Vụ ngư dân Bình Định bị Hải quân Indonesia bắt: Ngư dân cầu cứu

Vụ ngư dân Bình Định bị Hải quân Indonesia bắt: Ngư dân cầu cứu

Những ngày qua, gia đình của ngư dân Nguyễn Văn Đốc (ở thôn Đệ Đức 3, xã Hoài Tân, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) “đứng ngồi không yên” vì chuyện tàu của anh bị Hải quân Indonesia bắt giữ gần 2 tháng qua.

Ngoài tính mạng, chiếc thuyền câu mực BĐ0219TS (anh Đốc hùn vốn cùng một số ngư dân), kế mưu sinh duy nhất của 4 người trong gia đình anh Ðốc đang có nguy cơ mất trắng. Trước nguy cơ này, gia đình những người bị bắt giữ mong muốn được thông qua Báo SGGP chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền lời thỉnh cầu sớm can thiệp để phía Indonesia giải quyết tốt đẹp trường hợp này.

Vụ ngư dân Bình Định bị Hải quân Indonesia bắt: Ngư dân cầu cứu ảnh 1

Anh Trường cùng mẹ và vợ của anh Nguyễn Văn Đốc.

Được Hải quân Indonesia thả về gần một tháng qua nhưng anh Huỳnh Văn Trường (35 tuổi, trú thôn Đệ Đức 3, xã Hoài Nhơn), vốn là thuyền viên tàu BĐ0219TS vẫn chưa hết hoảng sợ.

Theo lời anh Trường, tàu BĐ0219TS có 1 chủ tàu (anh Đốc) và 8 người đi bạn, xuất phát từ bờ biển Vũng Tàu vào ngày 18-10, đến đảo Côn Sơn (Vũng Tàu) vào tối ngày 19-10 và ngày hôm sau tiếp tục ra khơi khoảng 30 hải lý để câu mực thì bị bắt.

Anh Trường kể lại: Khoảng 11g ngày 20-10, tàu Hải quân  Indonesia ập đến và yêu cầu tất cả thuyền viên tàu BĐ0219TS sang tàu hải quân. Sau đó, phía tàu Indonesia cho 2 người sang “khám xét” tàu cá và thu giữ một số vật dụng rồi kéo tàu BĐ0219TS đi.

Trên đường đi, tàu của Hải quân Indonesia tiếp tục bắt thêm 4 tàu câu mực khác. Nhưng sau đó, Hải quân Indonesia đã thả một số thuyền viên Việt Nam (trong đó có 7 thuyền viên tàu BĐ0219TS) sang 1 tàu câu mực để trở về Việt Nam. Riêng các chủ tàu, thuyền trưởng của 4 tàu câu mực còn lại bị bắt về đảo Natona (Indonesia). Tại đảo Natona, các ngư dân Việt Nam đều bị cạo trọc đầu.

Từ sau ngày anh Đốc bị bắt, cuộc sống của những người trong gia đình anh Đốc đã đảo lộn hoàn toàn. Chị Phan Thị Phượng (33 tuổi), vợ anh Đốc cho biết: Ngày 24-10, anh Đốc đã nhờ bộ đàm trên tàu của một ngư dân Indonesia liên lạc về nhà để báo tin mình bị bắt. Từ đó đến nay, mỗi tuần anh điện về nhà một lần để hỏi thăm, động viên người trong gia đình và thông báo tình hình hiện tại.

Qua đó cũng biết được, mỗi ngày, phía Indonesia cấp cho anh Đốc một lon gạo, thức ăn thì phải tự túc. Anh Đốc phải lượm dừa trên đảo để làm thức ăn. Chính vì thế, gia đình anh Đốc đã gửi cho anh Đốc số tiền 400 USD để chi tiêu, riêng số tiền chuộc tàu lên đến gần 1 tỷ đồng thì gia đình không thể đáp ứng nổi.

Theo thông tin phía gia đình anh Đốc nhận được, thì các chủ tàu Việt Nam xâm phạm lãnh hải bị bắt thường phải hầu tòa do phía Indonesia xét xử. Riêng anh Đốc phải chờ đến khoảng tháng 2 hay tháng 3-2009.

Ngay sau khi anh Đốc bị bắt, chị Phượng cùng những người trong gia đình làm “đơn cầu cứu” gửi Sở Ngoại vụ TPHCM để nhờ can thiệp.

Ông Nguyễn Tấn Hùng, trưởng thôn Đệ Đức 3 cho biết: Ngay sau khi nhận được tin anh Đốc bị bắt, UBND huyện Hoài Nhơn cũng đã có văn bản trình lên, đề nghị  nhờ UBND tỉnh, Sở Ngoại vụ, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định đề nghị các cơ quan chức năng của Trung ương can thiệp, giúp đỡ cho anh Đốc sớm được hồi hương.

Hoàng Trọng

Tin cùng chuyên mục