú mua gom đất trồng lúa rồi chuyển sang đất vườn và giữ đất đầu cơ nên hiện tại hàng trăm ha “đất vườn” ở đây đang bị bỏ hoang.

Ruộng lúa thành... vườn hoang

“Xảo thuật” biến ruộng lúa thành đất vườn ảnh 1

Ngày càng nhiều cánh đồng bỏ hoang ở xã An Phú, Củ Chi TPHCM.

Trước đây, ở xã An Phú huyện Củ Chi có cánh đồng trù phú, màu mỡ nằm dọc theo sông Sài Gòn, trải dài trên 4 ấp (Xóm Chùa, Xóm Thuốc, Phú Bình, Phú Trung). Vốn cần mẫn, siêng năng, nhiều nhà nông gặt hái được những vụ lúa bội thu. Thế nhưng, 2 năm trở lại đây, cơn sốt đất đã lan đến vùng quê vốn yên bình này. Nhiều người kinh doanh đất đai từ các nơi đổ về đây mua ruộng lúa, sau đó chuyển đổi thành đất vườn rồi giữ đất chờ thời. Đất đổi chủ, còn đồng ruộng phì nhiêu lại bị hoang hóa dần.

Nhìn những thửa ruộng ở Xóm Chùa chuyển dần sang những khu vườn, bãi đất hoang, cây cỏ mọc um tùm ai cũng xót xa. Một lão nông đang thăm ruộng lúa ở cánh đồng hoang hóa này cho biết: “Cánh đồng của ấp Xóm Chùa rộng hơn 60ha nhưng nay đã chuyển cho chủ mới gần một nửa. Họ đến mua đất ruộng, trồng dăm ba cây chuối để chuyển thành đất vườn rồi để hoang cho cỏ dại mọc. Còn những gia đình cố giữ đất, theo nghề nông thì liên tục bị thất mùa vì sâu, chuột từ ruộng hoang tràn sang cắn phá…”.

Tình trạng sang nhượng đất ở cánh đồng ấp Phú Bình còn rầm rộ hơn. Với diện tích hơn 200 ha, cánh đồng lúa là nguồn sống cho hơn 400 hộ nông dân trong ấp nay đã thay tên đổi chủ gần hết. Chủ đất mới đã cắm cọc, giăng dây kẽm gai để giữ đất và không đầu tư trồng trọt gì nên cỏ và cây dại tha hồ sinh sôi nảy nở. Một cán bộ ấp cho biết, đến thời điểm này đã có ít nhất 150ha đất ruộng lúa chuyển thành vườn hoang.

Có hay không sự tiếp tay của cán bộ địa phương?

Tình trạng tự do sang nhượng ruộng lúa, dễ dàng chuyển đổi mục đích sử dụng đất như nêu trên đang gây bức xúc cho nhiều người dân ở xã An Phú huyện Củ Chi. Nhiều người dân cho biết, những đầu nậu sau khi gom đất ruộng rồi trồng vài ba cây chuối là được phép làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất. Thậm chí để làm nhanh, một số đầu nậu đã thuê người dân địa phương chặt ngọn chuối cắm xuống ruộng, tạo hiện trường giả. Khi cán bộ xã vừa đi khỏi thì những cây chuối cũng tàn úa, chết héo ngay. Nhiều người dân thắc mắc: liệu một số cán bộ địa chính ở xã An Phú có tiếp tay cho các đầu nậu đất?

Lý giải điều khó hiểu này, ông Hồ Hữu Ân, Chủ tịch HĐND xã An Phú cho biết, chủ trương của địa phương cho phép người dân chuyển những khu ruộng lúa kém hiệu quả, năng suất thấp sang đất vườn để tăng hiệu quả kinh tế. Theo kế hoạch từ nay đến đến năm 2010, xã sẽ chuyển 213ha đất trồng lúa sang đất vườn. Tuy nhiên, việc đầu nậu ở các nơi đến thu gom đất ruộng, làm thủ tục chuyển sang đất vườn nhưng để hoang hóa là điều không thể chấp nhận được.

Bà Nguyễn Thị Hồng Phí, Chủ tịch UBND xã An Phú khẳng định: cán bộ xã đã làm đúng quy trình chuyển mục đích sử dụng đất. Việc nông dân hay những người nơi khác đến mua ruộng lúa rồi bỏ hoang thì UBND xã chưa kiểm tra nên chưa có thông tin cụ thể. Từ thông tin Báo SGGP cung cấp, UBND xã sẽ tổ chức kiểm tra, căn cứ vào Luật Đất đai 2003 và Nghị định 181/CP để xử lý nghiêm các chủ đất chuyển sang đất vườn mà không sử dụng, để hoang hóa. Riêng việc cán bộ địa chính xã có tiếp tay để chuyển mục đích sử dụng đất hay không, chúng tôi sẽ thực hiện thanh kiểm tra ngay để trả lời dư luận.

Trần Yên

Tin cùng chuyên mục