Đăng ký xe ôm: Nên, không nên?

Tất nhiên sẽ có người bảo là nên, và có người bảo là không nên. Tuy nhiên, nên hay không nên thì chúng ta chỉ có thể khẳng định được sau khi đã phân tích thấu đáo về chính sách nói trên. (Người ta thường gọi phép phân tích này là phân tích chính sách).

Mọi chuyện phải bắt đầu từ việc nhận biết vấn đề. Những người hành nghề xe ôm đang gây ra vấn đề gì vậy? Họ đang làm ách tắc giao thông? Họ đang gây mất trật tự xã hội? Họ đang chèn ép khách hàng…? Có vẻ như tất cả đều không phải. Ít nhất thì không hề có dư luận xã hội về những vấn đề trên, và cũng không hề có các số liệu để khẳng định bất cứ điều gì như trên. Mà như vậy thì việc can thiệp chính sách ở đây không khéo sẽ rất giống với việc cố gắng sửa chữa một chiếc ti vi không hỏng. Việc đề ra chính sách đăng ký kinh doanh xe ôm chỉ để đưa hoạt động này vào nề nếp nói chung thì cũng tốt.

Tuy nhiên, mục tiêu này chỉ là một thứ xa xỉ phẩm trong hoàn cảnh mọi nguồn lực của chúng ta đều đang thiếu hụt như hiện nay. Và có vẻ như cả sự ủng hộ của công chúng cũng đang thiếu hụt.
Ngoài ra, đưa vào nề nếp là nề nếp nào vậy? Nghề xe ôm từ cách gọi đã phản ánh sự phi chính thức của nó. Nó cũng giống như nghề bán hàng rong, nghề tẩm quất dạo, nghề thu mua giấy lộn… là những nghề tự do, lấy công làm lãi. Người dân mưu sinh được vì chúng linh hoạt, và vì chúng không bị đánh thuế, cũng như không bị thu phí. Trong giai đoạn phát triển hiện nay, một lực lượng rất lớn những người dân của chúng ta đang sống bằng những nghề khó khăn, vất vả như vậy. Có nên làm cho công việc mưu sinh của họ thêm khó khăn hơn, vất vả hơn không?

Xét về chi phí, có lẽ đang xảy ra chuyện “lý do to hơn mục đích”- các chi phí phải bỏ ra để thi hành chính sách đăng ký xe ôm sẽ lớn hơn rất nhiều so với lợi ích mà chính sách này mang lại. Trước hết, đó là chi phí của hàng chục vạn người dân hành nghề xe ôm về tiền bạc, thời giờ và công sức. Sau đó là những chi phí cũng lớn không kém của chính quyền để tiếp nhận, xử lý và cấp giấy đăng ký. Có vẻ như, các ủy ban nhân dân phường, xã chưa có đủ người để làm thêm công việc này.

Xét về tính khả thi, không chỉ chi phí cao làm cho tính khả thi của chính sách đăng ký xe ôm trở nên rất thấp, mà khả năng áp đặt chế tài cũng lại góp thêm vào. Lực lượng nào và bằng cách nào có thể phát hiện ra việc một anh sinh viên, một cán bộ về hưu đang kinh doanh nghề xe ôm không đăng ký? Bắt được anh ta thì xử lý anh ta như thế nào? Tịch thu giấy đăng ký nghề xe ôm của một người vì lấy giá quá mức quy định để làm gì, nếu anh ta vẫn có thể tiếp tục hành nghề mà không cần giấy đó?

Nhân đây, có lẽ áp đặt giá cả cho dịch vụ xe ôm là không cần thiết. Xe ôm không phải là một dịch vụ độc quyền. Ngược lại, cạnh tranh ở đây quyết liệt hơn trong ngành điện lực và nhiều ngành khác rất nhiều. Không lái xe ôm nào có thể quát giá trên trời được vì chắc chắn sẽ mất khách hàng. Còn việc nếu trời nắng như đổ lửa nên khách hàng chấp nhận trả giá cao gấp đôi cho người lái xe, thì chính quyền có nên cang thiệp vào không? Để làm gì?

Với những phân tích trên, thiết nghĩ nên hay không nên áp đặt việc đăng ký kinh doanh xe ôm là điều đã rõ.

TS. NGUYỄN SĨ DŨNG (SGGP-12G)

Tin cùng chuyên mục