Thai phụ đi máy bay: Nhiêu khê

Cơ sở y tế chấp nhận, hãng vận chuyển bảo không

Hãng hàng không quy định một đằng, nhân viên làm thủ tục cho hành khách lên máy bay một nẻo khiến nhiều thai phụ không khỏi bức xúc. Ngày 12-11, bạn đọc đã phản ánh đến Báo SGGP về sự tắc trách của các cơ quan y tế cũng như hãng hàng không.

Cơ sở y tế chấp nhận, hãng vận chuyển bảo không

Thai phụ Lê Nguyễn Đông P. (ngụ An Hòa 5, khu dân cư Nam Long, Tân Thuận Đông, Q7, TPHCM) bức xúc phản ánh, chiều 4-11 vừa qua, chị đáp chuyến bay từ TPHCM đi Huế vào lúc 16 giờ và bị các nhân viên làm thủ tục sân bay của Hãng hàng không Việt Nam Airlines (VNA) gây khó khăn.

Theo chị P., do mang thai tháng thứ 8, nên trước khi mua vé máy bay về Huế chị đã tìm hiểu thông tin từ phòng vé của Hãng VNA nằm trên đường Nguyễn Huệ, quận 1. Tại đây, nhân viên bán vé cho biết để được đi máy bay, hành khách phải có giấy chứng nhận sức khỏe của cơ sở y tế và theo giới thiệu của nhân viên này thì nên đến khám, xin giấy chứng nhận tại khoa Phụ sản cơ sở 4 của BV Đại học Y Dược TPHCM. Đồng thời, nhân viên bán vé cũng không quên dặn dò là giấy chứng nhận sức khỏe chỉ có giá trị trong vòng 1 tuần trước chuyến bay và thông báo với hãng hàng không để được đặt chỗ.

“Được hướng dẫn, ngày 3-11 tôi đã đến khoa Phụ sản của BV Đại học Y Dược để khám và được chứng nhận đủ sức khỏe để đi máy bay. Sau đó, tôi quay trở lại phòng vé VNA đặt mua vé và được phát một tờ khai y tế nữa. Thế nhưng không hiểu sao khi ra sân bay thì tôi bị từ chối” dù đã xuất trình đầy đủ giấy chứng nhận sức khỏe, sổ khám thai và các giấy tờ tùy thân.

Theo nhân viên làm thủ tục, họ không chấp thuận vì cho rằng tuổi thai quá lớn”. Cuối cùng để được lên máy bay, chị P. phải nhờ người thân can thiệp với lãnh đạo của Hãng VNA tại phía Nam mới đi được.

Tuy chưa đến mức phải gặp rắc rối như chị P. nhưng thai phụ Nguyễn Thị Ngọc H. (TPHCM) cũng có phản ánh đến Báo SGGP rằng, để được đi máy bay chị cũng gặp không ít trở ngại. Trước hết là chị phải chạy lòng vòng qua một số cơ sở y tế để xin giấy chứng nhận sức khỏe.

Chị H. cho biết: “Tôi có sổ khám thai tại BV Từ Dũ nhưng khi hỏi bác sĩ để xin giấy chứng nhận thì họ bảo không làm được. Sau đó tôi mới biết khoa Phụ sản BV Đại học Y Dược có làm giấy chứng nhận sức khỏe cho thai phụ đi máy bay”. Chưa hết, khi đến phòng vé của VNA mua vé thì họ phát cho một mẫu tờ khai y tế màu vàng để bác sĩ xác nhận về tình trạng sức khỏe nhưng đến cơ sở y tế họ không đồng ý, mà dùng mẫu giấy chứng nhận của mình. Đã vậy, thai mới 32 tuần tuổi nhưng trước lúc lên máy bay cũng phải ký cam kết miễn trừ trách nhiệm.

Cần quy định rõ ràng hơn

Theo BS Nguyễn Thị Thanh Hà, Trưởng khoa Phụ sản BV Đại học Y Dược TPHCM, để chứng nhận sức khỏe cho thai phụ đi máy bay, giữa bệnh viện và Hãng hàng không VNA có ký kết thỏa thuận với nhau. Theo đó, thai phụ đã được bệnh viện khám và cấp giấy chứng nhận thì được phép đi máy bay của hãng này. Tuy nhiên, theo BS Hà, việc nhân viên hãng hàng không thực hiện đúng thỏa thuận thì không biết được.

Theo quy định, Hãng hàng không VNA nhận vận chuyển hành khách là phụ nữ có thai nhưng không chấp nhận vận chuyển phụ nữ 7 ngày trước hoặc sau khi sinh. Trước chuyến bay, hành khách là phụ nữ có thai phải hoàn tất các thủ tục xác nhận sức khỏe nếu thuộc một trong những trường hợp sau: mang thai từ 32 tuần trở lên hoặc không xác định được rõ thời gian mang thai hay thời gian sinh nở; hoặc trước đó đã từng sinh đôi, sinh ba...; hoặc có thể có những trục trặc trong khi sinh; hoặc có thai bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo (khách thuộc loại này phải làm thủ tục khám sức khỏe trước chuyến bay tại bệnh viện, nơi thực hiện việc thụ tinh nhân tạo và theo dõi sức khỏe của họ, hoặc tại các cơ sở y tế được VNA chấp nhận). Như vậy, đối chiếu với quy định của VNA thì thai phụ Lê Nguyễn Đông P. hoàn toàn đủ điều kiện để đi máy bay. Thế nhưng, nhân viên Hãng VNA lại gây những phiền toái.

Trong khi đó, Hãng hàng không Jetstar Pacific Airlines (JPA) lại có quy định khác đối với hành khách là thai phụ. Theo đó, mang thai đến 28 tuần, hãng sẽ vận chuyển mà không cần giấy xác nhận của bác sĩ nhưng hành khách phải ký vào bản tuyên bố giới hạn trách nhiệm; mang thai từ 28 tuần tới 35 tuần thì hành khách phải xuất trình giấy xác nhận của bác sĩ đủ sức khỏe phù hợp để đi máy bay và giấy xác nhận này phải còn hiệu lực (7 ngày) so với ngày khởi hành. Còn mang thai từ 36 tuần trở lên thì JPA từ chối vận chuyển.

Nên chăng các hãng hàng không cần có quy định rõ hơn để tạo điều kiện cho thai phụ khi đi máy bay.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục