Đèo Ngoạn Mục: Phá rừng cũng “ngoạn mục”!

Đèo Ngoạn Mục: Phá rừng cũng “ngoạn mục”!

(SGGP-12G).- Lợi dụng việc phát quang đường bộ, lâm tặc đã chặt hạ rất nhiều gỗ quý rồi đào luôn gốc mang về làm bonsai, đó là tình trạng đang diễn ra trên đèo Ngoạn Mục thuộc địa phận huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận.  

Chặt cây, đốn luôn cả gốc…

Vượt qua địa phận Lâm Đồng được hơn 100m, chúng tôi gặp ngay đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Ninh Thuận đang kiểm tra số lượng cây thông bị chặt hạ bên hành lang đường đèo Ngoạn Mục. Ngổn ngang bên đường là những cành thông dài khoảng 1m mới bị cưa xẻ vất bỏ lại. Một cán bộ kiểm lâm cho chúng tôi biết: “Chặt cây để đàm bảo an toàn giao thông, số lượng ít thôi”.

Thế nhưng, đi tiếp khoảng 50m, chúng tôi đếm được hơn 30 cây thông bị chặt hạ còn trơ lại gốc. Có những cây thông đang được công nhân Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ (QL-SCĐB) 71 làm củi đốt nhựa rải đường, có những cây chỉ còn lại cành, lá héo khô. Xuôi đèo Ngoạn Mục thêm 100m, chúng tôi thấy 15 cây dầu, căm xe (một loại gỗ quý nhóm II) và nhiều loại gỗ khác bị đốn hạ. Có điều lạ, nhiều cây bị chặt lại nằm sâu trong rừng, gốc không còn, được rải lá khô che lại. Có những cây căm xe thì bị đào xung quanh gốc.

Đèo Ngoạn Mục: Phá rừng cũng “ngoạn mục”! ảnh 1

Đã đào cây thì đào luôn gốc (trong ảnh là một cây đã bị đào gốc và tấp lá khô lại để che dấu vết)

Qua 1km đường đèo tương đối yên ả, hai bên toàn cây nhỏ không bị chặt, đến đầu dốc Cây Khô chúng tôi tiếp tục bắt gặp cảnh phá rừng. Hàng trăm cây gỗ lớn bé với đường kính từ 10-80cm đều bị chặt hạ, chỉ còn gốc, cành và lá bị vứt bên mé đường.

Ngay sau một biển báo với ghi chú “Rừng đầu nguồn cần phải bảo vệ nghiêm ngặt” là một cây căm xe bị chặt. Có những cây chúng chưa kịp vận chuyển còn để lại một số khúc nằm chơ vơ bên đường. Số cây bị đào gốc và đào đất xung quanh gốc chúng tôi đếm được hơn chục cây.

Hạt Kiểm lâm Ninh Sơn cho rằng chỉ chặt những cây bên đường che khuất tầm nhìn người xe qua lại, nhưng không hiểu sao nhiều cây gỗ quý nằm sâu trong rừng cũng bị chặt?!

Ai tiếp tay phá rừng?

Vượt qua đèo Ngoạn Mục, chúng tôi hỏi một người quen ở huyện Ninh Sơn thì biết gỗ được tập kết cách đèo 8km. Nằm tại một bãi đất trống gần nhà dân, theo quan sát của chúng tôi thì số gỗ này chỉ là một phần nhỏ so với số cây bị chặt.

Nhiều người dân xung quanh cho biết, nghe đâu số gỗ trên đã được Kiểm lâm Ninh Sơn đánh dấu số lượng để bán đấu giá. Trong vai người mua bán gỗ, chúng tôi hỏi thăm được người quản lý số gỗ nói trên là T., làm ở Hạt Quản lý đường bộ 71.3, trực thuộc Công ty QL-SCĐB 71. Liên hệ qua điện thoại hỏi T. việc mua bán gỗ thì anh ta bảo “chờ kiểm tra xong người ta (kiểm lâm - PV) mới bán nhưng số đó toàn gỗ tạp thôi, anh mua làm gì?”. Sau đó, T. hứa rằng khi nào thuận lợi để bán thì sẽ gọi lại cho chúng tôi…

Chờ đoàn kiểm tra tỉnh Ninh Thuận xuống Trạm Kiểm lâm Sông Pha nghỉ ngơi, đúng 12g trưa hôm đó chúng tôi phóng xe lên đèo. Đang dừng lại chụp ảnh bỗng nghe tiếng máy cưa rất gần, chúng tôi liền giấu xe leo lên rừng quan sát thì thấy 2 chiếc ô tô của Công ty QL - SCĐB 71 xuất hiện, trên xe chở 4 công nhân cùng với máy cưa. Hai chiếc xe từ từ chạy lên đèo, thu dọn những khúc gỗ còn để lại đưa lên xe, sau khoảng 30 phút thì quay về.

Trên đường theo hai chiếc xe xuống đèo, chúng tôi còn gặp 2 thanh niên chạy xe máy ôm theo một khúc gỗ thông dài gần 2m chạy qua Trạm Kiểm lâm Sông Pha mà chẳng thấy ai kiểm tra. Hỏi ông Nguyễn Mạnh Hùng (Hạt phó Hạt Kiểm lâm Ninh Sơn) thì ông ta ngạc nhiên hỏi lại: “Thật à?!” rồi than thở lực lượng kiểm lâm của hạt ít quá nên không thể kiểm soát hết việc phá rừng?.

Ông Bùi Anh Tuấn (Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận) cho biết, việc chặt cây trên đèo Ngoạn Mục diễn ra được gần 2 tháng nay và việc này nằm trong chủ trương mở rộng hành lang đường bộ đã được UBND tỉnh đồng ý cho Công ty QL - SCĐB 71 thực hiện. Cây được chặt là những cây nằm bên hành lang đường có nguy cơ ngã đổ hoặc che chắn tầm nhìn người xe qua lại và chỉ chặt với số lượng ít thôi.

Theo ông Tuấn, thì trước mắt chưa thể khẳng định ai đào gốc hay chặt những cây không nằm bên đường nhưng có lẽ có kẻ đã lợi dụng chủ trương này để phá rừng. Ông Tuấn cũng cho rằng có khả năng lâm tặc lợi dụng kiểm lâm sơ hở để phá rừng hoặc công nhân Công ty QL - SCĐB 71 đã “tiếp tay” cho người thân phá rừng!

Công Hoan

Tin cùng chuyên mục