Chuyện về một “điểm sáng”

Chuyện về một “điểm sáng”

Tôi tìm đến nhà anh Trần Triệu Kim, thương binh 1/4 (số 214A đường Nguyễn Hồng Đào phường 14 quận Tân Bình TPHCM) vào một buổi sáng đẹp trời. Từ hơn 10 năm nay, anh Kim mở tiệm bán đồ điện gia dụng ở nhà để kiếm sống cho cả gia đình. Ngồi trò chuyện với anh, câu chuyện của chúng tôi luôn bị ngắt quãng bởi khách hàng ra vào tấp nập. Dẫu bị chấn thương cột sống, bại liệt cả hai chân, mắt phải bị mờ… nhưng anh vẫn luôn tay ghi chép sổ sách, hóa đơn, thu tiền…

Bận rộn là vậy, nhưng hễ khách hàng nào thắc mắc điều gì anh cũng dừng tay để giải thích cặn kẽ cho mọi người. Vì thế, không khí “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” luôn hiện diện tại cửa hàng nho nhỏ của anh. Anh Phạm Hoàng Long, khách hàng “mối” của anh Kim từ 8 năm nay, nhận xét: “Ngoài thị trường thiếu gì cửa hàng điện gia dụng có quy mô lớn, nhưng tôi thường xuyên đến đây mua hàng vì anh Kim rất nhiệt tình, luôn giữ chữ tín với khách hàng, đặc biệt mua hàng của anh Kim thì khỏi lo về chất lượng và giá cả…”. 

Chuyện về một “điểm sáng” ảnh 1

Anh Trần Triệu Kim, thương binh 1/4 (ngồi bên trái) đang giao dịch với khách hàng. Ảnh: M.N.

Ngồi quan sát anh Kim - “ông chủ” tiệm bán đồ điện gia dụng đang phải chống chọi với vết thương gây đau nhức toàn bộ cơ thể nhưng vẫn tươi cười giao dịch với khách hàng, tôi không khỏi chạnh lòng…

Gần 20 năm nay, anh Kim đã chịu đựng vết thương chiến tranh hành hạ, nhưng anh vẫn cố gắng vượt lên và có cuộc sống bình thường như những người khỏe mạnh khác.

Anh bộc bạch: “Đúng 18 tuổi (năm 1977), tôi nhập ngũ và được điều động sang chiến trường K chiến đấu. Ba năm sau (năm 1980), trong lúc giao tranh quyết liệt, pháo địch nã trúng hầm của tôi khiến tôi và 4, 5 đồng đội khác bị thương nặng. Tôi được đưa về hậu phương điều dưỡng. Ở đây tôi gặp rồi yêu một cô y tá và xây dựng gia đình với nhau. Chúng tôi có hai con, một gái, một trai khỏe mạnh. Thấy đồng lương thương binh không đủ nuôi sống gia đình, tôi mở tiệm điện gia dụng này và thuê thêm 4 thợ điện cùng làm. Nhờ vậy, mỗi tháng cũng kiếm thêm được 4 - 5 triệu đồng, có điều kiện nuôi hai con ăn học nên người…”.

Nhắc đến các con, niềm hạnh phúc hiện lên trong ánh mắt anh, anh khoe: “Cháu lớn năm nay 24 tuổi đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về và hiện đang theo học ngành đồ họa ở Đại học Hồng Bàng. Còn cháu nhỏ đang học lớp 7 và luôn là học sinh giỏi…”.

Nhìn vết thương lở loét trên đôi chân đang sưng tấy của anh, tôi hỏi anh chạy chữa như thế nào, anh bảo: “Phần vì bận việc, phần vì tiền thuê xe đến bệnh viện còn tốn hơn tiền mua thuốc nội nên mỗi ngày tôi bỏ 30.000 - 50.000 đồng mua thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau rẻ tiền để cho qua cơn đau…”.

Bà con lối xóm nhận xét: cũng may anh có vợ là y tá nên mỗi buổi sáng, chị đẩy xe lăn đưa anh ra ngoài trời tắm nắng và xoa bóp theo phương pháp vật lý trị liệu, giúp anh duy trì sức khỏe, ai cũng tấm tắc khen gia đình anh được cả vợ lẫn chồng… Anh Kim còn “khoe” thêm: “Thỉnh thoảng, vợ chồng tôi tranh thủ đi du lịch các nơi. Tôi nhớ nhất là lần được ra Hà Nội thăm Lăng Bác, đứng trước Bác tôi nhủ thầm sẽ luôn giữ vững phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ, cố gắng vươn lên để xứng đáng là thương binh “tàn mà không phế” như lời Bác dạy…”.

Chị Trần Thị Kim Giàu, Phó phòng LĐTB-XH quận Tân Bình nhận xét: “Trước nghị lực vượt khó mạnh mẽ của anh Kim, quận đã cử anh tham dự hội nghị toàn quốc về gương thương binh vượt khó để nhân rộng điển hình. Anh Kim chính là “điểm sáng” cho nhiều người học tập…”.

Minh Ngọc

Tin cùng chuyên mục