Vấn đề bạn đọc quan tâm

Nhiều dự án quy hoạch công viên cây xanh còn nằm trên giấy

Chờ quy hoạch: Dân khổ
Nhiều dự án quy hoạch công viên cây xanh còn nằm trên giấy

Trong khi tỷ lệ cây xanh bình quân trên đầu người ở TPHCM chỉ đạt ở mức ít ỏi khoảng 1m²/người, thì lại có hàng trăm dự án quy hoạch công viên cây xanh bị “treo” cả chục năm nay…

Đường Bạch Đằng P3 Q.Gò Vấp nằm trong khu vực giải tỏa để trồng cây xanh, mở rộng công viên Gia Định.

Đường Bạch Đằng P3 Q.Gò Vấp nằm trong khu vực giải tỏa để trồng cây xanh, mở rộng công viên Gia Định.

Chờ quy hoạch: Dân khổ

Quá trình đô thị hóa nhanh dẫn đến dân số tăng chóng mặt nên phường 8 được hình thành từ việc chia tách phường 12 quận Gò Vấp. Đây là địa phương có tốc độ xây dựng nhanh và chỉ trong một thời gian ngắn, toàn bộ diện tích của phường đã phủ kín nhà cửa mới xây cất. Thay vào những vườn rau, khu trồng cây cảnh tươi tốt sum sê là những dãy nhà cao tầng, đường bê tông mới làm.

Nơi đây cũng được những nhà làm quy hoạch bố trí 6 khu công viên cây xanh, với diện tích từ vài trăm đến cả ngàn mét vuông. Thế nhưng, hầu hết các dự án công viên cây xanh này chỉ tồn tại trên giấy và trong các quyết định phê duyệt quy hoạch, còn trên thực tế, khu dân cư vẫn hiện hữu.

Bà con ở đây cho biết, những dự án công viên cây xanh từ “trên trời rơi xuống” theo quy hoạch - đã gây cho họ biết bao phiền toái. Bởi lẽ, đang sinh sống ổn định hàng chục năm nay với nhà cửa được xây dựng khang trang, giờ họ bị rơi vào tình cảnh ăn ở “bất hợp pháp”, vì nằm trong dự án quy hoạch công viên cây xanh.

Không riêng ở phường 8, tại quận Gò Vấp còn có hàng trăm công viên cây xanh lớn nhỏ chưa được thực hiện, trong đó tập trung nhiều nhất ở các phường 1, 5, 14 và 15. Cụ thể như ở phường 15, khu công viên cây xanh cù lao ấp Doi rộng cả chục hécta, được phê duyệt từ năm 1998 nhưng đến nay vẫn án binh bất động. Do bị gắn cái mác quy hoạch “treo” nên người dân không được làm gì từ xây cất đến chuyển nhượng nhà cửa.

Do các dự án công viên cây xanh chỉ tồn tại trong quy hoạch và bị “treo” nhiều năm nên người dân lẫn chính quyền ở các quận, huyện đều có chung nỗi khổ, trong đó nhiều địa phương rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Bởi lẽ, triển khai thực hiện dự án thì không có kinh phí, còn điều chỉnh, xóa quy hoạch treo, giảm phiền phức, thiệt hại cho người dân thì không dễ.

Có thể điểm danh những dự án công viên cây xanh tồn tại lâu năm trên giấy và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân là khu công viên cây xanh ở hai phường 5, 15 (quận 8); khu vực phường Hòa Thạnh (quận Tân Phú); Tam Bình (quận Thủ Đức)...

Đâu là hướng ra?

Theo dự kiến của Sở Giao thông vận tải TP, đến năm 2010 tỷ lệ cây xanh bình quân trên đầu người của TPHCM đạt 5-6m². Tuy nhiên, đạt được con số này đang là thách thức lớn đối với các quận, huyện.

Nguyên nhân khó thực hiện là do suốt thời gian qua việc đầu tư kinh phí để đền bù, giải tỏa thực hiện dự án công viên cây xanh quá hạn chế, còn điều chỉnh quy hoạch, giải bài toán “xóa” bỏ cây xanh trên giấy thì vẫn giậm chân tại chỗ.

Ông Phan Tấn Lực, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú cho biết, hiện nay diện tích công viên cây xanh trên địa bàn quận chỉ có hơn 15ha, tính bình quân, tỷ lệ cây xanh mới được 0,4m²/người dân. Theo kế hoạch từ nay đến năm 2015, nếu diện tích công viên cây xanh tăng lên gấp đôi (32,4 ha) thì tỷ lệ cây xanh cũng chỉ đạt 0,76m²/người và tới năm 2020, nếu tăng lên trên 76 ha thì tỷ lệ cây xanh cũng chỉ tròm trèm ở mức 1,6m²/người.

Điều này cho thấy mục tiêu về tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân mà quận đưa ra chưa thực sự cao nhưng để thực hiện được cũng quá gian nan. Tất cả là do thiếu kinh phí và cơ chế.

Để đẩy nhanh tiến độ, xóa các dự án công viên cây xanh trên giấy, quận Tân Phú kiến nghị TP cho phép địa phương được “đổi đất lấy công trình”. Cụ thể, quận sẽ điều chỉnh quy hoạch, theo đó chuyển một phần nhỏ diện tích dự án cây xanh làm nhà ở, đổi lại người dân sẽ nhường đất cho nhà nước. 

Như vậy, các dự án “treo” sẽ xóa nhanh hơn, chính quyền không phải đầu tư nhiều kinh phí để đền bù giải tỏa, về phía người dân cũng dễ đồng thuận khi được xây dựng nhà ở trên đất của mình.

Do đặc thù riêng, khu dân cư, nhà ở của người dân quận 8 được xây dựng dọc theo các dòng kênh rạch. Theo quy hoạch, hầu hết nhà cửa ở ven kênh rạch sẽ bị giải tỏa để xây dựng hành lang công viên cây xanh.

Ông Nguyễn Thành Chung, Chủ tịch UBND quận 8 nói, việc giải tỏa số lượng lớn nhà cửa của dân là một thách thức đối với chính quyền địa phương. Hơn nữa, cái khó khác là TP cũng chưa có quy định cụ thể về giá cả đền bù giải tỏa làm công viên cây xanh, nên chưa thể xúc tiến thực hiện.

Như thế, để thực hiện mục tiêu tăng diện tích cây xanh ở TP, lãnh đạo TP cần có biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực thi các dự án công viên cây xanh như đã quy hoạch, tránh tình trạng quy hoạch trên giấy như nêu trên.

Trần Yên

Tin cùng chuyên mục